Hồ sơ giảm mạnh
Căn cứ vào tình hình bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi giữa Sở GD&ĐT với các trường ĐH, CĐ khu vực phía phía Bắc diễn ra ngày 5-5 tại Hà Nội thì tổng số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm khá mạnh so với năm ngoái.
Trong số 25 tỉnh/thành có mặt tại cuộc bàn giao, chỉ một vài địa phương có số hồ sơ đăng ký dự thi tương đương hoặc tăng (dăm ba chục bộ hồ sơ) so với năm ngoái. Số còn lại đều giảm, những tỉnh/thành càng lớn (về quy mô học sinh lớp 12) số hồ sơ giảm càng mạnh.
Chẳng hạn, nơi có số lượng hồ sơ lớn nhất là Hà Nội thì số hồ sơ thu được năm nay chưa đến 160.000 bộ, giảm khoảng 33.000 bộ hồ sơ so với năm ngoái; Thanh Hoá thu được 92.000 hồ sơ, giảm 14.000 hồ sơ; Thái Bình thu được 62.000 hồ sơ, giảm khoảng 9.000 hồ sơ; Nam Định thu được hơn 57.400 hồ sơ, giảm gần 10.000 hồ sơ; Hải Phòng thu được 44.300 hồ sơ, giảm 7.000 hồ sơ.v.v...
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng phòng GD Chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Thanh Hoá, có nhiều nguyên nhân khiến lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay giảm so với năm ngoái: số học sinh lớp 12 ít hơn; do năm nay Bộ GD&ĐT quy định thí sinh nộp luôn lệ phí dự thi ngay khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi... Một cán bộ Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận định, dù số học sinh lớp 12 năm nay của nhiều địa phương (trong đó có Hải Phòng) giảm so với năm ngoái song nguyên nhân quan trọng khiến lượng hồ sơ năm nay giảm là hồ sơ ảo giảm.
“Năm ngoái Hải Phòng có một số thí sinh nộp tới 10 hồ sơ/em nhưng năm nay không hề có trường hợp nào tương tự. Em nào nhiều thì nộp 3 - 4 hồ sơ, phổ biến là khoảng 2 hồ sơ/thí sinh”, vị cán bộ này cho biết.
Một số trường đang làm thủ tục nhận hồ sơ tại bàn của Sở GD&ĐT Hà Nội - Ảnh: Quý Hiên |
Dẫu bối cảnh chung là lượng hồ sơ giảm mạnh nhưng một số trường vẫn bội thu. Bất ngờ nhất là trường ĐH Y Hà Nội với số hồ sơ đăng ký dự thi là 15.500 bộ, tăng khoảng 30% so với mọi năm. Lâu nay, khối B vốn dĩ được xem là khối ít hấp dẫn thí sinh bởi số trường tuyển khối B không nhiều. Mặt khác, trong số các trường tuyển sinh khối B nơi thì khó đỗ (các ngành bác sĩ đa khoa, công nghệ sinh học với chỉ tiêu ít, điểm đầu vào cao), nơi thì bị thí sinh chê (các ngành nông lâm).
Với 1.000 chỉ tiêu cho năm nay, ĐH Y Hà Nội sẽ là trường duy nhất trong nước đạt mức cao nhất đồng thời hai chỉ số: tỉ lệ chọi và điểm chuẩn. Không chỉ trường Y Hà Nội mà nhiều trường đào tạo ngành y khác năm nay được nhiều thí sinh quan tâm. Chẳng hạn với thí sinh ở Thanh Hoá, gần như trường y nào cũng được thí sinh đăng ký dự thi.
Nơi xa xôi so với địa phương này như Y dược Cần Thơ cũng có 1 hồ sơ, nơi quen thuộc như Y Hà Nội có 2.399 hồ sơ; Y Thái Bình 1.987 hồ sơ; Y Hải Phòng 986 hồ sơ... Tỉnh này cũng đóng góp 348 hồ sơ cho trường ĐH Y dược TP HCM. Khác với Y Hà Nội, lượng hồ sơ thu được (16.500) cao hơn 20% so với năm ngoái của Học viện Ngân hàng là điều đã được đoán trước.
Trong nhiều năm gần đây, khối ngành hot nhất thuộc về khối tài chính - kinh tế, trong đó nhóm ngành tài chính - ngân hàng được xem là “đỉnh” về độ hấp dẫn thí sinh. TS Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, năm ngoái điểm chuẩn vào Học viện Ngân hàng khối A là 22 điểm, khối D 20 điểm (chưa nhân hệ số môn ngoại ngữ). Tuy nhiên, theo ông Dũng, điều này không cản trở thí sinh có học lực ít xuất sắc hơn thi vào học viện.
“Ngoài 2.300 chỉ tiêu hệ ĐH chính quy, học viện còn có 1.000 chỉ tiêu hệ CĐ và được đào tạo liên thông. Năm ngoái, điểm chuẩn NV1 hệ CĐ là 16, NV2 là 18 điểm”, ông Dũng nói.
Ít nhưng không dễ
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có điểm chuẩn cao và tỉ lệ chọi thấp từ nhiều năm nay. Năm ngoái, trường có 14.000 hồ sơ đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu là 3.870. Năm nay, chỉ tiêu của trường tăng khoảng 1.000 nhưng số hồ sơ nhận được đến hôm nay là 12.800. Điều này khiến tỉ lệ chọi của trường càng thấp.
Tuy nhiên, theo PGS - TS Hoàng Minh Sơn, nguồn tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội khá ổn định về chất lượng từ rất nhiều năm nay. “Dầu nhiều hay ít hồ sơ đăng ký dự thi thì điểm chuẩn của trường vẫn ở mức trên 20 điểm”, ông Sơn cho biết. Được biết, năm ngoái điểm chuẩn vào ĐH Bách khoa là 21 với khối A.
Dù thuộc khối ngành hot nhưng lượng hồ sơ đăng ký dự thi nộp vào trường ĐH Ngoại thương cũng ở mức vừa phải: 8.200 bộ (cơ sở phía Bắc), giảm khoảng 1.000 bộ so với năm ngoái. Với chỉ tiêu năm nay là 3.000, tỉ lệ chọi của trường sẽ ở mức khá thấp: 1/2,7.
Theo TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương thì tỉ lệ chọi không quan trọng và trường ĐH Ngoại thương sẽ tiếp tục là một trường luôn có điểm chuẩn vào loại cao nhất nước kể cả khối A và khối D.
Năm ngoái điểm chuẩn khối A của trường là 25, khối D là 23,5 (môn ngoại ngữ không nhân hệ số). Năm 2008, điểm chuẩn khối A của trường ĐH Ngoại thương là 26.
ĐH Thương mại: Thí sinh Hà Nội đông nhất nước Hà Nội là nơi có lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường ĐH Thương mại đông nhất nước. Trong tổng số hơn 39.000 hồ sơ (số lượng tương đương năm ngoái) mà trường ĐH Thương mại nhận được có hơn 10.000 hồ sơ của thí sinh đến từ Hà Nội. |