HĐXX phúc thẩm gồm đã tuyên: Không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên án sơ thẩm đối với Dũng, Phúc, Triều, Sơn, Khang và Dương. Chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt, giảm bồi thường cho các bị cáo Đức, Triện, Lừng.
Cụ thể:
1. Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải VN, Nguyên Cục trưởng Cục hàng hải, Bộ GTVT): tử hình về tội tham ô tài sản,18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội là tử hình
2. Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT): tử hình về tội tham ô tài sản, 10 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội là tử hình.
3. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tù về hai tội tham ô tài sản, 5 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội 22 năm tù.
4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô tài sản, 9 năm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội 19 năm tù.
5. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN): 7 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
6. Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines): 7 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
7. Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa): 6 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về mức bồi thường, các bị cáo phải bồi thường với mức như bản án sơ thẩm, ngoại trừ bị cáo Đức giảm bồi thường còn 7 tỉ đồng, bị cáo Triển và Lừng mỗi người bồi thường 6 tỉ đồng.
Trước đó, HĐXX đã nhận định: Vụ án bắt nguồn từ những chủ trương sai trái của Dũng và Phúc. Cả Dũng và Phúc đã trực tiếp ký, phê duyệt các quyết định liên quan đến việc xây dựng nhà máy, mua bằng được ụ nổi... gây thiệt hại đặc biệt lớn.
Cả 2 bị cáo đã lôi kéo theo nhiều bị cáo khác phạm tội. Đặc biệt Dũng còn bỏ trốn ra nước ngoài. Tại phiên phúc thẩm 2 bị cáo quanh co, chối tội. Do đó cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tử hình là có căn cứ và thoả đáng.
Đối với Trần Hải Chiều, cấp sơ thẩm xác định bị cáo có vai trò thực hành, đồng phạm với Dũng, Phúc. Tuy không tham gia bàn bạc nhưng được hưởng 340 triệu đồng. Quá trình điều tra và tại toà không ăn năn hối cải nên phạt 10 năm tù về tội tham ô là 9 năm cố ý làm trái là không nặng.
Trần Hải Sơn bị tuyên 18 năm tù về tội tham ô là quá nhẹ nên cần kiến nghị xem xét tăng hình phạt theo hình phạt Giám đốc thẩm. Mức án 8 năm tù cố ý làm trái là thoả đáng.
Đối với bị cáo Khang và Dương bị toà sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù là chưa thoả đáng.
Các bị cáo Đức, Triện, Lừng: vai trò thấp hơn các bị cáo Khang, Dương song tội danh đồng phạm giúp sức như toà sơ thẩm đánh giá là chính xác. Tại phiên phúc thẩm các bị cáo nhận tội, tỏ ra ăn năn nên có thể áp dụng thêm hình thức giảm nhẹ, có căn cứ giảm một phần hình phạt.
Về trách nhiệm dân sự cấp sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo tham ô tài sản phải nộp lại số tham ô là đúng. Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường và chia tỉ phần bồi thường là có căn cứ.
Về kê biên tài sản: xét kháng cáo của người có quyền lợi liên quan. Ngôi nhà tại Nguyên Hồng, Hà Nội, là nhà mua từ 2000 nên được xác định tài sản chung hợp pháp của hai vợ chồng.
Căn nhà tại Sky City là nhà Dũng mua là đúng. Việc không tính trừ ½ giá trị căn nhà Nguyên Hồng; 1/8 ngôi nhà SkyCity là đúng. Căn hộ tại chung cư 83 Lý Thường Kiệt xác định là tiền của Dũng nên tuyên kê biên là phù hợp quy định của pháp luật.
Kháng cáo của bà Ngô Thị Vân không được chấp nhận./.