Việc giải quyết nợ xấu của hệ thống tín dụng nói riêng và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) nói chung đang gặp nhiều rào cản từ chính khuôn khổ pháp lý và hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý TSBĐ…
“Bảo đảm” mà vẫn… lo
Đã lâu rồi, các tổ chức tín dụng đã phải “sống” cùng nỗi lo đó. Theo các chuyên gia pháp lý, pháp luật hiện hành chưa thiết lập được hành lang pháp lý an toàn và cần thiết để bên nhận bảo đảm được chủ động xử lý TSBĐ trên cơ sở các hợp đồng bảo đảm đã được giao kết hợp pháp, thực hiện quyền thu hồi TSBĐ để xử lý cũng như thu giữ TSBĐ. Và mặc dù có liên quan đến nhiều qui định pháp luật ở nhiều lĩnh vực nhưng hoạt động xử lý TSBĐ vẫn cứ “đơn thương độc mã” mà không có được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ…
Công chứng viên Tuấn Đạo Thanh - Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.Hà Nội: “Cần có Thông tư để gỡ vướng cho việc xử lý TSBĐ”. |
Theo ông Hồ Quang Huy (Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (GDBĐ) – Bộ Tư pháp), một trong những nguyên nhân khiến TSBĐ nhiều khi “mất giá trị” là thủ tục xử lý TSBĐ bằng con đường Tòa án ở Việt Nam còn phức tạp, mất nhiều thời gian (có thể kéo dài đến 02 năm, đó là chưa tính thời gian thực hiện những thủ tục, công việc “chuẩn bị” và với giả thiết việc thi hành án, bán đấu giá tài sản diễn ra suôn sẻ…), đã gây thiệt hại đáng kể, làm phát sinh rất nhiều công sức, chi phí của bên nhận bảo đảm, làm chậm thời gian khắc phục rủi ro, thu hồi vốn để tái đầu tư phục vụ cho chính bên nhận bảo đảm và nhu cầu của xã hội...
Ngay cả khi các tổ chức tín dụng muốn tự xử lý TSBĐ thì khó nhất lại bắt đầu từ khâu thu giữ TSBĐ “do thiếu qui định về thu giữ TSBĐ là động sản” - ông Nguyễn Văn Phương (Trưởng phòng xử lý thu hồi nợ - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (VCB) than thở. Còn nếu bên bảo đảm có dấu hiệu chống đối, gây cản trở cho việc thu giữ TSBĐ thì tổ chức tín dụng cũng “không trông chờ được vào ai” khi các cơ quan chức năng vẫn có biểu hiện “né tránh” vì quan ngại đến trách nhiệm hoặc vì lý do khác… trong khi pháp luật về GDBĐ có đề cập đến trách nhiệm hỗ trợ của họ.
Đơn giản hóa qui trình xác lập quyền của chủ nợ có bảo đảm
Trao đổi về cơ hội, thách thức trong các giao dịch cấp tín dụng có bảo đảm bằng quyền đòi nợ và hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, GS.Xuân Thảo Nguyễn (Trường Luật Dedman, Đại học SMU - Mỹ) nhận thấy, khi phạm vi những TSBĐ ngày càng được mở rộng sẽ đặt ra yêu cầu cho các nhà lập pháp phải đơn giản hóa qui trình xác lập quyền của chủ nợ có bảo đảm và hiệu lực đối kháng của GDBĐ đối với người thứ 3 để giảm gánh nặng cho các chủ nợ có bảo đảm, thúc đẩy các GDBĐ ngày càng phát triển.
Có thể thông qua việc mở rộng điều kiện để một GDBĐ xác lập hiệu lực giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm theo hướng bên bảo đảm có quyền đối với TSBĐ (không nhất thiết là quyền sở hữu) thì có thể sử dụng quyền đó để thực hiện giao dịch có bảo đảm bằng tài sản đó.
Nhằm giúp các tổ chức tín dụng nhanh chóng thu hồi nợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích của các bên khác có quyền và lợi ích liên quan, trong thời gian tới, đại điện nhiều tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng đều cho rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật GDBĐ, đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến việc xử lý TSBĐ, đặc biệt là thủ tục bán đấu giá tài sản, loại bỏ các quy định mang tính hành chính, can thiệp sâu vào quá trình xử lý TSBĐ nhưng vẫn phải có cơ chế để tạo điều kiện cho bên nhận bảo đảm dễ dàng tiếp cận với TSBĐ, nhanh chóng xử lý TSBĐ để thu hồi nợ...
Tại Hội thảo “Phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý TSBĐ và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận TSBĐ là động sản” do Bộ Tư pháp phối hợp với Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) tổ chức hôm qua (26/6), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền nhận xét: “Pháp luật về GDBĐ chưa thực sự đáp ứng thực tiễn giải quyết xử lý TSBĐ, trong đó có việc giải quyết nợ xấu. Vì thế, cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện về pháp luật, những vướng mắc, bất cập trong các qui định về xử lý TSBĐ để đề xuất, giải pháp, chính sách phù hợp cho việc xử lý TSBĐ nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả. Từ đó giúp các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực thi tốt các qui định của pháp luật về GDBĐ, xử lý TSBĐ, góp phần giải quyết nợ xấu, hạn chế tranh chấp, rủi ro cho các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tín dụng, thị trường vốn của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ” |
Huy Anh