Xu hướng nuôi dạy con kiểu “bố mẹ gà” tạo áp lực cho trẻ em Trung Quốc

Xu hướng nuôi dạy con kiểu “bố mẹ gà” tạo áp lực cho trẻ em Trung Quốc
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Mẹ hổ” vốn là kiểu phụ huynh phổ biến ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, gắn liền với hình ảnh bậc phụ huynh nghiêm khắc, khó tính và đặt nhiều kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, phong cách “mẹ hổ” dường như đang lùi vào dĩ vãng. Những năm gần đây, ở Trung Quốc nổi lên một cách tiếp cận mới trong việc nuôi dạy con, được biết đến với tên gọi “bố mẹ gà”.

Khát vọng của cha mẹ

Những bậc “bố mẹ gà” có phong cách nuôi dạy con chu đáo và tận tâm. Họ soạn thời gian biểu cho con cái chi tiết đến từng phút. Họ lùng sục các diễn đàn trực tuyến để tìm cho con những gia sư và huấn luyện viên thể thao giỏi nhất. Một số người thậm chí còn mua thêm một ngôi nhà cạnh những trường công lập nổi tiếng nhất.

17 giờ mỗi ngày, các cửa hàng thức ăn nhanh ở Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc đón một lượng lớn khách hàng là học sinh. Những cô, cậu học trò khoác trên mình những bộ đồng phục khác nhau, gương mặt toát lên vẻ mệt mỏi, chán nản. Người lớn xung quanh cũng bận rộn không kém. Họ gọi món, lấy đồ ăn, liên tục xem đồng hồ để chuẩn bị gọi xe đưa con đến lớp học thêm. Thậm chí, nhiều người phải bón cơm cho những đứa trẻ đang tranh thủ làm bài tập.

Trong nhiều năm gần đây, thuật ngữ “gà con”, dần trở nên thịnh hành tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến. Những đứa trẻ trong các gia đình trung lưu được cha mẹ nuôi dạy theo phương pháp “luyện gà”. Từ bé, các em đã phải sống theo sự sắp đặt và kỳ vọng to lớn của cha mẹ. Trong đó quận Hải Điến là một trung tâm luyện thi lớn tại thành phố Bắc Kinh. Các bà mẹ ở Hải Điến thường được gọi là “gà mẹ”, họ nổi tiếng với phương pháp giáo dục huấn luyện “gà con”.

Được biết, niềm tin vào sức mạnh của giáo dục và khát khao con cái trở nên xuất sắc đã thúc đẩy nhiều gia đình Trung Quốc chi trung bình từ 25-50% thu nhập của họ cho các hoạt động giáo dục bổ túc. Để đạt được thành tích học tập mơ ước và chen chân vào những trường danh tiếng, các “gà con” phải tuân theo lịch trình cha mẹ đề ra, mỗi ngày các em phải tham gia hàng loạt lớp học văn hóa, năng khiếu. Ngoài ra, các bà mẹ rất thích học hỏi, trao đổi bí kíp “luyện gà”. Trào lưu dần được lan rộng, nhiều gia đình không muốn con bị tụt lại, quyết định gia nhập đường đua. Kỳ thi học kỳ cận kề, nỗi lo của những gia đình có “gà con” cũng lớn dần.

Bà Trương là người mẹ Hải Điến kiểu mẫu. Con trai bà hiện theo học tại một trường tiểu học trọng điểm. Dù mới 8 tuổi, thành tích học tập của cậu bé lọt top 1% toàn quận. Được biết, nơi con trai bà Trương theo học là trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp. Đề thi thay đổi hàng năm và được bảo mật gắt gao. Để có được một suất học tại đây, các “gà con” phải luyện tập chăm chỉ. Bà Trương nhận định, 3-6 tuổi là độ tuổi tốt nhất để trau dồi kiến thức. Vì thế, từ khi con trai lên 3, bà đã thiết lập thời gian biểu và loạt mục tiêu cụ thể để con trai tuân theo.

