Trong đơn thư đến cơ quan chức năng, một số hộ kinh doanh tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Kiêu Kỵ đều thể hiện sự đồng tình với việc triển khai dự án xây dựng trạm trung chuyển rác tại địa phương. Tuy nhiên, trước việc UBND xã giới thiệu địa điểm xây dựng trạm trung chuyển rác ở vị trí đối diện khu giới thiệu sản phẩm của làng nghề, các hộ dân cho rằng, việc này cần được xem xét lại cho phù hợp với quy chuẩn, quy hoạch cũng như nguyện vọng của người dân.
Cụ thể, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01: 2008/BXD thì khoảng cách an toàn môi trường của trạm trung chuyển chất thải rắn trên dưới 20m. Tuy nhiên, trạm trung chuyển rác mà xã Kiêu Kỵ đề xuất chỉ cách khu vực nhà trưng bày sản phẩm tại cụm làng nghề một đường nội bộ chưa đầy 20m, tức là không đảm bảo quy chuẩn.
Mặt khác, từ thực trạng ô nhiễm tại một số trạm trung chuyển rác hiện có, các hộ dân còn cho rằng, cho dù có đảm bảo trên 20m thì khu trưng bày sản phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi thối. Đặc biệt, vị trí dự kiến xây dựng trạm trung chuyển rác nằm ngay cạnh mương nước của thôn nên không thể tránh khỏi việc nước rác thải chảy xuống đây (do nước thải rỉ tự nhiên, hoặc khi gặp thời tiết mưa, hoặc sau khi ép rác) gây ô nhiễm.
Theo một số chuyên gia, đối với trạm trung chuyển rác, ngoài việc tuân thủ khoảng cách như trên còn phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-9:2016/BXD. Theo đó, công trình quản lý chất thải rắn (bao gồm các trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn) phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên về kiến nghị của các hộ dân, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết, vị trí xã đề xuất cách khu nhà xưởng của cụm công nghiệp 21,5m. Trước khi xã đề xuất xây dựng trạm trung chuyển rác, thôn đã họp dân và có nghị quyết thể hiện sự nhất trí. Hiện, do quỹ đất hạn chế nên vị trí này sẽ có thể kết hợp dùng làm nơi tập kết rác thải công nghiệp lẫn rác thải sinh hoạt.
Về vấn đề quy hoạch, ông Thanh thừa nhận, hiện nay, vị trí xã đề xuất xây dựng trạm trung chuyển rác vẫn chưa được thể hiện trong quy hoạch được duyệt chính thức nào (theo hồ sơ địa chính thì vẫn là khu đất công cộng). Lý do: quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã đang được xây dựng nhưng bị chậm do phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Trong khi đó, ông Lê Bá Thủy (thôn Kiêu Kỵ) cho hay “có thể xã lấy ý kiến của người dân thôn khác. Còn chúng tôi là những người bị ảnh hưởng nặng nhất từ trạm trung chuyển rác này nhưng không hề được xã, thôn lấy ý kiến về việc quy hoạch hay khảo sát vị trí xây dựng trạm trung chuyển rác này”.
Ngoài ra, ông Thủy nêu quan điểm, rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp có cách xử lý khác nhau nên không thể tập kết vào cùng một vị trí. Hơn nữa, vị trí xây dựng trạm trung chuyển rác ở trên rất nhạy cảm và có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến việc quảng bá hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm truyền thống của xã. Hơn nữa, theo quy định thì trạm trung chuyển rác sẽ phải có các hạng mục như sân bãi, đường nội bộ, chỗ rửa xe, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải; Khu vực phân loại, lưu giữ vật liệu tái chế; Khu nhà điều hành, phòng hành chính và các công trình phụ trợ khác…Như vậy, diện tích khu đất mà xã đề xuất cũng sẽ không đáp ứng được việc xây dựng các hạng mục trên.
Cùng quan điểm, một số hộ dân đã có đơn kiến nghị cho hay, họ sẽ sẵn sàng phối hợp, ủng hộ địa phương cả về công sức và kinh phí để tìm một khu đất khác, phù hợp với việc xây dựng trạm trung chuyển rác, đảm bảo hài hòa và ổn định tại địa phương.
Được biết, tại buổi kiểm tra thực địa vào chiều 16/4 vừa qua, đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Gia Lâm (chủ đầu tư các dự án xây dựng trạm trung chuyển rác trên địa bàn huyện) cũng đã có kiến nghị rằng, “UBND xã Kiêu Kỵ nghiên cứu, giới thiệu địa điểm khác, không để ảnh hưởng đến nhân dân quanh khu vực”.