Xin chữ ở Trường Sa…

Chùa Song Tử Tây.
Chùa Song Tử Tây.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hành trang trở về đất liền của chúng tôi không chỉ là cảm nhận thiêng liêng về hai từ “Tổ quốc”, về những người lính trẻ bồng súng canh giữ biển trời, về cuộc sống bình yên với tiếng chuông chùa thảnh thơi giữa trùng khơi sóng vỗ… mà còn có những kỷ vật vô cùng quý giá - những viên đá san hô mang hồn chữ do chính sư trụ trì chùa Trường Sa viết tặng.

Những tiếng chuông chùa giữa trùng khơi sóng vỗ

Trong các điểm dừng chân của Đoàn công tác số 19 thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/7 (từ 12 - 18/5/2024) có tới 3 đảo có chùa, đó là đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn. Đây là 3 trong số 9 đảo có chùa trên quần đảo Trường Sa (Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn).

Khác với trên đất liền, tên các chùa ở Trường Sa cũng là tên của đảo nơi chùa tọa lạc. Không chỉ đơn thuần là nơi để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, những ngôi chùa giữa biển khơi còn hiện thân cho những giá trị thiêng liêng mà người Việt gìn giữ bao đời nay…

Từ cảng quốc tế Cam Ranh, điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn công tác là đảo Song Tử Tây - điểm cực bắc của quần đảo Trường Sa. Sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi vỡ òa cảm xúc khi nhìn thấy dải đất với cây xanh và những cột điện gió, những mái nhà và những đường nét cong cong thân thuộc của mái chùa.

Rảo chân trên đảo trong tiếng chuông chùa, một cảm xúc như được trở về quê nhà. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút. Chùa có Tam bảo, điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ… Không gian chùa thoáng mát rợp bóng cây phong ba, bàng vuông… - những “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa.

Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Song Tử Tây cho biết, cũng như ở trong đất liền, ngày rằm, mùng một hay khi nhà có việc, bà con trên đảo lại đến chùa thắp hương, cầu Phật… “Điều này càng ý nghĩa hơn khi mái chùa như là điểm tựa tâm linh cho chiến sĩ và người dân nơi đầu sóng ngọn gió…” - ông An chia sẻ.

Ở đảo Sinh Tồn, trong khuôn viên nhà chùa cùng với màu xanh mướt của bàng vuông, phong ba, bão táp…, chúng tôi khá bất ngờ với sắc đào của cây hoa giấy đang nở rộ. Một không khí đầm ấm đến lạ thường trong tiếng chuông chùa và rì rào sóng biển. Đưa từng cây nhang cho các thành viên trong Đoàn, một chiến sĩ còn rất trẻ chia sẻ: “Có ngôi chùa ở đây, chúng con có cảm giác như đang ở quê nhà…”.

Hồn chữ qua từng nét vẽ…

Nếu như việc tiếp cận các đảo nhỏ phải bằng xuồng máy, ca nô trung chuyển với sự hỗ trợ của các chiến sĩ, thì với Trường Sa Lớn, chúng tôi có thể bước thẳng từ tàu xuống cầu cảng một cách “ngon lành”. Không gian mở ra trước mặt chúng tôi là một đường băng rộng mênh mông, nơi có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đón chào Đoàn công tác. Trường Sa Lớn đón chúng tôi bằng một nghi thức “hoành tráng”, trang nghiêm, đầy cảm xúc không thể nào quên…

Sau nghi lễ đón Đoàn, Đoàn công tác dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa Lớn…

Tọa lạc vị trí trung tâm đảo, từ cầu cảng vào, chùa Trường Sa Lớn nằm ngay bên trái sân bay, nổi bật với cổng tam quan màu ghi đá, mái ngói đỏ tươi… Cũng với những kiến trúc truyền thống như bao ngôi chùa thuần Việt khác, chùa Trường Sa được biết đến với pho tượng Phật bằng đá quý màu trắng có nguồn gốc là Phật Ngọc chùa Vàng ở Myanmar ngự uy nghiêm trong Điện Phật mà ai cũng muốn chạm tay để lấy may.

Trong tiếng sóng biển, tiếng tụng kinh gõ mõ, hòa quyện với mùi của hương, của biển, hình ảnh các chị, các mẹ trong tà áo dài truyền thống thành kính dâng hương mang lại cảm giác bình yên đến lạ kỳ…

Sau lễ dâng hương, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã may mắn được trò chuyện với thầy Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa Lớn. Thầy Thích Nhuận Đạt cho biết, thầy đã có 8 năm trụ trì chùa Song Tử Tây và 4 năm trụ trì chùa Trường Sa Lớn. Thầy tâm sự, ở đâu cũng là tu, chỗ nào cũng có Phật pháp, nhưng ở đây thầy được cống hiến cho Tổ quốc… "Chùa là chỗ dựa vững chắc cho bà con nơi biển đảo xa xôi và có ý nghĩa thiêng liêng với bà con khi ra sinh sống ở đảo Trường Sa, giúp quân và dân trên đảo giữ vững niềm tin, an toàn công tác nơi đầu sóng ngọn gió, để giữ biển đảo của Tổ quốc" - thầy chia sẻ…

Thầy Thích Nhuận Đạt mải miết viết chữ trên những viên đá san hô tặng Đoàn công tác.