Chia sẻ với People’s Daily, bà Trương cho biết con trai mình được rèn thói quen học tập, sinh hoạt độc lập. Ngoài ra, em được cung cấp nền tảng vững chắc để có thể đọc thông, viết thạo tiếng Trung và đạt trình độ tiếng Anh nhất định.

Chỉ mới học lớp 3, bà Trương đã cho con trai học Toán Olympic, chơi piano và luyện võ Taekwondo. Người mẹ cảm thấy bản thân phù hợp với hệ thống “luyện gà” ở Hải Điến. Nữ phụ huynh này cho biết thêm thành phố Bắc Kinh có rất nhiều gia đình tri thức, trình độ học vấn cao. Bà chỉ tốt nghiệp đại học bình thường, bị xếp vào loại “mù chữ” trong quận. Hơn ai hết, bà Trương hiểu rõ sự khốc liệt trên đường đua dạy con ở nơi này. Dù trình độ học vấn không cao, bà vẫn tự tin có thể nuôi con ăn học thành tài.

Thậm chí gần đây, mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện “Bảng kế hoạch cuộc đời” của những bà mẹ Hải Điến. Cụ thể, khi biết nói, trẻ sẽ được dạy nói song ngữ Trung - Anh. 3 tuổi, mục tiêu của những đứa trẻ này là có thể tự đọc sách tiếng Anh, học thuộc 100 bài thơ cổ. 5 tuổi là thời điểm vàng để các “gà con” luyện thi Olympic Toán học và đoạt huy chương vàng vào 5 năm tiếp theo. Lấy chứng chỉ tiếng Anh cũng là một trong những kế hoạch được lên sẵn cho nhiều đứa trẻ. Nếu hoàn thành những mục tiêu trên, các em sẽ lọt top 5% học sinh giỏi ở Hải Điến và top 1% học sinh giỏi toàn thành phố Bắc Kinh. Các bà mẹ Hải Điến gần như tạo ra một chuẩn mực mới cho nhiều gia đình ở Trung Quốc.

Áp lực với trẻ con

Tuy nhiên, phong cách nuôi dạy con của các bậc “bố mẹ gà” ở Trung Quốc với sự ám ảnh về thành tích của con cái có thể ngăn cản sự phát triển toàn diện của các em. Văn hóa “bố mẹ gà” được cho là đang nằm trong tầm ngắm của các nhà chức trách Trung Quốc. Vào thời điểm Bắc Kinh muốn các gia đình sinh nhiều con hơn để bổ sung nguồn lực lao động trong tương lai, giới chức Trung Quốc lo ngại cách nuôi dạy con cái đầy áp lực và cạnh tranh của các “bố mẹ gà” có thể ngăn cản chính sách ba con mới của nước này.

Hồi tháng 7, lãnh đạo Trung Quốc đã ban hành các quy định chặt chẽ về việc giới hạn số lượng lớp học thêm mà phụ huynh có thể đăng ký cho con. Toàn bộ doanh nghiệp giáo dục phải đăng ký hoạt động với tư cách là tổ chức phi lợi nhuận. Giới chức Trung Quốc cũng ngưng cấp giấy phép mới cho các cơ sở dạy thêm đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, những quy định nói trên dường như chỉ khiến một số bậc “bố mẹ gà” quyết tâm hơn trong việc tối đa hóa cơ hội thành công của con cái họ. Các bậc phụ huynh sẵn sàng cắt giảm chi tiêu để đầu tư cho con cái họ bước chân vào tầng lớp tinh hoa.

Mỗi sáng, bà Li bắt đầu ngày mới bằng cách chuẩn bị cho con gái lớn 11 tuổi đi học vào lúc 6h. Bà đón con tan học vào lúc 15h, theo sau đó là một buổi tập khiêu vũ, một lớp học toán trực tuyến và một buổi học bơi. Thỉnh thoảng, mẹ con bà Li ăn uống ngay trong xe khi di chuyển giữa các lớp học. Đến 23h, bà có thể thư giãn và gặp chồng.

Tuy nhiên, không phải “bố mẹ gà” nào cũng giống nhau. Bà Li cho rằng bản thân vẫn tương đối thoải mái, ít khắt khe hơn nhiều so với các bậc phụ huynh ở quận Thuận Nghĩa, nằm ở đông bắc Bắc Kinh. Được biết, phụ huynh ở Thuận Nghĩa nổi tiếng vì sẵn sàng chi tiền cho các hoạt động ngoại khóa tốn kém của con cái như quần vợt, thuê huấn luyện viên Olympic toán, múa ballet và luyện thi cường độ cao. Các lớp học phụ đạo có thể kéo dài đến 22-23h mỗi ngày.

Ngoài ra, trào lưu “luyện gà” bắt nguồn từ những lời so sánh, ganh đua thành tích. Bà Hàn Lê cho hay bạn cùng lớp của con trai mình có thể đọc thành thạo sách ảnh tiếng Anh, dù em mới chỉ 4 tuổi. Bà lo lắng con trai không thể đạt được trình độ tương tự nên tìm mọi cách giúp con có thể đạt được thành tích mong muốn.

Bà Phong, một trường hợp khác bị ảnh hưởng bởi những lời so sánh thành tích, cho biết các bạn cùng lớp con gái có thể vừa kể chuyện vừa đếm số, trong khi con bà chưa làm được như vậy. Lo sợ con bị tụt lại, bà quyết định lên mạng tìm hiểu phương pháp “luyện gà”.

Sau đó, bà lập nhóm chat, tập hợp những ông bố, bà mẹ “luyện gà” ở Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm. Mọi người cùng nhau trao đổi cách dạy con và thảo luận về những trường luyện thi chất lượng. Một bà mẹ trong nhóm chat tự hào kể “gà con” của bà đạt 99 điểm môn tiếng Trung và Toán, xếp hạng nhất. Điều này khiến bà Phong lo lắng, cố gắng thúc đẩy con học tập.

Trong khi đó, Giáo sư Thẩm Dịch Phi thuộc Đại học Phúc Đán nhận định, kiểu cha mẹ trên thường có tâm lý sợ con chậm lớn, bị tụt lại so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều người mong muốn con thành tài, vô tình bỏ quên ý kiến của con. Họ sẵn sàng dùng nhiều cách khác nhau để thuyết phục, thậm chí ép con tham gia hàng loạt lớp học thêm.

Khi cuộc sống thay đổi, con người buộc phải hoàn thiện bản thân để chứng minh vị thế trong xã hội. Qua đó, giấy khen, huy chương, chứng chỉ ngoại ngữ dần trở thành tấm vé thông hành cho những đứa trẻ thời hiện đại, giúp các em thi được vào những trường học top đầu.

Tuy nhiên, nuôi con kiểu “luyện gà” có thể gây phản tác dụng. Khi đứa trẻ bị ép vào khuôn khổ, chúng có thể hình thành tâm lý phản kháng. Hơn nữa, lịch học dày đặc, áp lực thành tích có thể khiến trẻ cảm thấy nặng nề, ám ảnh tâm lý. Trong tương lai, những điều này có thể để lại hậu quả không ngờ đến. “Bản chất của giáo dục gia đình là nâng đỡ tinh thần và tu dưỡng nhân cách. Cha mẹ cần để con học cách thích ứng và tự giải quyết các vấn đề cá nhân. Điều quan trọng là phải cho trẻ niềm tin và cảm giác an toàn”, GS Thẩm khuyên.

Mới đây, Giáo sư Tiết Hải Bình, Đại học Thủ đô (Bắc Kinh, Trung Quốc) và cộng sự đã thực hiện một cuộc khảo sát về phương pháp nuôi con của cha mẹ Trung Quốc. Ông rút ra cách dạy con của các gia đình có thể chia làm 3 loại: Độc đoán - chuyên quyền, bao dung và bỏ mặc. Qua đó, những cha mẹ “luyện gà” được xếp vào loại độc đoán - chuyên quyền.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.