Thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần
Sáng 21/9/2017, Hội Điện Ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ tổ chức buổi họp mặt báo chí liên quan đến vấn đề bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam thời gian qua. Đạo diễn Quốc Tuấn khẳng định: “Chưa bao giờ có một cuộc cổ phần hoá nào lại nhục nhã và không minh bạch đến như vậy. Những bằng chứng hào hùng của biết bao nhiêu thế hệ cha anh đang bị phủ nhận hoàn toàn. Một miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỉ đồng, không bằng một căn biệt thự cao cấp”- đạo diễn Quốc Tuấn nói. Đạo diễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Nghệ thuật Hãng phim truyện Việt Nam thì khẳng định các nghệ sĩ không phản đối cổ phần hóa, tuy nhiên công cuộc cổ phần hóa này ngay từ đầu đã đầy… dối trá.
Nhà văn Chu Lai mong mỏi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đừng để người làm kinh tế không biết gì về nghệ thuật làm nghệ thuật. Đừng biến địa chỉ văn hoá như số 4 Thuỵ Khuê thành chợ giời. Không kịp có mặt tại buổi gặp này, các nghệ sĩ gạo cội NSND Trà Giang, NSND Thế Anh ở miền Nam đã gửi clip bày tỏ nỗi niềm, bức xúc và cả những giọt nước mắt tủi buồn khi “anh cả đỏ” điện ảnh Việt Nam có nguy cơ bị xóa sổ. NSND Trà Giang nghẹn ngào, đau đớn: “Giá trị thương hiệu là 0 đồng - câu kết luận của lãnh đạo mới khi tiếp nhận Hãng phim truyện Việt Nam với các nghệ sĩ là một sự xúc phạm, một sự sỉ nhục không gì đong đếm được!”.
Các nghệ sĩ đều cho rằng, Tổng Công ty Vận tải thủy - (Vivaso) không hề có ý định phát triển ngành phim mà chỉ muốn “thôn tính” mảnh đất vàng của Hãng phim để kiếm chác lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng. “Hội Điện ảnh Việt Nam kiến nghị Thủ tướng cho kiểm tra, xác định lại giá trị doanh nghiệp Hãng phim truyện Việt Nam một cách công tâm để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, làm tổn thương công sức, nhiệt huyết của nhiều thế hệ nghệ sĩ đã dày công xây đắp vị thế, thương hiệu của đơn vị- cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh dân tộc cách mạng Việt Nam.”- NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Các bộ phải bắt tay vào xác định lại giá trị thương hiệu, không thể để tình trạng nhân dân, văn nghệ sĩ đặt vấn đề là những gì Nhà nước bán thì xác định giá trị thấp, trong khi những gì Nhà nước mua thì giá rất cao”.
Không làm đúng cam kết sẽ chịu chế tài?
Hội Điện ảnh Việt Nam đã đưa ra những kiến nghị tới Thủ tướng như: cho kiểm tra, xác định lại giá trị doanh nghiệp Hãng phim truyện Việt Nam một cách công tâm để tránh thất thoát tài sản nhà nước, làm tổn thương công sức, nhiệt huyết của nhiều thế hệ nghệ sĩ đã dày công xây đắp vị thế, thương hiệu của đơn vị- cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh dân tộc cách mạng Việt Nam; kiến nghị có biện pháp ngăn chặn và loại bỏ những quan điểm sai trái như đã thể hiện trong quá trình cổ phần hóa đang đi ngược lại đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; kiến nghị Lãnh đạo Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ trách nhiệm của những thành viên có trách nhiệm tổ chức thực hiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Viêt Nam chưa hoàn thành nhiệm vụ trong việc chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, cộng nghệ và quản trị để có thể trở thành cổ đông chiến lược xứng tầm của Hãng phim truyện Việt Nam…
“Những hệ quả tiêu cực xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa đang gây tổn thất không chỉ về vật chất mà còn là mất mát lớn lao về tinh thần khiến văn nghệ sĩ điện ảnh giờ hoang mang, bức xúc. Chúng tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền bộ, ngành phát huy cao nhất vai trò quản lý, điều tiết để sớm ổn định lại tình hình tại Hãng Phim truyện Việt Nam, giúp các cán bộ, nghệ sĩ yên tâm sáng tác và tiếp tục cống hiến những tác phẩm tốt cho điện ảnh Việt Nam”- NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng thời gian Hội Điện Ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ tổ chức buổi gặp mặt báo chí, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng có cuộc gặp gỡ báo chí để trả lời về mọi thắc mắc liên quan đến cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, theo phương án cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam, thì đất để phục vụ làm phim chứ không phải để làm khách sạn. Bộ đã chỉ đạo hai đại diện vốn nhà nước của Bộ tại Hãng phim truyện Việt Nam giám sát thường xuyên. Nếu cổ đông chiến lược không thực hiện đúng cam kết sử dụng đất thì Bộ sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi, rút giấy phép xây dựng và cuối cùng là đưa ra tòa.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã yêu cầu Công ty chỉ được sắp xếp, tu sửa cơ sở vật chất tại số 4 Thụy Khuê để phục vụ cho sản xuất phim, tuyệt đối không được kinh doanh vào việc khác.