Một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất không phức tạp, bằng chứng rất rõ ràng thể hiện việc bị đơn chiếm giữ đất trái pháp luật của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Phú Quý Thăng Long.
Tuy nhiên, Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên và Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên lại đưa vụ việc đi vòng quanh, khiến doanh nghiệp Phú Quý Thăng Long kiệt quệ về tài chính và chán nản về tinh thần. Điều này vô hình chung đã làm mất niềm tin ít nhiều của doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thái Nguyên.
Bằng chứng cho thấy, Công ty cổ phầnĐầu tư Thương mại và Du lịch Phú Quý Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên giao đất, cấp sổ đỏ từ năm 2007 đối với diện tích 156 m2, thửa số 71, tờ bản đồ số 22, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên.
Doanh nghiệp Phú Quý Thăng Long sử dụng làm trụ sở Công ty được 8 năm ổn định, đến năm 2015, công trình xuống cấp, Công ty làm thủ tục xin chính quyền địa phương tháo dỡ, xây dựng lại thì bỗng dưng hộ liền kề gia đình bà Đinh Thị Thơm (chồng Mai Đắc Lộc) đã lấy chính vật liệu cát, gạch của doanh nghiệp để xây dựng bao quanh vào đất của gia đình họ.
Ngay sau, đó chính quyền địa phương cũng mời gia đình bà Thơm lên để giải thích việc chiếm giữ đất và tài sản của doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật, song gia đình bà Thơm vẫn bất chấp.
Sau đó, Công ty Phú Quý Thăng Long khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên và ngày 17/10/ 2019 TAND thành phố Thái Nguyên đã tuyên án, buộc bị đơn bà Đinh Thị Thơm phải trả lại thửa đất trên cho Công ty Phú Quý Thăng Long. Sau đó, bà Đinh Thị Thơm có đơn kháng cáo.
Đến ngày 20/01/2020, TAND tỉnh Thái Nguyên đã huỷ Bản án dân sự số 54/2019/DS-ST ngày 17/10/2019 của TAND TP Thái Nguyên, với lý do, mắc một số vi phạm về thủ tục tố tụng; giao hồ sơ về TAND thành phố Thái Nguyên giải quyết lại.
Sự việc tưởng chừng sẽ được Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên tiếp tục giải quyết một cách dễ dàng, đúng thời hạn quy định. Song, Thẩm phán Hoàng Quý Sửu được giao nhiệm vụ giải quyết lại “ngâm án” vi phạm thời hạn. Không chỉ vậy, Thẩm phán Hoàng Quý Sửu còn triệu tập những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để tham gia tố tụng.
Phiên xét xử ngày 29/04, luật sự bào chữa cho phía bị đơn đưa ra nhiều cầu hỏi và bị nguyên đơn từ chối trả lời vì không liên quan đến vụ án |
Tại phiên xét xử ngày 29/04/2021, Chủ tọa phiên Tòa đề nghị phía bị đơn cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh thửa đất đang tranh chấp. Song, bị đơn cho rằng, giấy tờ đã bị mất.
Bị đơn trình bày, từ năm 1977 thửa đất trên thuộc địa giới hành chính quản lý của huyện Đồng Hỷ đã thu hồi, nhưng gia đình chưa nhận được quyết định, chưa nhận tiền bồi thường. Bị đơn cũng cho rằng từ đó có đề nghị một số cơ quan Nhà nước tỉnh Thái Nguyên giải quyết nhưng không được xem xét.
Theo một số chuyên gia pháp lý nhận định, phía bị đơn gia đình bà Đinh Thị Thơm không đưa ra được giấy tờ gì hợp pháp chứng minh nguồn gốc thửa đất trên của gia đình, chỉ nói bằng miệng ngày xửa ngày xưa của gia đình thì không có cơ sở để Tòa xem xét.
Hơn nữa, doanh nghiệp Thăng Long đã được UBND tỉnh Thái Nguyên giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất từ năm 2007 và thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế. Sự việc đã đã rất rõ, nhưng Thẩm phán vẫn đi tìm những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
“Tại phiên xét xử ngày 29/04, Hội đồng xét xử Tòa án TP Thái Nguyên cũng đã đề nghị bị đơn và nguyên đơn chứng minh tính pháp lý của thửa đất trên. Chúng tôi đã chứng minh thửa đất trên được UBND tỉnh Thái Nguyên cho thuê hợp pháp, còn phía bị đơn không đưa ra được giấy tờ chứng minh. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên Tòa Thẩm phán Hoàng Quý Sửu còn mở rộng vấn đề, đi lệch hướng giải quyết vụ án, nhằm gây khó dễ cho doanh nghiệp”, đại diện Công ty Phú Quý Thăng Long, bức xúc nói.
Có thể nói, khi nhìn vào hồ sơ vụ án, ai cũng hiểu, doanh nghiệp Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên giao đất hợp pháp, đúng pháp luật, nhưng chỉ Thẩm phán Hoàng Quý Sửu Tòa án TP Thái Nguyên vẫn không nhìn thấy điều này.
Đáng nói là sự nhiệt tình của thẩm phán trong việc giải quyết vụ án này, dù bị đơn không cung cấp được giấy tờ, tài liệu hợp pháp để chứng minh, thẩm phán vẫn đi tìm thay bị đơn bằng cách, ký văn bản gửi UBND huyện Đồng Hỷ đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc thu hồi, bồi thường thửa đất này từ những năm 1977 và triệu tập một số hộ gia đình không liên quan đến việc doanh nghiệp khởi kiện gia đình bà Thơm chiếm giữ đất và tài sản trái phép.
Tại phiên tòa mọi việc dường như đã làm rõ tính pháp lý của thửa đất trên. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử yêu cầu tạm dừng phiên xét xử để hai bên cung cấp thêm tài liệu, thu thập chứng cứ.
Công ty Phú Quý Thăng Long cho biết, trong quá trình xét xử phía bị đơn không đưa ra được giấy tờ gì chứng minh, trong khi đó Hội đồng xét xử lại yêu cầu chúng tôi (nguyên đơn) phải cung cấp thêm tài liệu mà không liên quan đến việc giải quyết vụ án. Như vậy là Hội đồng xét xử đang cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp và UBND tỉnh Thái Nguyên.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.