Đại sứ Đặng Minh Khôi chăm chú lắng nghe nguyện vọng của bà con, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam Nga trong nỗ lực quyết tâm đón an toàn tất cả những người Việt Nam trong vùng chiến sự ở Ukraine sơ tán qua Nga.
Bữa cơm trưa thân mật tại Đại sứ quán Việt Nam Nga với những món ăn quê nhà, cũng phần nào làm vơi đi nỗi bâng khuâng của 18 người Việt vốn vẫn để lại mảnh đất Ukraine nhà cửa cùng nhiều tài sản họ tần tảo tích góp gần như cả cuộc đời mới có được.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi chụp ảnh với gia đình chị Nguyễn Thị Bích Vân và 3 con đến từ Kharkov, Ukraine. (Nguồn: Vietnam+) |
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, quê Hưng Yên, sống ở ngoại ô Kharkov cùng 3 con, cho biết, khu vực chị ở sát ngay biên giới Nga nên ngay từ những ngày xung đột đầu tiên không có điện, mất nước, mất sóng điện thoại.
Không còn cách nào khác, chị phải tìm đến chỉ huy quân đội Nga nhờ giúp đỡ và được quân đội Nga đưa bằng ô tô qua biên giới tới một trại tị nạn tạm ở ngoại ô thành phố Belgorod, rồi sau đó được cộng đồng người Việt tìm và đón về Voronezh.
Chị kể: “Lúc đi, em chỉ xác định mình cứ dẫn con đi để tránh nguy hiểm trước mắt đã, chứ không dám nghĩ là tới đâu cũng được sự giúp đỡ nhiệt tình như thế. Rất may là đi tới đâu đều nhận được sự giúp đỡ, kể cả từ đơn vị lính rồi sau này là trại tị nạn của Nga. Cộng đồng ở Voronezh cũng rất nhiệt tình chu cấp, hỗ trợ. Em không thể tưởng tượng mình gặp may như thế".
Anh Lưu Văn Trường, sống 34 năm ở Kherson, cho biết hiện ở thành phố Kherson còn khoảng 50 người Việt Nam. Tình hình trong thành phố cuộc sống vẫn yên tĩnh, chỉ có tiếng súng đạn ngoài rìa thành phố và đến 16h thì không được đi ra ngoài do lệnh giới nghiêm.
Anh Trường chia sẻ: “Sau khi liên hệ được với Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, bà con thường xuyên nhận được điện thoại hướng dẫn cho bà con Kherson sang bên này. Lúc đầu, bà con quyết định tự thuê xe để đi. Tối chuẩn bị để sáng mai đi thì nhận được tin Đại sứ quán tại Liên bang Nga đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga cho xe đón bà con ra khỏi vùng chiến sự. Đi từ Kherson được quân đội Nga hỗ trợ thì rất an toàn và thuận lợi”.
Chị Hoàng Thị Vân đã sống 34 năm ở Ukraine, cũng đến từ Kherson, bày tỏ: “Thực sự rất cảm động, nhờ Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, tất cả cán bộ Đại sứ quán Nga đã hỗ trợ nhiệt tình bà con chúng tôi sơ tán an toàn. Đại sứ quán phối hợp với hội đoàn tỉnh Krasnodar đã tổ chức chỗ ăn, chỗ ở, hỗ trợ bà con về Moscow an toàn rất là cảm động.”
Trong nhóm người Việt từ Kherson có gia đình anh Phạm Văn Duẩn có con gái 14 tuổi mắc bệnh. Cháu luôn được các cán bộ Đại sứ quán và công đồng quan tâm săn sóc chu đáo.
Ông Vũ Sơn Việt, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết: “Khi nổ ra xung đột, Đại sứ quán luôn duy trì liên hệ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, đường dây nóng của Bộ Quốc phòng Nga để làm sao có được thông tin thông suốt, sơ tán được bà con sang Nga an toàn nhất.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng phối hợp rất chặt chẽ để đưa công dân Việt Nam sang Nga… Khó khăn nhất có lẽ là việc thông tin đến được với bà con vì đa số bà con ở dưới hầm trú ẩn. Có những nơi không có điện, không có nước, không có sóng điện thoại.
Bữa cơm thân mật tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. (Nguồn: Vietnam+) |
Đại sứ quán chỉ có thể truyền miệng thông tin qua người này, người kia để đến được bà con. Nhiều khi bà con không nhận được thông tin về nơi tập kết để có xe đón về Nga. Sự an toàn trong hành trình sơ tán cũng gặp khó khăn và bà con từ Kherson sang Krasnodar đã được phía Nga bố trí xe quân sự yểm hộ.”
Kể lại hành trình gian nan đón người Việt Nam từ thành phố chiến sự Mariupol của đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Nga vừa qua, ông Vũ Sơn Việt kể: “Tại thành phố Rostov, khi đoàn Đại sứ quán đến nơi thì không gặp được ai cả. Chúng tôi đón từng xe qua biên giới và lên từng chiếc xe để tìm nhưng không thấy có người Việt Nam. Sau đó, chúng tôi đã đến 2 trại tị nạn ở đấy, đến từng giường để tìm xem có bà con mình không nhưng rất tiếc là không có ai cả".
Ông Việt cũng cho biết: “Hiện vẫn còn một số bà con mắc kẹt ở thành phố Mariupol, một số đã sơ tán về phía Tây để sang Ba Lan… Đại sứ quán đã để lại số điện thoại ở các cửa khẩu biên phòng để hễ thấy có ai là người Việt Nam thì họ sẽ liên hệ và Đại sứ quán sẽ cử người đến ngay để bảo hộ công dân”.