Về thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nhắc đến gia đình anh Nguyễn Phù (55 tuổi) và chị Hà Thị Dung (56 tuổi) ai cũng biết. Lý do là trong vụ chìm tàu ngoài biển cướp 6 mạng người, mình anh sống sót kỳ lạ. Còn vợ anh sau 3 ngày phủ vải trắng chờ khâm liệm bỗng nhiên... mở mắt.
Cặp vợ chồng “cao số”. |
Vợ mở mắt sau 3 ngày phủ vải trắng
Chị Dung cho hay từ nhỏ mình vốn mắc nhiều căn bệnh đến nỗi đôi chân bại liệt không thể bước đi. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên không có điều kiện chữa trị.
Năm 16 tuổi chị đột ngột lên cơn bệnh, gia đình có chuyển lên bệnh viện nhưng chỉ vài ngày bị trả về. Vài hôm sau chị nằm ngủ rồi mê man thiếp đi, bất tỉnh luôn và bị cho đã chết. Dẫn lời người thân, phụ nữ này cho hay mình nằm bất tỉnh đến 3 ngày liền. Gia đình đau buồn mua quan tài, tiến hành làm lễ tang nhưng ngặt nỗi không tìm được ngày tốt để khâm liệm nên thi thể thiếu nữ được che bằng tấm vải trắng đặt trên giường.
Nằm chờ chôn cất đến ngày thứ 3 thì có người họ hàng ở xa về dự tang. Điều khó tin xảy ra khi người này lật tấm khăn trắng, nhìn mặt cô gái lần cuối. “Lúc đó tôi đột nhiên mở mắt, ngồi xổm dậy, mọi người ai nấy người nhảy dựng, người bỏ chạy ra ngoài sân tán loạn như ong vỡ tổ. Mãi hồi lâu sau mọi người mới lò dò về, lấp ló ghé mắt vào mới tin rằng tôi chưa chết”, người phụ nữ “lớn mạng” nhớ lại quá khứ.
Câu chuyện chết đi sống lại của thiếu nữ gây xôn xao vùng quê Thuận An trong suốt thời gian dài. Trở về từ “cõi âm”, chị Dung khẳng định cơ thể mình vẫn bình thường như trước đây. Riêng đôi chân chị sau đó nhờ điều trị bằng thuốc nam đã có thể đi lại được.
Trong câu chuyện đậm chất liêu trai, chị Dung kể thêm trong lúc bất tỉnh thấy mình vẫn sống bình thường nhưng ở “thế giới cõi âm”. Tuy nhiên, do chưa “tới số” nên chị được cho trở lại dương gian sống tiếp với điều kiện trong vòng 3 năm không được kể mọi chuyện với ai.
Người phụ nữ này cho hay mình đã tuân thủ nghiêm ngặt “quy ước” trên, mãi hơn 3 năm sau mới dám tường thuật lại chuyện cho mọi người nghe. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó chẳng qua chỉ là hiện tượng chết giả vẫn thường gặp chứ chẳng có gì đặc biệt.
Khoa học hiện đại đã chứng minh trường hợp chị Dung không còn là bí ẩn, tuy nhiên ở thời điểm cách đây gần 40 năm, lại ở vùng quê hẻo lánh thì quả thực là chuyện lạ.
Chồng được “cá ngài” dìu về từ trùng khơi
Người chồng chị Dung cũng có số phận không kém lạ lùng, tạo thành cặp vợ chồng như mọi người nói đùa là “trời đánh không chết”.
Một ngày tháng 10/1975, anh cùng bố và anh em họ hàng ra khơi như thường ngày thì gặp nạn. Chuyến tàu hôm đó có cả thảy 7 thành viên đều là người thân trong gia đình. Khi tàu đang đánh bắt cách bờ khoảng 30 hải lý thì bất ngờ biển nổi sóng lớn. Các thuyền đều cấp tốc nổ máy chạy vào bờ tránh bão. Riêng tàu nhà anh Phù đi sau cùng, vào cách bờ chừng 2 hải lý thì bị sóng đập mạnh nhấn chìm xuống biển, lúc đó khoảng 3h sáng.
Thời tiết mưa to gió lớn cộng với cái lạnh lúc rạng sáng nên các thành viên không thể hỗ trợ ứng cứu cho nhau. Riêng anh Phù may mắn bám được khúc gỗ từ thuyền vỡ ra và cứ thế cắn răng chịu đựng cơn cuồng phong không ngừng ập tới.
Anh Phù hồi ức: “Sau đó tôi chẳng nhớ gì nữa, chỉ biết cố bám chặt khúc gỗ hy vọng gặp được thuyền bạn. Lúc nào khát nước thì nhấp chút nước biển mặn chát, uống không nổi cũng cố nuốt. Bụng đói cồn cào nhưng vẫn cố chịu, lúc nào biển lặng tôi lại tranh thủ thiếp đi để dưỡng sức”.
