LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) tập trung đánh giá tổng kết nhiệm kỳ, đề ra phương hướng, mục tiêu và giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm tới. Đại hội sẽ thảo luận, xây dựng và quyết sách nhiều chủ trương lớn có tính chiến lược. Sau đây là ý kiến phát biểu của đại diện một số ngành trên lĩnh vực kinh tế, thể hiện quyết tâm và niềm tin mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện đại, bền vững
Lê Xuân Thuỷ
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Trực Ninh.
Ảnh: Đức Hoa
|
Định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm của các ngành trên lĩnh vực kinh tế, 5 năm của nhiệm kỳ tới, dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, phát triển toàn diện ngành nông nghiệp sản xuất hàng hoá, theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả hơn". Theo đó là năm nhóm giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những giải pháp chủ yếu, cụ thể trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tôi nhận thấy dự thảo báo cáo đã đề cập đầy đủ, toàn diện và sát thực về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng để đại hội thảo luận và đưa ra những quyết sách đúng đắn.
Qua 5 năm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ (2005-2010), mặc dù gặp nhiều khó khăn, song kinh tế nông nghiệp của tỉnh ta vẫn có tốc độ phát triển khá: Cơ cấu sản xuất nông - lâm - diêm nghiệp, thuỷ sản được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Giá trị sản xuất tăng bình quân 4,9%/năm; năng suất lúa hàng năm ổn định ở mức cao: 120 tạ/ha/năm; sản lượng lương thực luôn giữ vững gần 1 triệu tấn/ha, trong đó có 350-400 nghìn tấn lúa hàng hoá. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2009 đạt 65 triệu đồng/ha, năm 2010 ước đạt 70 triệu đồng/ha cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là 28 triệu đồng/ha. Chăn nuôi phát triển, sản xuất muối, nuôi trồng khai thác thuỷ sản, ngành nghề nông thôn được duy trì và có chiều hướng phát triển tích cực. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn được củng cố, mô hình nông thôn mới được triển khai và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ...
Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đề ra trong Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh, trước hết, ngành NN-PTNT cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết VII của BCH TW Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu của toàn ngành trong 5 năm tới là: Khai thác tích cực các tiềm năng về đất đai, lao động, đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng nhanh các tiến bộ KHKT, phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản theo hướng hàng hoá sạch, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đồng thời huy động cao các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ nông thôn, chăm lo tốt đời sống nhân dân. Đặc biệt là tích cực triển khai Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt để chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ảnh minh họa. |
Nhằm cụ thể hoá những giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh, ngành NN-PTNT tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thành và rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất đai, quản lý chặt chẽ đất trồng lúa. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu, lựa chọn phát triển cây trồng, con nuôi có năng suất chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Quy hoạch vùng lúa có năng suất cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển vùng lúa có chất lượng giá trị kinh tế cao để thực hiện sản xuất hàng hoá… tập trung phát triển chăn nuôi, phát triển đa dạng giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, giữ vững ổn định từ 850 đến 860 ha sản xuất muối, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mở rộng diện tích sản xuất muối sạch. Đồng thời với các nhiệm vụ có tính chiến lược nêu trên, ngành NN-PTNT tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hệ thống chương trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, giảm nhẹ thiên tai. Để đáp ứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm tới, ngành tiếp tục đề cao và tăng cường hiệu quả của công tác khuyến nông, khuyến ngư, mở rộng cơ giới hoá, đưa nhanh tiến bộ KH-KT vào quản lý và sản xuất. Xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn để nông dân, ngư dân áp dụng. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trên cơ sở sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, ngành NN-PTNT tỉnh tiếp tục đổi mới công tác quản lý trong các ngành sản xuất, phát triển mạnh kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế HTX, nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành của Ban Nông nghiệp xã, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HTXNN theo Luật HTX. Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, ngành NN-PTNT tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tăng cường, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản, thông tin kịp thời giá cả, nhu cầu thị trường các sản phẩm nông sản, thuỷ sản cho nông dân. Chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản của Nam Định để đẩy mạnh giao lưu hàng hoá. Phát triển kinh tế nông nghiệp làm nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế của tỉnh ta đã được xác định trong Dự thảo
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII sắp tới. Trên cơ sở những quyết sách từ đại hội, ngành NN-PTNT đề ra kế hoạch, chương trình và nội dung hoạt động nhằm phát huy và khai thác tối đa tiềm năng sẵn có, tạo động lực để kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới./.