LTS: Trước kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố, cử tri có nhiều tâm tư, nguyện vọng muốn được HĐND giải đáp, trong đó có việc đặt tên đường ở Đà Nẵng thời gian qua còn những bất cập. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.
* Tiến sĩ sử học Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực III): Đặt tên đường cần phải thận trọng và chính xác
Tiến sĩ Ngô Văn Minh đánh giá rất cao về chủ trương của thành phố đã công bố rộng rãi đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, để lấy ý kiến trong nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, ngoài các danh nhân tiêu biểu của cả nước trên mọi lĩnh vực, thành phố cũng cần chú trọng khôi phục lại những địa danh có dấu ấn trong lịch sử về chống giặc ngoại xâm, mang đậm các yếu tố về văn hóa, lịch sử của thành phố.
Trong đó, việc đặt tên đường lấy tên những nhân vật lịch sử cần phải hết sức thận trọng và chính xác. Những nhân vật được chọn phải có những đóng góp tiêu biểu trong lịch sử, giới thiệu về nhân vật không cần phải dài dòng, kể lể công lao mà cần nêu bật cho được những đặc trưng tiêu biểu của từng nhân vật, để mọi người thấy rõ họ xứng đáng để đặt tên đường.
Đặc biệt, cần thận trọng với những nhân vật lịch sử chưa thật rõ ràng về thân thế và sự nghiệp cũng như công lao đóng góp của họ. Tuyệt đối không nên vội lấy tên những nhân vật ấy đặt tên đường. Tiến sĩ Ngô Văn Minh đưa ra một ví dụ, như đường Lê Tấn Trung, về nhân vật lịch sử này chưa thật rõ ràng, các nguồn sử học chính thống của Việt Nam vẫn chưa làm rõ về nhân vật này. Chỉ có trong cuốn sách của Nguyễn Q. Thắng đề cập đến nhân vật này trong thời vua Lê Thánh Tông, nhưng với cái tên Lê Quyết Trung!?
Tiến sĩ Ngô Văn Minh nhấn mạnh rằng, khi đặt tên đường, cần tóm tắt lý lịch của từng nhân vật cho thật cô đọng, nhưng không quá hời hợt. Cần ghi rõ những nguồn tư liệu về nhân vật đó trích ở đâu, tư liệu nào, chính thống hay không chính thống. Sau đó, cần thành lập hội đồng thẩm định, mời các nhà khoa học, các nhà lịch sử để phản biện, đối chiếu. Thực tế, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn còn những tên đường mà công lao của họ chưa thật sự thuyết phục để đặt tên đường.
Có những nhân vật theo các nhà nghiên cứu thì xứng đáng, nhưng khi viết tiểu sử về họ thì chưa cô đọng trong cách diễn đạt để thể hiện rõ sự đóng góp của họ. Về những tên đường mới, lạ, sau khi thẩm định, đánh giá đúng và đặt tên đường, thành phố cần có chủ trương tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những con đường mới đặt, và gắn biển tiểu sử của những nhân vật này ở những nơi phù hợp, gần với bảng tên đường. Có như vậy, người dân mới dần dần hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của những con đường mang tên mới.
* Ông Bùi Xuân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy: Cần tăng cường công tác tuyên truyền về tên đường
Công tác đặt và đổi tên đường phố của thành phố của Đà Nẵng đến nay vẫn còn nhiều bất cập, cần được khắc phục. Các nhóm làm việc từ Hội đồng đến Tổ thư ký đều là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách, nên công việc không được thường xuyên, thường chạy theo “thời vụ”, việc tham khảo ý kiến chuyên gia, việc đăng báo lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân luôn cập rập về thời gian, thường để đến sát các kỳ họp HĐND thành phố mới đăng báo (khách quan là vì đến lúc đó mới xây dựng xong dự thảo đề án), thiếu thời gian để nhân dân tham gia ý kiến…
Việc đổi tên đường phố, ở những trường hợp bất hợp lý, cũng cần mạnh dạn thay đổi…Theo tôi, để đáp ứng tốt được yêu cầu về đặt, đổi tên đường phố, thành phố cần phải xây dựng một ngân hàng tên đường phố đủ để phục vụ việc đặt và đổi tên đường phố ít nhất trong vòng 5 năm, 10 năm. Quỹ tên đường và công trình công cộng của thành phố hiện nay có thể nói là nghèo nàn, đáp ứng nhu cầu trước mắt, mỗi năm 2 đợt đặt, đổi tên đường đã khá là chật vật chứ chưa nói đến phục vụ lâu dài. Do vậy, những địa danh, nhân vật nổi tiếng được đặt tên rồi, càng về sau, tên càng ít được nhiều người biết đến, công tác phổ biến tuyên truyền lại hạn chế nên nhiều người còn thắc mắc, không hiểu về tên đường mới được đặt. Có một số tên nhân vật lịch sử so với tầm vóc cả nước là chưa lớn nhưng có ý nghĩa đối với Đà Nẵng vẫn được chọn đặt để người dân hiểu thêm về lịch sử quê hương.
* Ông Mai Văn Đào, tổ 6, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Nên đặt bảng lý lịch trích ngang dưới mỗi tên đường
Nhiều năm nay, có những khu vực mặc dù cơ sở hạ tầng đều đầy đủ nhưng đường vẫn chưa được đặt tên như: Khu tái định cư Đại Địa Bảo, khu đô thị Vịnh Mân Quang, một số nơi thuộc khu tái định cư Vũng Thùng...Riêng khu định cư An Hải Bắc II, phường Nại Hiên Đông thì 11 năm nay chưa có tên đường. Điều này khiến việc giao dịch của người dân gặp rất nhiều trở ngại, nhất là ở những khu quy hoạch vì vị trí có sự thay đổi nhiều.
Việc đặt tên đường theo tên địa danh địa phương của phường, làng, ấp...không hay như: Nại An Đông 1, 2, 3, Xuân Thiểu 1, 2, An Hải 1, 2, 3...nên đặt tên danh nhân cho đường. Có thể thêm một bảng lý lịch trích ngang của người được đặt tên vào dưới mỗi tên đường để người dân biết về danh nhân đó. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều biển báo giao thông gần những tên đường để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại như biển báo: Giảm tốc độ, đường dành cho người đi bộ...
NGỌC HÂN và PHƯƠNG TRÀ (ghi)