Báo PLVN nhận được đơn thư kêu cứu của bà Dương Thị Nhung về việc UBND xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ đã thực hiện cưỡng chế phá dỡ ngôi nhà của gia đình đang sinh sống.
Theo bà Nhung khu đất nhà chị đang sử dụng nằm mặt đường quốc lộ 39A, thuộc thửa đất 170, tờ bản đồ số 14 của xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ. Đất và ngôi nhà chị mua lại từ người quen với diện tích đất khoảng 250m2.
Từ năm 2017, bà và gia đình sinh sống và kinh doanh ổn định tại đây. Nhưng đến năm 2020 UBND xã Nghĩa Hiệp ban hành Quyết định số 233/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tiếp đó UBND xã Nghĩa Hiệp tiếp tục ban hành Quyết định số 354/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
“Không đồng ý với các quyết định này, gia đình tôi đã nhiều lần yêu cầu UBND xã trả lời lý do xử phạt vi phạm hành chính nhưng UBND không trả lời, vẫn tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ”, bà nói.
Bà Nhung bên những mảnh kính vỡ của ngôi nhà đã bị UBND xã Nghĩa Hiệp cưỡng chế. |
Nói về việc UBND xã thực hiện cưỡng chế bà Nhung cho biết, thời điểm cưỡng chế trong nhà chị có rất nhiều tài sản có giá trị kèm những giấy tờ quan trọng, tuy nhiên lực lượng cưỡng chế lại sử dụng những biện pháp thô bạo, dùng máy ủi, máy xúc để phá dỡ, đập phá toàn bộ những tài sản đó.
“Hiện tại UBND xã Nghĩa Hiệp đang thu giữ các đồ dùng cá nhân của gia đình tôi, khiến gia đình vừa không có nơi để sinh sống ổn định, vừa không có đồ dùng cá nhân để sinh hoạt. Bên cạnh đó, khi UBND xã thu giữ tài sản của tôi, tôi thấy rằng họ không hề lập biên bản thống kê số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản trong nhà tôi…”, bà Nhung bức xúc nói.
Để làm rõ nội dung phản ánh của người dân, ngày 11/10/2022, PV đã có buổi trao đổi với lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hiệp. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp lại phủ nhận những nội dung mà bà Dương Thị Nhung đưa ra. Bà Phượng khẳng định mình đã thực hiện đúng các bước, quy trình về cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Trước khi cưỡng chế bà đã nhiều lần xin ý kiến UBND huyện Yên Mỹ.
Liên quan đến tài sản của bà Nhung, bà Phượng cho hay, trước khi thực hiện, xã đã tuyên truyền gia đình bà Nhung để di dời tài sản, nhưng chị này không chấp hành, ở trong nhà, chúng tôi buộc phải công bố quyết định cưỡng chế và tiến hành các bước theo quy định.
Trả lời câu hỏi tại sao UBND không thực hiện xử lý công trình vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, để công trình xây dựng xong, hoàn thiện đi vào sử dụng, sau này mới tổ chức phá dỡ, bà Phượng lý giải: Do giao thời từ thế hệ trước để lại, đến thời điểm này tôi tiếp nhận, tôi phải là người khắc phục hậu quả. Khu đất này không có dự án gì, khi chúng tôi thực hiện cưỡng chế là theo Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh về việc xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ giao thông, thủy lợi.
Để làm rõ hơn những nội dung theo phản ánh, PV kiến nghị lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hiệp cung cấp một số văn bản để khẳng định xã đã thực hiện các bước đúng theo quy định, quy trình. Trong đó có một số văn bản liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân, như: Văn bản xử lý vi phạm hành trình trong lĩnh vực đất đai, xây dựng được xã ban hành thời điểm phát hiện vi phạm; các báo cáo, kế hoạch UBND xã Nghĩa Hiệp gửi báo cáo UBND huyện Yên Mỹ trong quá trình thực hiện cưỡng chế; các văn bản chứng minh việc cưỡng chế, bảo quản tài sản của người dân khi cưỡng chế và sau khi cưỡng… Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, đến nay sau nhiều lần liên hệ bà Phượng vẫn chưa cung cấp một văn bản nào./.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc!