Hầu hết các thương vụ mua bán xe trên mạng ở Trung Quốc đều không yêu cầu người mua đặt cọc, nhưng một số nhà sản xuất ô tô đã bắt đầu thử áp dụng, khi xu hướng này trở nên phổ biến hơn.
Jin Dong, một nhân viên marketing 25 tuổi người Trung Quốc, đã đặt mua trên mạng một chiếc xe Focus giá 120.000 nhân dân tệ (17.720 USD) do liên doanh Ford Trường An sản xuất, và vừa nhận được xe cách đây khoảng 1 tuần. Anh đã đặt mua xe qua cheshi.com, một trong nhiều website ô tô ở Trung Quốc.
“Tôi thích mua hàng trên mạng vì như vậy tiết kiệm được thời gian và công sức,” Jin nói. “Tôi thậm chí không phải đặt cọc, chỉ cần trả đủ tiền khi nhận xe cách đây 5 ngày."
Không những không phải đặt cọc, anh còn nhận được tặng một bộ phụ kiện cho xe.
Jin chỉ là một trong nhiều trường hợp ở Trung Quốc dùng internet để mua ô tô, thông qua các trang mua bán trực tuyến như cheshi.com, hoặc mua trực tiếp từ các nhà sản xuất.
Hầu hết các thương vụ mua bán xe trên mạng đều không yêu cầu người mua đặt cọc, nhưng một số nhà sản xuất ô tô đã bắt đầu thử áp dụng, khi xu hướng này trở nên phổ biến hơn.
FAW, một trong những nhà sản xuất ô tô nội địa lớn nhất Trung Quốc, gần đây bắt đầu yêu cầu khách mua xe trên mạng đặt cọc. Ví dụ, với một chiếc Mazda6, khách sẽ phải đặt cọc 2.000 nhân dân tệ (gần 300 USD).
Ông Liu Jinliang, phó chủ tịch Geely, cho biết việc xây dựng hệ thống bán xe trên mạng của công ty đang rất suôn sẻ và mục tiêu của Geely là bán được 1.000 xe ngay trong tháng đầu tiên áp dụng phương thức hiện đại này.
“Geely sẽ có một số ưu đãi đặc biệt với khách hàng mua xe trực tuyến, những gì họ sẽ không thể có được nếu tới đại lý truyền thống”.
Ông Hu Jun, giám đốc marketing trực tuyến của Geely, cho biết công ty đã nghiên cứu thị trường trực tuyến trong nhiều năm nay.
Geely không phải là nhà sản xuất duy nhất ở Trung Quốc nhắm tới thị trường trực tuyến.
“Một số nhà sản xuất khác sẵn sàng áp dụng các hình thức giảm giá hoặc tặng quà cho khách hàng đặt mua xe qua mạng,” Wang Chen, một nhân viên marketing của trang cheshi.com cho biết. “Sau khi đặt hàng trên mạng, khách có thể tới cửa hàng để thanh toán và nhận xe.”
Bitauto.com, một trong những website ô tô lớn nhất Trung Quốc, cho biết hiện mỗi tháng nhận được khoảng 50.000 câu hỏi “tích cực” từ các khách hàng trực tuyến.
Sina.com, một cổng thông tin rất đông người truy cập khác của Trung Quốc, đã bắt đầu mở cửa hàng ô tô trực tuyến từ năm ngoái, với một số nhà cung cấp đòi khách hàng phải có đặt cọc.
Ông Su Yunong, giám đốc kênh ô tô của sina.com, cho biết, mọi người sẵn sàng mua laptop trị giá tới 20.000 nhân dân tệ (gần 3.000 USD) trên mạng, thì sẽ chẳng có vấn đề gì với việc thanh toán tiền mua ô tô trên mạng.
“Nhưng các nhà sản xuất thường mở các cửa hàng trực tuyến hoặc đưa giảm giá xe mua qua mạng chỉ để quảng bá sản phẩm, vì hầu hết khách hàng đều tìm hiểu thông tin trên mạng trước khi mua xe.” Ông Su cho biết về lý thuyết, xe mua qua mạng phải rẻ hơn mua trực tiếp, nhưng điều này có thể chưa diễn ra trong nhiều năm nữa.
Các website cũng đã bắt đầu sử dụng hình ảnh 3D để hút khách và nhiều trang có hơn 10.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Công ty tư vấn Capgemini của Pháp cho hay, một cuộc khảo sát được thực hiện ở 8 nước, trong đó có Trung Quốc, cho thấy 40% trong số hơn 3.000 người tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng mua ô tô trên mạng.
Thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ hơn 9 triệu xe trong 6 tháng đầu năm nay. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, tiêu thụ xe của nước này trong năm 2009 đạt khoảng 13,6 triệu chiếc.
Doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử tại Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đạt 2,25 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó hơn 10% là từ việc mua hàng trực tuyến của các cá nhân, theo thống kê của Iresearch, một công ty tư vấn chuyên về thị trường trực tuyến.
Kết quả khảo sát của Iresearch cũng cho biết hơn 100 triệu người Trung Quốc đã từng mua hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, nhà phân tích thương mại điện tử Zhang Yanping của Iresearch, cho biết mua một chiếc ô tô trên mạng sẽ chưa được chấp nhận rộng rãi trong vòng 3-5 năm tới. Hầu hết các website ô tô hiện chỉ hoạt động với vai trò cung cấp thông tin, còn việc thanh toán vẫn cần thực hiện trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ.
“Thương mại điện tử ở Trung Quốc chưa đủ phát triển để có những giao dịch giá trị lớn như mua ô tô,” bà Zhang cho biết.