Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ngày 15/7 tuyên bố cuộc xung đột tại Syria đã ở mức một cuộc nội chiến. Trong khi đó, thủ đô Damascus ngày 16/7 tiếp tục chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt nhất kể từ khi xung đột bắt đầu 16 tháng trước.
Các quan sát viên LHQ đang tìm hiểu tình hình. Ảnh: AFP |
ICRC hồi tuần trước xác định Idlib, Homs và Hama là những vùng chiến sự. Tuy nhiên, khi tình hình bạo lực leo thang nhanh chóng và ngày càng đẫm máu, ICRC đã chính thức thay đổi đánh giá về tình trạng xung đột.
Ông Hicham Hassan – người phát ngôn của ICRC - nói rằng giờ đây Syria được xem như là đang trong tình trạng “xung đột vũ trang không mang tính quốc tế” – một thuật ngữ kỹ thuật mô tả nội chiến. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc luật nhân đạo sẽ được áp dụng ở bất kỳ nơi nào xảy ra các cuộc đụng độ trên toàn Syria.
Những người tham gia chiến đấu ở Syria sẽ chính thức phải chịu sự điều chỉnh của Công ước Geneva và có thể bị truy tố vì các tội ác chiến tranh. “Điều quan trọng là luật nhân đạo quốc tế cần được áp dụng ở những nơi có xung đột giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy trên khắp lãnh thổ Syria” – ông Hassan nói.
Tuyên bố của ICRC trùng khớp với nhận định trước đó của Tổng thống Bashar al-Assad và người đứng đầu của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) Herve Ladsous, rằng Syria đang trong tình trạng chiến tranh.
Ông Sean Maguire – một phát ngôn viên của ICRC – nói rằng, cả quân chính phủ và lực lượng nổi dậy cần phải ghi nhớ về nghĩa vụ “bảo vệ dân thường trước các cuộc giao tranh, điều trị cho những người bị thương mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào”. ICRC đã quyết định coi cuộc xung đột ở Syria là một cuộc nội chiến sau khi phe đối lập có vũ trang chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã phát triển thành một tổ chức thực sự với năng lực đầy đủ hơn.
Ngày giao tranh ác liệt nhất
Trong khi đó, tờ Haaretz của Israel ngày 16/7 dẫn nguồn tin cho hay, phe nổi dậy Syria hôm qua vẫn tiếp tục cuộc giao tranh với các lực lượng chính phủ tại Damascus, trong đó có một khu vực gần dinh thự của Tổng thống Assad. Quân đội Syria đã gửi quân tiếp viện sau các cuộc đụng độ và các trạm kiểm soát đã được dựng lên khắp thủ đô. Tiếng bom đạn vang khắp thành phố, buộc người dân phải đi sơ tán.
Theo phe đối lập, ít nhất 70 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, các cuộc đụng độ quy mô lớn tại thủ đô Damascus từ ngày 15 và kéo dài cho đến sáng 16/7 là cuộc giao tranh “ác liệt nhất” kể từ khi xung đột bùng nổ 16 tháng trước. “Lực lượng quân đội thường trực đã bắn đạn súng cối vào một số vùng ngoại ô. Tình hình chưa bao giờ ác liệt như vậy” – ông Rami Abdel Rahman – người đứng đầu SOHR nói.
Các cuộc giao tranh ở ngoại ô Damascus nổ ra trong khi các quan sát viên LHQ trở lại làng Tremesh điều tra những tuyên bố của phe đối lập, rằng 220 người bị sát hại trong một cuộc thảm sát tuần trước.
“Chúng tôi thấy những vũng máu và vết máu bắn ra trên các phòng cũng như các vỏ đạn rỗng. Một loạt các loại vũ khí đã được sử dụng, trong đó có pháo binh, súng cối và vũ khí hạng nhỏ” – bà Sausan Ghosheh - người phát ngôn LHQ nói về các vụ tấn công ở Tremesh.
Dù ghi nhận hiện trường bị tàn phá nặng nề cũng như bằng chứng của các trường hợp tử vong hàng loạt nhưng nhóm quan sát viên đã kết luận rằng hầu hết những trường hợp tử vong là các phần tử phiến quân hoặc thuộc phe đối lập. Các nhà quan sát cũng báo cáo rằng vụ tấn công là nhằm vào một nhóm người và nhà ở cụ thể, chủ yếu là các nhà hoạt động và những người đào tẩu.
Giữa lúc này, phái viên quốc tế về Syria Kofi Annan và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon ngày 16/7 đã lên đường sang Nga và Trung Quốc trong một nỗ lực để thuyết phục 2 nước này ủng hộ một hành động nghiêm khắc đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, những hy vọng cho một bước đột phá trong các cuộc đàm phán là rất mong manh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16/7 nói rằng các cường quốc phương Tây không sẵn sàng thỏa hiệp về một giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria và cáo buộc họ không chân thành trong việc tìm kiếm giải pháp để chấm dứt đổ máu. “Các đối tác phương Tây của chúng ta không những không thành thật mà cũng không sẵn sàng đàm phán tại Geneva” – ông Lavrov nói, ám chỉ hội nghị quốc tế về Syria ngày 30/6 vừa qua.
Ông Lavrov cũng bác bỏ các chỉ trích cho rằng Nga và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực tiếp diễn vì họ đã từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với chính quyền Syria. Ngoại trưởng Nga khẳng định Matxcova không ủng hộ chính quyền của ông Assad hay lực lượng phiến quân.
Minh Ngọc (Theo Haaretz, Telegraph)