Bởi những năm trước, nhiều TS đã trúng tuyển ĐH ở các trường dân sự khi trúng tuyển trình độ CĐ, trung cấp thuộc các trường khối công an, quân đội (xét tuyển sau) rút hồ sơ hoặc bỏ học ở trường ĐH để nhập học gây xáo trộn trong tuyến sinh và đào tạo…
Lọc hồ sơ từ vòng sơ tuyển
Theo Ban Tuyển sinh quân sự, kỳ tuyển sinh năm 2017 các trường quân đội sẽ sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển. Ban Tuyển sinh quân sự nhấn mạnh, các trường quân đội chỉ xét tuyển theo tổ hợp các môn thi, chưa sử dụng bài thi tổ hợp trong xét tuyển.
Cụ thể tổ hợp môn xét tuyển vào Học viện Quân y tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển B00 và A00; Học viện Biên phòng tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển C00 và A01; Học viện Khoa học quân sự tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển D01, D02, D04 và A00, A01; Trường Sĩ quan Chính trị tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển C00, A00 và D01; Các học viện: Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Phòng không - Không quân và các trường Sĩ quan: Thông tin, Công binh, Đặc công, Kỹ thuật quân sự (Vin - Hem Pich) tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A00 và A01…. Được biết, năm nay, khối trường quân sự tăng thêm tuyển sinh khối A1 để nâng cao trình độ ngoại ngữ trong quân đội.
Năm 2017, Bộ Quốc phòng quy định, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 vào một trường quân đội ngay từ khi sơ tuyển. Ban tuyển sinh quân sự nghiêm cấm thí sinh đăng ký sơ tuyển tại nhiều ban tuyển sinh. Người dự tuyển nếu vi phạm sẽ không được xét tuyển vào các trường quân đội.
Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội. Các thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng. Nghĩa là, với điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường quân đội chỉ được điều chỉnh chuyển ngành (một số ngành phù hợp) trong cùng trường quân đội. Còn không được phép điều chỉnh nguyện vọng từ trường quân đội này sang trường quân đội khác (đối với nguyện vọng 1 và hệ quân sự). Nhưng các em có thể điều chỉnh từ trường quân sự ra trường dân sự hoặc hệ dân sự trong trường quân sự.
Một điểm đáng chú ý khác trong tuyển sinh vào các trường quân đội năm 2017 là các trường sẽ sử dụng tiêu chí phụ căn cứ trực tiếp trên kết quả thi THPT quốc gia thay vì căn cứ vào học bạ THPT. Cụ thể, các trường sẽ sử dụng dữ liệu chung và khai thác dữ liệu từ Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nên việc sử dụng tiêu chí phụ bằng kết quả thi sẽ giúp việc xử lý dữ liệu thuận lợi hơn, nhẹ nhàng hơn và công khai, minh bạch hơn.
Theo quy định tuyển sinh của Bộ Quốc phòng năm nay, các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa sẽ không tuyển thí sinh cận thị.
Không ảnh hưởng tới quyền lợi thí sinh
Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT ban hành trước đó quy định rõ: TS được đăng ký không giới hạn NV nhưng phải đánh số thứ tự ưu tiên của các NV. Do đó, nhiều TS có NV vào hệ quân sự trường quân đội băn khoăn: hướng dẫn tuyển sinh vào trường quân đội liệu có trái với quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, khi bắt buộc TS phải đăng ký NV1 mới được xét tuyển hay không?
Trả lời thắc mắc này, Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết quy định đặc thù này của tuyển sinh quân đội đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất từ chính Bộ GD-ĐT trong quá trình góp ý xây dựng quy chế tuyển sinh. Ban tuyển sinh quân sự đã có văn bản gửi đến Bộ GD-ĐT, trong đó cũng đã nêu quy định đặc thù trong tuyển sinh quân đội là TS muốn đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội phải qua sơ tuyển về chính trị, sức khỏe, độ tuổi.
“Quá trình tuyển sinh đồng thời cũng là tuyển dụng vào biên chế chính thức của quân đội, do vậy chỉ tiêu tuyển sinh là pháp lệnh, số lượng thí sinh trúng tuyển phải bằng chỉ tiêu tuyển sinh, các trường không được tuyển thừa”, văn bản này nêu rõ. Về cơ bản, các trường trong quân đội đều tuyển sinh trên địa bàn toàn quốc, chỉ tiêu tuyển sinh từng trường không bằng nhau (từ 50-600 chỉ tiêu/trường). Tuy nhiên quá trình tuyển chọn phải đảm bảo theo địa chỉ sử dụng, theo đối tượng nam - nữ, vùng miền hoặc từng quân khu.
Trả lời về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, điều 13 quy chế tuyển sinh ĐH chính quy của Bộ GD- ĐT đã quy định: “TS đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của bộ liên quan”. Nghĩa là, quy chế tuyển sinh đã tính đến các yếu tố đặc thù của các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, do các bộ hữu quan hướng dẫn.
Bởi lẽ, các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo cán bộ theo kế hoạch nghiêm ngặt. Số lượng, trình độ, ngành nghề tuyển sinh hằng năm phụ thuộc vào nhu cầu trực tiếp của quân đội, công an. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này phải đảm bảo chính xác con số do bộ chủ quản yêu cầu. Vì thế bộ Quốc phòng và Bộ Công An có những qui định, hướng dẫn bổ sung để đảm bảo tính đặc thù trong tuyển sinh theo điều 13 của Quy chế tuyển sinh.
Đồng thời, bà Phụng cho rằng qui định này không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh vì khi ĐKXT vào các trường công an, quân đội, các thí sinh đều đã được thông báo từ khi sơ tuyển. Thí sinh lựa chọn đăng ký vào học các trường quân đội, công an trước hết phải thực sự đam mê và có quyết tâm cao. Đây được hiểu như một điều kiện để đạt sơ tuyển.
Thực tế, thí sinh ĐKXT vào các trường này đều phải cạnh tranh ở mức độ cao và đều có nguyện vọng 1 là vào được các trường công an, quân đội (năm 2016 có gần 45.000 thí sinh sơ tuyển; gần 29.000 ĐKXT nhưng chỉ có hơn 5.000 trúng tuyển). Nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào khối trường quân đội, công an mà không trúng tuyển thì thí sinh có thể trúng tuyển các nguyện vọng khác vào các trường dân sự theo nguyên tắc xét tuyển bình đẳng dựa trên kết quả thi, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Vì thế quyền lợi của các thí sinh và các trường ĐH dân sự không bị ảnh hưởng.
Những năm trước, nhiều TS đã trúng tuyển ĐH ở các trường dân sự khi trúng tuyển trình độ CĐ, trung cấp thuộc các trường khối công an, quân đội (xét tuyển sau) lại muốn rút hồ sơ hoặc bỏ học ở trường ĐH để nhập học vào trình độ trung cấp, CĐ thuộc khối công an, quân đội, gây xáo trộn hoặc làm cho các trường phải gọi nhập học nhiều hơn chỉ tiêu để dự phòng dẫn đến khó quản lý chỉ tiêu và chất lượng đào tạo.
Hơn nữa, theo bà Phụng, các trường ĐH khối dân sự cũng mong muốn có quy định này để không phải trừ thí sinh ảo, yên tâm thực hiện đúng chỉ tiêu tuyển sinh.