Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Yên Châu là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, có 56 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Trên địa bàn huyện có 5 dân tộc anh em cùng đoàn kết sinh sống, trong đó hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhận thức rõ, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Yên Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó trọng tâm là triển khai các dự án thành phần.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành huyện Yên Châu ưu tiên thực hiện, đó chính là tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới còn khó khăn. Tập trung ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế bền vững, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển văn hóa, giáo dục, y tế…Nâng cao nhận thức cho người dân đồng bào DTTS và miền núi, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật luôn được các cấp chính quyền chú trọng.
Thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, diện mạo nông thôn mới huyện Yên Châu ngày càng đổi thay. |
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua huyện Yên Châu đang triển khai 9 dự án thành phần và hàng chục tiểu dự án với tổng nguồn vốn được giao trên 144 tỷ đồng. Từ nguồn lực được phân bổ huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp 31 công trình dự án đầu tư cơ sở vật chất như nhà văn hóa, đường giao thông trường lớp học, nước sinh hoạt, sắp xếp dân cư vùng thiên tai.
Nhờ có những chính sách này, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện Yên Châu đã có những đổi thay tích cực. Hiện, 100% các xã trên địa bàn đã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, bản, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất, trường học, trạm y tế cơ bản hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình đã từng bước làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS, nhiều công trình trường, lớp học, trạm y tế, chợ trung tâm xã, hay các điểm tái định cư phòng, chống thiên tai đang dần được hình thành. Những công trình hạ tầng mới không chỉ từng bước góp phần thay đổi diện mạo của huyện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng DTTS, mà còn là động lực để các xã, bản ở vùng khó khăn vươn lên.
Nhờ được thụ hưởng các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã góp phần làm cho đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu ngày càng được nâng lên. |
Xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả
Tận dụng tiềm năng thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Yên Châu xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, nên huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, xây dựng các mô hình, hỗ trợ về giống, vật tư và tập huấn kỹ thuật… Coi đây là một trong những khâu đột phá, giúp nhân dân các dân tộc có việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững.
Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn đã nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết giá trị bền vững. Hàng năm, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho người dân. Nhờ đó, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thông qua chương trình, người dân không chỉ được hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều gia đình còn được hỗ trợ phát triển kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để lập nghiệp. Đơn cử như gia đình chị Hoàng Thị Tình, người dân tộc Thái, ở bản Nà Khoang (xã Tú Nang), do cuộc sống gặp nhiều khó khăn, may mắn chị Tình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH với số tiền 50 triệu đồng. Chị đã quyết định đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng và mua cây giống trồng thêm 2,5ha cây ăn quả. Kinh tế và thu nhập của gia đình cũng từ đó đi lên, có của ăn của để và điều kiện chăm lo cho con ăn học.
Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây măng tây của anh Hoàng Văn Luống, người dân tộc Thái ở bản Luông Mé (xã Chiềng Đông). Tiếp chuyện chúng tôi, anh Đông cho biết: Trước đây, khu ruộng 800 m² của gia đình chỉ gieo cấy được một vụ lúa, cách đây 3 năm, được xã xuống tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây măng tây. Vụ măng tây vừa rồi, vườn măng tây cho thu hoạch bình quân 4 - 5 kg/ngày với giá 50.000 đồng/kg. So với trồng lúa, trồng măng tây thu nhập cao hơn rất nhiều.
Có thể nói, việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai tại huyện Yên Châu đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị tham gia. Nhờ đó, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả, góp phần giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống.