* Sự phân biệt đối xử của hai hình thức phiên tòa, bao giờ phần thiệt thòi cũng thuộc về bị cáo của vụ án xét xử điểm.
Theo tôi, không thể cho rằng: Luật quy định “tuyên án công khai” theo nghĩa tòa chỉ công khai với những người đã tham gia phiên tòa chứ không phải cho cả những người không liên quan đến vụ án và lý giải, nếu tòa công khai tuyên án cho cả những người không liên quan đến vụ án nghe thì vụ án sẽ không còn là xử kín nữa.
Điều 18 Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định rõ: Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. |
Luật vẫn là luật, luật quy định thế nào phải thực hiện thế đó, mọi người phải nghiêm chỉnh tuân thủ quy định pháp luật. Trường hợp không đồng tình với nội dung quy định của điều luật thì có thể kiến nghị cơ quan chức năng xem xét sửa đổi. Hiện tại Điều 18 Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định rõ: Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Dù đặc điểm “nhạy cảm” của vụ án, khi xét xử phiên tòa diễn ra kín (chỉ có sự hiện diện của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và Luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại). Nhưng lúc tuyên án phải công khai, mọi người đều được dự khán (người dưới 16 tuổi phải có giấy triệu tập của tòa án). Nếu cho rằng tòa chỉ công khai với những người đã tham gia vụ án thì trong giai đoạn xét xử với sự hiện diện của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng liên quan tới vụ án cũng phải được xem là xử công khai. Bởi vì với thành phần người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng giống hệt như khi tòa tuyên án, mà giai đoạn tuyên án được xem là tuyên án công khai thì ở giai đoạn xét xử cũng phải xem là xét xử công khai.
Hóa ra, phiên tòa xử kín, được tuyên án kín chỉ công khai đối với những người từng tham dự phiên tòa ở giai đoạn xét xử trở thành phiên tòa xét xử công khai và tuyên án công khai hay sao? Phải chăng, vì tôn trọng nhân phẩm, danh dự đối với những người liên quan tới vụ án hình sự có tính chất nhạy cảm như loại án về xâm phạm tình dục: Tội “Mua dâm người chưa thành niên”; tội “Giao cấu với trẻ em”, tội “Hiếp dâm”... nên Tòa án hạn chế tuyên án công khai? Pháp luật lẫn công luận đòi hỏi, khi xét xử các vụ án hình sự phải quan tâm tới mục đích răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm được phản ảnh bằng bản án tuyên bố công khai.
Các phiên tòa xét xử điểm nhằm phục vụ nhu cầu chính trị, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân nơi vụ án xảy ra. Có dư luận cho rằng hình phạt dành cho bị cáo tại phiên tòa xét xử điểm thường nghiêm khắc hơn mức hình phạt đối với bị cáo tại phiên tòa xét xử bình thường; dù tính chất vụ án không khác biệt. Sự phân biệt đối xử của hai hình thức phiên tòa, bao giờ phần thiệt thòi cũng thuộc về bị cáo của vụ án xét xử điểm. Nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có lúc không được tuân thủ tuyệt đối. Nhưng do nhu cầu chính trị và nguyện vọng của người dân địa phương, các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức phiên tòa xử điểm.
Nguyên tắc thượng tôn luật pháp thể hiện: Vụ án được tổ chức xét xử kín, đến khi tuyên án phải tuyên công khai để cho mọi người được quyền tham dự. Tại TP.Hồ Chí Minh vừa diễn ra phiên tòa hình sự phúc thẩm: Lúc khai mạc thì xét xử kín, nhưng lúc tuyên án lại tuyên án kín (phòng xử án đóng kín cửa); công chúng không được vào nghe tòa tuyên án. Một số chuyên gia ngành tư pháp nhận định: Cách thức tuyên án như vừa đề cập là vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng vì trái với quy định tại Điều 18 BLTTHS.
Mặt khác, Điều 16 BLTTHS khẳng định: “Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”.
Cần kịp thời chấn chính hoạt động xét xử, Hội đồng xét xử phải chấp hành quy định của BLTTHS, cụ thể Điều 16 và Điều 18 BLTTHS, không được hành xử công vụ theo nhận thức chủ quan, cảm tính.
LS. Trần Công Ly Tao - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM