Đắp lá chữa sổ mũi, bé gái 6 tháng tuổi bỏng nặng vùng ngực

Ảnh minh họa từ Internet.
Ảnh minh họa từ Internet.
 Bệnh nhi nhập viện với chẩn đoán nhiễm trùng da, bỏng sâu độ IV, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, tiên lượng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết ngày 12/12, tiếp nhận trường hợp một bé gái bị bỏng nặng vùng ngực, lớp da đã bị lột, vết thương đang chảy dịch và có dấu hiệu nhiễm trùng.

Bác sĩ Sang đã rất sốc khi lật áo của bệnh nhi thấy vết bỏng bị lột da đang chảy dịch và có dấu hiệu của nhiễm trùng.

Gia đình bệnh nhi cho biết từ khi 3 tháng tuổi, bé thường bị sổ mũi và khò khè về đêm. Dù được chữa nhiều lần tại bệnh viện tuyến dưới, bé vẫn không khỏi.

Được mọi người mách hơ nóng lá trầu không đắp lên ngực sẽ khỏi bệnh, bà nội của cháu đã thực hiện. Tuy nhiên, sau khi đắp lá trầu không lên ngực, bé quấy khóc nhiều. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, bà nội gọi điện cho mẹ cháu bé đang đi làm công nhân để đưa con đi khám.

Bệnh nhi nhập viện và được chẩn đoán nhiễm trùng da, bỏng sâu độ IV, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, tiên lượng nặng.

Bác sĩ Sang cho hay: “Tôi không chỉ trích, không nói ai đúng ai sai. Tôi chỉ hy vọng mỗi người chúng ta nên suy nghĩ kỹ trước khi làm".

Bác sĩ Sang chia sẻ thêm đã từng tiếp nhận 4-5 trường hợp trẻ bị bỏng vì hơ lá trầu không đắp lên người nhưng chỉ bỏng nhẹ, trường hợp nặng như bé gái này là lần đầu tiên.

Điều đau đớn hơn cả là ngực bé gái sẽ không tránh khỏi vết sẹo lớn, ảnh hưởng thẩm mỹ khi trưởng thành.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay thời gian gần đây, mạng xã hội thường lan truyền những phương pháp điều trị bệnh truyền miệng. Tuy nhiên, nhiều phương pháp không có căn cứ khoa học và chưa được chứng minh.

“Động cơ của người chia sẻ là để tốt cho cộng đồng nhưng không lường trước được hậu quả. Có thể phương pháp đó hợp với một cá thể nhưng không có nghĩa là áp dụng được cho cả cộng đồng”, PGS.TS Dũng nói.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi trẻ có dấu hiệu khò khè sổ mũi, nếu kèm theo sốt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám. Trường hợp trẻ khò khè sổ mũi vẫn chơi bình thường, chỉ cần rửa mũi và tăng cường dinh dưỡng để nâng cao kháng thể, bệnh sẽ tự khỏi.

Nói về phương pháp chữa bệnh bằng lá trầu không, thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết lá trầu không được dùng trong Đông y để sát trùng và giảm đau. Lá trầu không rất nóng, có tinh dầu, nếu hơ nóng và đắp lên ngực trẻ có thể gây bỏng.

Theo lương y, Đông y có nhiều vị thuốc trị ho và sổ mũi tác dụng tốt hơn lá trầu không rất nhiều. Gừng và tỏi là những gia vị quen thuộc và hữu hiệu. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không đắp các loại gia vị này trên da trẻ, vì chúng đều có tính nóng có thể gây bỏng.

Đọc thêm

"Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang xạ trị

Khánh thành khu vui chơi và học tập cho bệnh nhi tại Trung tâm Ung bướu.
(PLVN) - Chiều 3/5, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ khánh thành khu vui chơi và học tập với tên gọi “Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Xạ trị 2, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế.

Suýt tử vong vì mắc căn bệnh thường gặp rồi đi uống thuốc nam

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Ảnh: BVCC
(PLVN) - Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp Cứu của đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. Đặc biệt, trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi.