Đặc trưng rõ nhất của sự phụ thuộc là “chuyện gối chăn của vợ chồng”, người bạn đời “phải” phục vụ bất cứ khi nào đối tác muốn. Đáng buồn thay, hành vi “yêu” vốn nhân bản và đẹp đẽ dường ấy, ở một số người, lại chẳng khác gì sự… tra tấn.
"Yêu"… đơn phương
Chị H.L. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết sau khi sinh, người vẫn còn rất mệt mỏi, thế mà chồng cứ “hùng hục” hành sự. Lúc đầu chị còn nghĩ thôi thì chiều vì mấy tháng cuối thai kỳ đã “cấm vận” rồi, giờ lại từ chối thì sợ ổng léng phéng bên ngoài. Nhưng rồi chị lại thấy sức mình như cạn kiệt vì ban ngày chăm con, đêm lại phục vụ chồng, có khi hai, ba “cữ” mới đủ “đô”. Thế là mỗi khi nhìn thấy chồng, chị chỉ muốn… trốn.
Chuyện chăn gối vợ chồng không chỉ là chuyện tâm sinh lý, duy trì nòi giống mà còn phải là một hành vi văn hóa (Ảnh minh họa) |
Chị đọc sách báo, thấy có cách “hóa giải” cho những ham muốn của đàn ông là chính người đó phải chơi thể thao, phải chuyên tâm một công chuyện gì đó, cho phân tán bớt “năng lượng”, chị đưa chồng xem, chồng không xem mà quăng ngay vào xó, rồi tuyên bố tỉnh bơ: ”Bộ tôi lấy vợ để làm kiểng hả?”.
Chồng chị V.H. (Q.3, TP.HCM) còn khắc nghiệt hơn. Khi vợ bệnh, than mệt, xin anh “tha” cho, hẹn khi khỏe sẽ “phục vụ”, liền bị anh sừng sộ: “Cô đừng có xạo. Ốm đau gì. Cô tính để dành cho thằng nào?”. Thế là chẳng cần biết thể trạng vợ thế nào, cảm xúc ra sao, anh cứ làm việc của mình. Xong, anh lăn ra ngủ, chẳng cần biết vợ đang thở không ra hơi, ngáp ngáp như cá mắc cạn vì bị thiếu ô xy (chị bị hở van tim).
Nhiều chị cho biết, thật không hiểu được đàn ông, ban ngày đối xử với vợ chẳng ra gì, ăn nói thì cộc cằn, thô lỗ thậm chí còn “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”, đánh vợ tím bầm mặt mũi… thế mà đêm xuống vẫn xán đến lăm le gần vợ. Cử chỉ, hành vi thì thô bạo, cục súc, không thể gọi là yêu, mà là cưỡng bức quan hệ thì đúng hơn...
Cưỡng hiếp vợ là phạm luật
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nghiêm cấm mọi hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục. Các trường hợp khi không được vợ cho quan hệ hay quan hệ không đủ mà đánh đập vợ; bắt vợ làm nhiều lần cái việc vợ không mong muốn… đều bị coi là bạo lực gia đình.
Theo luật sư Phạm Lĩnh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM): Dù là vợ hay chồng mà có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục trái với ý muốn của người phối ngẫu thì đó là một trong những hành vi bạo lực gia đình được quy định tại điểm đ khoản 1 điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Với hành vi này, người vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 110/2009 /NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ. Cụ thể: người có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn thì có thể bị xử phạt tiền từ trên 500.000đ đến 1.000.000đ.
Nhiều người cho rằng, còn lâu mới xử được “tội” này. Phòng ngủ của vợ chồng kín như… pháo đài, dễ gì có chứng cứ… Dù vậy, việc luật pháp quy định xử phạt hành chính những hành vi bạo hành gia đình, trong đó có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục là một bước đột phá trong việc điều chỉnh các quan hệ có thể nói là rất sâu kín giữa con người với con người. Vấn đề là những người phụ nữ, khi bị bạo lực về tình dục cần mạnh dạn tố cáo để bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm của mình.
Văn hóa tình dục, bao giờ?
Chuyên gia tư vấn tâm lý Kim Bắc (Trung tâm tư vấn Gia đình và ly hôn – FDC) cho biết, theo thống kê thực tế từ các ca tư vấn tâm lý, số các cặp vợ chồng thực sự thỏa mãn, hòa hợp chuyện “chăn gối” không nhiều, chỉ chiếm vài ba chục phần trăm, còn lại là đành tạm chấp nhận và chịu đựng. Điều đó phản ánh phần nào thực trạng hôn nhân thiếu hạnh phúc hiện nay. Nhiều trường hợp ly hôn thực chất bắt nguồn từ nguyên nhân này nhưng được ẩn giấu dưới những lý do khác.
Chuyện chăn gối vợ chồng không chỉ là chuyện tâm sinh lý, duy trì nòi giống mà còn phải là một hành vi văn hóa .“Xin đừng xem tình dục là một việc trần trụi, muốn làm thế nào thì làm. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần trang bị cho các cặp vợ chồng những kiến thức tối thiểu trước khi họ tiến tới chiếc giường ngủ?”, BS Lê Thúy Tươi nói.
Theo Tâm Thơ
PNCT