Không nói ra thì ai cũng biết ngành Điện là ngành đặc biệt của đặc biệt. Hộ dân nào cũng phải sử dụng điện. Hộ sản xuất nào, điện cũng là “nguyên liệu đầu vào”. Điện là ánh sáng, là văn minh. Giá điện tăng hay giảm là vấn đề nhạy cảm của đất nước.
Chính vì thế, “quy trình điều chỉnh” giá bán điện thương phẩm được quy định rất chặt chẽ để bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất của các ngành khác, đặc biệt là túi tiền của dân và vấn đề xã hội. Điện tăng bao giờ cũng kéo theo giá cả khác tăng, ngay cả mớ rau ngoài chợ cóc.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương tại cuộc họp báo trước khi tăng giá điện thì rất nhiều bộ, ngành, trong đó đầu tiên là Bộ này đã đánh giá tác động để trình lên Chính phủ, kể cả việc khi tăng giá điện sẽ có ảnh hưởng đến các mặt hàng khác như thế nào, ảnh hưởng đến CPI ra sao, thậm chí cả GDP… Rồi tất cả các cơ quan có thẩm định trong đó có Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan có liên quan. Thế nhưng tại sao xã hội vẫn bị “sốc”?
Không nói thì ai cũng biết, tài nguyên thủy điện; phần lớn các nhà máy sản xuất chính, chủ yếu hiện nay; đường dây truyền tải điện là tài sản thuộc về toàn dân, Nhà nước – đại diện dân giao cho EVN quản lý, vận hành, khai thác, cung cấp điện cho xã hội và bán điện thương phẩm bảo đảm mục tiêu kinh doanh. Nói điều này để thấy, trong giá bán điện có phần người dân đáng ra được hưởng.
Ngành Điện là ngành do tính chất đặc biệt của đặc biệt nên rất khó để cổ phần, tư nhân hóa bảo đảm sự cạnh tranh như các loại hàng hóa khác. Người tiêu dùng chỉ mong vào sự quản lý tốt của EVN, trông chờ vào sự công khai, minh bạch khi “điều chỉnh giá điện” và sự thẩm định, giám sát của các cơ quan có quyền năng.
Chợt nhớ lại khoảng thời gian 1998 – 2000, ngành Thanh tra cả nước đã thực hiện 03 cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi cả nước, trong đó có thanh tra ngành Điện. Biết bao sai sót, khuyết điểm về quản lý, về hạch toán không đúng đã xảy ra. Đáng tiếc, hiệu lực và hiệu quả thanh tra đối với công tác quản lý ngành Điện không đáng bao nhiêu. Lần thanh tra giá điện này chắc cũng chưa nói lên được vấn đề gì trong cung cách quản lý của EVN.
“Đầu tuần tới sẽ triển khai, tinh thần là đảm bảo làm sao kết luận một cách chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai với các nội dung về điều chỉnh giá bán, phương pháp tính giá. Sau khi có kết luận thì sẽ công khai theo quy định” – ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói như vậy tại cuộc họp báo. Người dân hy vọng và chờ đợi để không chỉ EVN và Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác có những bài học tốt trong quản lý lĩnh vực giá rất nhạy cảm.
Lên đã khó, xuống cũng không hề dễ.