Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Bộ Y tế về việc sẵn sàng triển khai công tác bảo đảm y tế ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động công tác phòng, chống. Rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.
Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…), Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19... phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương;
Đồng thời, tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.