Lễ tổng kết mùa giải V-League, hạng nhất 2010 đã thành công theo đúng cách mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hồi hộp chờ đợi. Nhưng nhiều CLB vẫn tỏ ra bức xúc khi những hạn chế tác động trực tiếp đến quyền lợi và thành tích của các CLB vẫn bị ban tổ chức (BTC) giải vô tình hoặc cố ý che đậy tối đa.
-
Chưa nhìn thẳng nhìn thật
2010 là một mùa giải xuất hiện nhiều sự cố cùng vô số những chuyện bi hài từ công tác tổ chức, điều hành giải cho đến năng lực điều hành của lực lượng trọng tài, vấn đề bạo lực sân cỏ, tình trạng đốt pháo trên khán đài...
Nhiều bức xúc và nhức nhối là vậy nhưng bản báo cáo tổng kết do BTC giải thống kê gửi đến đại diện các CLB lại ngắn nhất trong 5 mùa giải gần đây. Với tổng cộng chỉ có 8 trang giấy A4, BTC giải đã khéo léo nén vào trong đó một bức tranh màu hồng “vẽ” một cách vội vã năng lực điều hành giải lẫn công tác trọng tài. Trong khi đó, phần liệt kê những mặt hạn chế cần khắc phục chỉ được gói gọn trong hơn 1 trang giấy, khiến cho rất nhiều đại diện V-League và hạng nhất muốn… ngã ngửa.
Không khó hiểu khi chỉ một ngày sau lễ tổng kết, nhiều HLV và lãnh đội vẫn chưa hết bức xúc. Theo một HLV gạo cội phía Bắc, BTC giải chưa thực sự có ý cầu tiến và dám nhìn thẳng nhìn thật vào công tác trọng tài. Mùa giải 2010 là đỉnh điểm của sự bức xúc và phản ứng từ dư luận và các đội bóng nhưng cuối cùng phần hạn chế của các ông vua sân có chỉ được gói gọn trong khoảng 70 chữ với nội dung đại loại là chưa xử lý mạnh tay các tình huống vào bóng thô bạo trên sân.
Trong khi đó, hàng loạt những sai lầm chết người của trọng tài Võ Quang Vinh, Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Phi Long… đều được bỏ qua dễ dàng. Khi VFF đề nghị tăng mức đóng phí thi đấu V-League lên 500 triệu đồng/mùa để tăng cường thêm chế độ, giúp các trọng tài yên tâm làm nhiệm vụ thì tất cả đều thống nhất thông qua nhưng họ vẫn không giấu nổi sự bức xúc.
Theo ý kiến chung, việc điều chỉnh chế độ nằm ở thì tương lai, còn muốn nâng cao năng lực của trọng tài thì cần phải có những cái nhìn thẳng thắn và đánh giá trung thực ngay từ bây giờ. Vì vậy mới có chuyện, vụ “mất” vé lên hạng của Than Quảng Ninh và SQC Bình Định từng gây bức xúc trong lòng người hâm mộ dễ dàng bị bỏ quên.
Vấn đề trọng tài dù nổi cộm nhưng lễ tổng kết lại chỉ đề cập đến khía cạnh tốt đẹp. Ảnh: NGUYỄN NHÂN |
-
Thương cho giải hạng nhất
Than Quảng Ninh vừa “gạt nước mắt” nhìn vé lên hạng được trao cho Navibank Sài Gòn nhưng những giọt nước mắt cay đắng mà các cầu thủ đất mỏ rơi trên sân Chi Lăng chiều 5-9 vẫn không thay đổi được gì. Kết thúc hội nghị chuẩn bị mùa giải mới, số lượng vé lên hạng của giải hạng nhất tiếp tục là một ẩn số chưa lời đáp. Để “chỉnh sửa” những bất cập từ sự cố Than Quảng Ninh, BTC giải vẫn tiếp tục lấy số lượng CLB chuyển đổi thành doanh nghiệp để quy chiếu ra suất lên hạng cuối mùa giải.
Thời hạn chuyển đổi đưa ra với các đội hạng nhất là 31-7-2011 nhưng điều này vẫn không đủ giúp cho các đội bóng có tham vọng thoát khỏi cảnh trao quyền quyết định vào tay kẻ khác. Đón nhận thông tin trên, đại diện Than Quảng Ninh không giấu nổi bức xúc. HLV Đinh Cao Nghĩa của Than Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đã chơi là chấp nhận luật nhưng luật nào cũng phải đảm bảo tính công bằng. Để tránh xảy ra sự bất công như Than Quảng Ninh từng gánh chịu, BTC giải nên xem xét đưa ra mốc chuyển đổi chuyên nghiệp trước lượt về mùa giải 2011…”.
Nhiều HLV ở V-League và giải hạng nhất đều cho rằng, BTC cần áp dụng quy định chuyển đổi từ ngày
30-5, hoặc 30-4 (khi cuộc đua chưa tách thành nhóm) sẽ đảm bảo tính công bằng và tránh được việc những đội bóng không còn khả năng đua tranh “bỏ của chạy lấy người” như An Giang, Quảng Nam XT, H. Huế từng làm.
Là những người điều hành và đưa ra luật, từ giờ đến lúc khai mạc, BTC giải hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Vấn đề là BTC giải có dám điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho các đội hạng nhất hay không mà thôi.
Theo Sài Gòn giải phóng Online