Anh Phù thú thực vào hoàn cảnh đó không dám nghĩ đến chuyện sống sót trở về, những nỗ lực của anh có thể chỉ là bản năng con người trong thời khắc cận kề cái chết mà thôi. Cứ thế người đàn ông này thả mình trôi theo sóng biển, mắt lúc nào cũng ngoái nhìn xung quanh chờ đợi ai đó cứu giúp.
Về phía đất liền, gia đình anh Phù không thấy thuyền trở về như thường lệ đã đoán biết xảy ra chuyện chẳng lành. Mẹ anh Nguyễn Phù, cụ Trần Thị Sáng (83 tuổi) cố giấu xúc động tiếp lời con trai: “Ông ấy (chồng bà) cùng 5 người khác đã tử nạn giữa biển. Bình thường tôi đều đi biển cùng chồng con, nhưng hôm ấy đứa con dâu trở dạ nên phải ở nhà, nếu không giờ tôi đã về nơi chín suối rồi”. Cụ Sáng cho biết ngay hôm sau, khi trời tạnh ráo đã huy động con cháu bơi thuyền đi tìm thi thể người nhà. Trong suy nghĩ của cụ có lẽ “cả bảy mạng đã về chầu trời”.
Ngày thứ nhất, rồi thứ hai trôi qua, đoàn người tìm kiếm vô vọng. Tuy nhiên với niềm tin “không tìm thấy người cũng phải tìm thấy xác”, người nhà tiếp tục nổ máy ra biển. Điều kì diệu đã xảy ra khi chiếc thuyền ứng cứu phát hiện được anh Phù đang trôi dạt trên biển. “Lúc ấy tôi đã lịm người, chỉ nhớ có ai đó kéo mình lên thuyền”, anh Phù đăm chiêu nhớ lại.
Bấm từng đốt ngón tay nhẩm tính, cụ Sáng cho hay tính từ ngày bị nạn đến lúc được dìu vào bờ, con trai bà trải qua bốn ngày đêm lênh đênh giữa trùng khơi. Khi được hỏi làm cách nào để bám trụ qua quãng thời gian “thập tử nhất sinh”, ngư dân bộc bạch thậm chí anh phải cố ăn cả phao xốp để sống. Người đàn ông này còn khẳng định rằng nhờ “ngài” cứu giúp, anh mới sống sót. “Tôi nhớ đoàn cá heo đã dìu hai bên khúc gỗ, đẩy tôi đi đến vị trí thuyền người nhà ra ứng cứu, chứ lúc đó bản thân lấy sức đâu mà bơi”, anh Phù hồi ức.
Trưởng thôn Hải Bình, ông Phan Phước xác nhận chuyện ngư dân Nguyễn Phù sống sót sau nhiều ngày trôi nổi trên biệt là có thật, là trường hợp hiếm hoi. Trước đây trong làng từng xảy ra nhiều vụ chìm thuyền thương tâm, có vụ toàn bộ thành viên mất tích không tìm thấy xác, anh Phù là người may mắn duy nhất sống sót từ trước đến nay.
Những cơn đau lạ sau vụ sống sót khó tin
Trở lại với số phận ngư dân Phù, người nhà cho biết sau khi được cứu sống, anh rơi vào cảnh ngộ “nửa say nửa tỉnh”. Bà mẹ nhớ lại: “Phải mất 3 – 4 tháng sau khi bị nạn, con tôi mới ăn nói bình thường trở lại. Ấy nhưng có lúc nó đau nhức kì lạ, người cứ như mất hết lí trí, ngồi thẩn thơ trước hiên nhà hàng giờ liền”. Để tránh làm con trai xúc động mạnh, cụ Sáng phải gửi con đi chơi nhiều nơi mấy tháng liền.
Ngư dân Nguyễn Phù và mẹ |
Bà Nguyễn Thị Liễu (59 tuổi), người dân Hải Bình xác nhận: “Bố tôi từng nuôi và cách ly anh Phù trong phòng riêng, chỉ những người thân thích mới cho gặp mặt”. Bản thân anh Phù tâm sự rằng mình hoàn toàn chưa thể quên tất cả những gì đã qua. Ký ức như vết hằn không bao giờ xoá bỏ khỏi tâm trí: “Thi thoảng cơ thể tôi lại đau nhức khắp nơi, đầu óc quay cuồng không biết đến những gì xung quanh nữa”.
Lại nói đến vụ chìm tàu tháng 10/1975, bốn thành viên đã mất tích, hai thi thể trôi dạt vào tận Hội An, sau đó đã được người nhà nhận về an táng, trong đó có cha anh Phù. Nay anh có ra khơi nữa không? Ngư dân Phù đáp: “Phải sau vụ tai nạn hơn 4 năm, tôi mới lấy lại cảm giác đi biển. Thật tình không muốn đi nữa, nhưng vì mưu sinh, đành chấp nhận bám biển thôi”.
Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, cặp vợ chồng “chết đi sống lại” này vẫn chung sống với nhau hạnh phúc, có với nhau 3 mặt con. Quá khứ đôi khi sống lại, họ lại cảm thấy may mắn là “cao số”, để mỗi sáng thức giấc lại là một ngày vui.
Quảng Thiên