Thầy Thích Nhuận Đạt mải miết viết chữ trên những viên đá san hô tặng Đoàn công tác.

Với những vị khách vượt hơn nghìn hải lý đặt chân đến chùa, thầy nói đó là cơ duyên khó có lần thứ hai. Suốt buổi chiều đến đêm, khi ngoài quảng trường rộn ràng văn nghệ giao lưu, thầy miệt mài viết chữ trên những viên đá san hô tặng các thành viên trong Đoàn công tác. Những chữ “Phúc”, “Bình an”, “Lộc”, “Đạt”, “Khang”… hay đơn giản chỉ là “Kỷ niệm Trường Sa” được thầy nắn nót viết bằng màu đỏ theo lối thư pháp uốn lượn theo thế của viên đá. Hết một lượt khi mực khô, thầy lại cẩn thận dùng bút màu xanh đen viết địa danh Trường Sa và thời gian phía dưới. Cứ quay vòng như vậy cho đến vị khách cuối cùng…

Những viên đá san hô trắng muốt trở nên có hồn qua nét vẽ của thầy trụ trì chùa Trường Sa Lớn mà thành viên nào của Đoàn công tác nhận được cũng đều hoan hỉ. May mắn hơn các thành viên trong Đoàn, không những xin được hơn 1 chữ mà tôi còn tìm được những viên đá làm đế vừa in với từng viên đá có chữ của thầy như chúng “sinh ra là để có nhau”.

“Đó là điều may mắn!” - thầy Thích Nhuận Đạt bắt tay chia sẻ với tôi ngay phía ngoài Tam bảo của chùa cùng lời chúc hải trình may mắn. Đó là khoảnh khắc mà tôi không bao giờ quên...

Ôm báu vật vào lòng, tôi gần như là người cuối cùng của Đoàn công tác rời khỏi đảo giữa hai hàng đèn lấp lánh dẫn ra cầu cảng. Quay lại ôm từ biệt người chiến sĩ đang trong ca trực không được tham gia chương trình văn nghệ giao lưu trên đảo, một cảm xúc lưu luyến, nghẹn ngào…

"Báu vật" mang về từ Trường Sa. (Ảnh trong bài: Thanh Thanh)

"Báu vật" mang về từ Trường Sa. (Ảnh trong bài: Thanh Thanh)

Trên tàu, dưới bến, trong tiếng sóng rì rào, tiếng hát của các thành viên Đoàn công tác và quân dân trên đảo như hòa quyện vào nhau, vang mãi… “Không xa đâu Trường Sa ơi…”!

Đọc thêm

Trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Hôm qua (1/7), tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội thảo luận Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 2025 - 2030, nhiều ý kiến đã mổ xẻ nguyên nhân sâu xa vì sao thời gian gần đây TP Hà Nội liên tiếp xảy ra một số vụ cháy thương tâm, thiệt hại về nhân mạng rất lớn.

Lo ngại tình trạng gia tăng cơ sở hành nghề y trái phép

Người dân cần đến cơ sở y tế chuyên nghiệp, được cấp phép khi có nhu cầu khám, chữa bệnh để tránh các nguy cơ về sức khỏe, tính mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: KT)
(PLVN) -  Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh đã tồn tại một thực trạng đáng lo ngại, đó là hoạt động của nhiều cơ sở y tế “chui”, không có giấy phép hành nghề hợp pháp, không tuân thủ các quy định về y tế và an toàn, dẫn đến nguy cơ cao cho sức khỏe cộng đồng.

“Bệnh người lớn” tấn công trẻ em

Ghi nhận nhiều trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1. (Ảnh minh họa - Nguồn: BVCC)
(PLVN) - Là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đái tháo đường trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, đái tháo đường tuýp 1 đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em.

Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải: Nhiều đăng kiểm viên vi phạm các quy định chuyên ngành

Hình minh họa. (Ảnh: dangkiem.com)
(PLVN) - Mới đây, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 619/KL-TTr về việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tại KLTT, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra nhiều đăng kiểm viên vi phạm các quy định chuyên ngành.

Chung tay vì mục tiêu BHYT toàn dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 15 năm ngày BHYT Việt Nam.
(PLVN) - Với chủ đề “Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”, ngày BHYT Việt Nam năm 2024 là dịp cao điểm truyền thông nhằm gia tăng nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT. Từ đó, ngày càng thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân.