Chuyện thường ngày
Ga Hải Phòng, nơi mỗi ngày có hàng nghìn lượt hành khách qua lại, nhà chờ luôn chật cứng người nhưng không khó để nhận thấy một số người ngậm điếu thuốc lá đang cháy, nhả khói. Phòng chờ giữa giờ sáng 22-12 đông nghịt người. Trong không khí ngột ngạt đó, ở cuối dãy ghế chờ vẫn có hai thanh niên vừa phì phèo thuốc lá, vừa nói chuyện rôm rả, không cần để ý gì chung quanh. Cách đó một hàng ghế ngồi, một phụ nữ bế con nhỏ vừa quạt tay tránh khói thuốc, vừa nhìn quanh vẻ cầu cứu. Không một ai bị ban quản lý hay nhân viên nhà ga nhắc nhở. Cũng không hành khách nào phàn nàn, dù nhiều người lấy tay xua khói thuốc và nhăn mặt khó chịu. Mãi sau, người phụ nữ có vẻ không kiên nhẫn được, khe khẽ đề nghị hai thanh niên ra ngoài hút thuốc. Lập tức, chị nhận được cái nhìn “thiếu thiện cảm”, như thể chị can thiệp quá vào quyền tự do cá nhân của họ. Rồi họ điềm nhiên gảy tàn thuốc xuống chân và hút tiếp. Người phụ nữ đành bế con đi ra phòng chờ phía bên ngoài.
Đây không phải là cảnh tượng cá biệt, mà ngược lại đang phổ biến ở các điểm công cộng và khu vực có đông người tại Hải Phòng. Tại các địa điểm công cộng, như công viên, nhà chờ xe buýt, quán ăn, nhà hàng, quán cà phê…, thậm chí cả bệnh viện cũng dễ dàng gặp người hút thuốc lá mà chẳng ai bị nhắc nhở hay xử phạt. Chính điều này làm nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ nhỏ phải phát khổ. Chị Nga, nhân viên một cơ quan trên địa bàn thành phố, vẫn thường cùng bạn bè vào quán cà-phê và thường xuyên gặp người hút thuốc lá, từ những cậu bé đánh giày cho tới người lớn tuổi. Chị bày tỏ: “Khó chịu lắm, nhưng có ai xử phạt đâu nên người ta vẫn cứ thản nhiên phì phèo điếu thuốc, coi đó là chuyện bình thường”.
Thậm chí ở công sở - nơi người lao động phải có mặt hằng ngày, hằng giờ - khói thuốc cũng “bao vây” họ. Chị Tuyền, nhân viên văn phòng, cho biết vẫn phải chịu đựng khói thuốc từ 2 đồng nghiệp làm cùng trong căn phòng rộng hơn 10m2. "Lúc đầu chỉ có một người hút, anh ta thường ra hành lang khi thèm hơi khói. Sau phòng có thêm một người nghiện thuốc lá nữa, họ thành đa số nên thả sức nhả khói trong phòng, mặc dù cơ quan có quy định cấm hút trong phòng" - chị kể.
Phải xử phạt thật nặng
Việt
Cách đây 4 năm, Chính phủ ban hành Nghị định số 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng như bến xe, sân bay, bệnh viện, rạp hát, rạp chiếu phim, phòng đợi của nhà ga…Nhưng qua một thời gian khá dài, việc thực thi môi trường không khói thuốc tại nơi công cộng vẫn chỉ mang tính hình thức. Chỉ một số ít cơ quan thực hiện nghiêm túc, còn đại bộ phận cơ quan thì…chẳng để ý. Còn ở nơi công cộng, các “con nghiện” mặc sức tung hoành, do chưa có lực lượng chức năng nào đứng ra xử phạt, và cũng chưa có ai hút thuốc lá nơi công cộng hay những nơi có biển cấm hút thuốc bị xử phạt.
Có thể nhận thấy, quyết định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng mới chỉ nhận được sự đồng tình ủng hộ từ những người không hút thuốc lá. Với những người đang hút thuốc lá dường như rất hờ hững với quyết định này. Do đó, để quy định được người dân, đặc biệt là những người hút hưởng ứng và chấp hành nghiêm túc cũng cần phải có quá trình. Vừa mở các lớp tập huấn về bỏ thuốc lá, định hướng ngay từ ý thức những người đang hút thuốc lá là rất quan trọng. Lập nhiều biển báo cấm hút thuốc, tạo một số buồng hút cho những người hút thuốc lá tại nơi công cộng. Chính điều này khuyến khích nhiều người bỏ thuốc lá. Khi quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng có hiệu lực, cần tổ chức lực lượng kiểm tra, kiên quyết xử phạt những trường hợp vi phạm, tránh sự “đánh trống bỏ dùi”, dễ gây tâm lý “nhờn” pháp luật trong xã hội, không chỉ với chuyện hút thuốc…
Thảo Nguyên