Hôm nay ngày 15 – 9 các trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 (NV3). Đây là cơ hội cuối cùng đối với các sĩ tử đã qua 2 lần bị trượt, cũng là cơ hội cuối trong năm để các trường tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhiều thí sinh đã quyết định sẽ ôn tập để năm sau thi lại chứ không trông chờ ở NV3 (ảnh minh họa). |
Trường thấp thỏm chờ thí sinh Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Ngày 13 – 9 là hạn cuối cùng các trường gửi chỉ tiêu xét tuyển NV3 lên Bộ nhưng đến thời điểm này Bộ mới chỉ nhận được 2/3 báo cáo từ các trường. Trong khi đó, ngay sau hạn cuối cùng chốt danh sách xét tuyển NV2 theo quy định đã thấy nhiều trường lập tức công bố điểm trúng tuyển và chỉ tiêu xét tuyển NV3 mà không chờ “lệnh” của Bộ GD-ĐT”. Sốt ruột nhất là các trường ĐH dân lập. Lý do vì lượng hồ sơ xét tuyển NV2 mà khối trường này nhận được không nhiều, trong khi điểm trúng tuyển đã hạ xuống chạm sàn, các trường vẫn phải “nơm nớp” lo lắng tuyển NV3 sớm để “trừ hao” lượng thí sinh đỗ NV2 nhưng không nhập học hoặc sẽ bