Nhất quyết “không xả”
Theo phản ánh của người dân tại thôn 13 và thôn 14, xã Ea Kly, từ đầu tháng 11/2016, Công ty TNHH MTV cà phê 719 (gọi tắt là Công ty cà phê 719) bắt đầu tích nước tại hồ thủy lợi A2, thuộc địa phận xã Ea Kly, huyện Krông Pắk. Khi mực nước tại hồ A2 dâng cao đã gây ra cảnh ngập nhà cửa và cây trồng của bà con nơi đây.
Để bảo vệ quyền lợi, người dân đã có đơn phản ánh gửi đến UBND xã, UBND huyện nhưng đến nay công ty cà phê vẫn chưa xả nước, khiến nhiều hộ dân dở khóc dở mếu.
Trao đổi với XLPL, anh Cấn Vương Thành (SN 1973, ngụ thôn 14) cho biết: “Hơn 1 tháng qua, nhiều thời điểm nước ngập lên đến nền nhà của tôi. Phía ngoài vườn, mực nước thường dao động từ khoảng 40cm đến 1m khiến gia đình tôi chẳng thể làm gì được. Bên cạnh đó, 3 sào chanh dây giống Đài Loan và hơn 100 cây vải thiều (3 năm tuổi) của tôi đã chết sạch do nước ngập nhiều ngày. Ước tính sơ bộ, tôi đã mất trắng 100 triệu đồng”.
Cũng theo lời anh Thành, gần nhà anh có trường hợp của cụ bà Nguyễn Thị Tiêu (SN 1929) rất đáng thương. Cụ Tiêu là mẹ liệt sĩ, sống neo đơn, hơn 10 năm trước được huyện xây cho căn nhà tình nghĩa. Thế nhưng thời gian gần đây, cụ đã phải bỏ nhà đi nơi khác tá túc vì nước ngập.
Bà Tiêu đã phải bỏ căn nhà tình nghĩa đi nơi khác tá túc vì nước bao quanh. |
Tương tự như anh Thành, ông Trần Minh Hùng (SN 1970, thôn 14) cũng có 6 sào đất trồng cà phê và xen canh hơn 600 cây làm trụ tiêu đã ngập trong nước. Theo ông Thành, đất của gia đình ông đã có sổ đỏ và canh tác trước khi hồ A2 hình thành. “Bao nhiêu năm qua, chưa có lần nào nước ngập như bây giờ. Chúng tôi đã nhiều lần cầu cứu các cơ quan chức năng nhưng đến nay, phía công ty vẫn làm ngơ, gây nhiều thiệt hại đối với bà con”, ông Thành phản ánh.
Khi tiếp nhận đơn của bà con về việc bị ngập nước, UBND xã đã tiến hành xác minh và có báo cáo số 15/BC-UBND về “Tình hình ngập úng cây trồng do hồ A2, Công ty cà phê 719 không xả nước”. Theo báo cáo này, mực nước tại hồ A2, thuộc Công ty cà phê 719 đã dâng cao hơn bình thường, gây ra việc ngập úng đối với 6 hộ dân tại địa bàn thôn 14. Trong đó, trên những diện tích bị ngập có nhiều hộ đã được chính quyền cấp sổ đỏ.
Trước tình hình trên, UBND xã đã làm việc với Công ty cà phê 719, đề nghị xả nước ở hồ A2. Tuy nhiên, phía công ty này trả lời rằng, hiện nay mực nước vẫn đang ở mức cho phép (không qua tràn) nên không thực hiện. “Bất lực” trước thái độ thờ ơ của Công ty cà phê 719, UBND xã đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện để cấp trên có biện pháp xử lý.
Công ty viện đủ lý do
Ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND xã, UBND huyện đã cử cán bộ chuyên môn tiến hành kiểm tra thực tế. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, khi lồng ghép tờ bản đồ của công ty với ảnh vệ tinh thì thể hiện rất rõ: “Phần diện tích của người dân bị ngập nằm ngoài diện tích của công ty được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác nhất, cần phải tiến hành đo đạc lại”.
Từ kết quả kiểm tra trên, Phòng Nông nghiệp đề nghị phía Công ty cà phê 719 phải xả bớt nước để giảm thiệt hại đối với bà con.. Đồng thời đề nghị UBND huyện có ý kiến với phía công ty này, tiến hành đo đạc, xác định lại diện tích ngập úng. Nếu đó là đất của dân thì phải bồi thường thiệt hại cho dân theo đúng quy định.
Ngày 2/12, UBND huyện đã có văn bản gửi Công ty cà phê 719 với đề nghị: Trong khi chờ kết quả đo đạc, cắm mốc ranh giới của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Công ty cà phê 719 mở cống hạ thấp mực nước để giảm thiệt hại cho người dân. Đến ngày 10 và 11/12, đích thân Chủ tịch UBND, Bí thư Huyện ủy trực tiếp xuống kiểm tra, đề nghị phía công ty cà phê hạ thấp mực nước nhưng cũng chẳng có kết quả.
Ngày 12/12, phía Công ty cà phê 719 có văn bản trả lời UBND huyện với nội dung: Trong những năm từ 1981-1987, công ty đã tạo được tất cả 7 hồ chứa nước để phục vụ tưới tiêu. Trong đó, hồ A2 có diện tích 60,67 ha. Dù vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài nên hồ không tích đủ nước, thậm chí nhiều năm còn khô cạn. Bởi vậy, một số hộ dân đã tự ý khai thác diện tích đất ven hồ để trồng hoa màu.
Cà phê của ông Hùng cũng chết vì bị nước ngập. |
Đến năm nay, do lượng mưa nhiều và một số yếu tố thuận lợi khác, hồ A2 lại tích đủ nước theo thiết kế được phê duyệt sau 10 năm thiếu hụt. Chính việc hồ tích đủ nước đã gây ngập úng đối với phần diện tích trồng hoa màu của những hộ dân tự ý lấn chiếm đất lòng hồ để canh tác trước đó.
Bởi vậy, phía công ty yêu cầu, Sở - Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng kết hợp với nhân viên của công ty, tiến hành đo đạc, cắm mốc, xác định rõ ranh giới, vị trí để trả lời cho người dân được rõ.
Trong văn bản này, lãnh đạo công ty cà phê 719 còn cho biết, hồ A2 thiết kế chỉ có một cống phi 40 để tưới. Nếu xả cống quá lớn sẽ đe dọa đến độ an toàn của đập. Hơn thế, phía dưới cống là một kênh bê tông, việc xả nước lớn sẽ có nguy cơ làm trôi toàn bộ kênh này, nếu xả nhỏ thì lượng nước cạn không đáng kể.
Một lý do khác khiến công ty cà phê 719 không xả nước khi chưa có kết luận từ cơ quan chức năng là vì: “Hiện công ty còn 4 hồ chứa nước như hồ A2, nếu công ty cho xả nước ở hồ A2 khi chưa có kết luận rõ ràng thì nhiều hộ dân của các hồ khác cũng đồng thanh đòi xả nước”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Tuân, Phó Giám đốc Công ty cà phê 719 cho rằng phần ngập nước là đất lòng hồ công ty bị người dân xâm chiếm trái phép. Sau khi cắm mốc, nếu đất của dân thì công ty sẽ bồi thường thiệt hại, còn đất công ty mà người dân xâm chiếm thì người dân tự chịu.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 21/12, ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, trong ngày 20/12, Sở đã phối hợp với phía công ty cà phê và cơ quan chức năng, tiến hành đo đạc thực tế. Kết quả ban đầu thể hiện, diện tích hoa màu, nhà cửa bị ngập là đất của người dân, không phải diện tích đất lòng hồ của Công ty cà phê 719. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục cắm mốc, phân rõ ranh giới hồ A2 và đất của người dân.
Dù các cơ quan ban ngành đã khẩn trương vào cuộc, cố gắng làm rõ vụ việc để hạn chế thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Ea Kly cho biết, cho đến thời điểm ngày 21/12, phía Công ty cà phê 719 vẫn chưa tiến hành xả nước theo yêu cầu của UBND huyện.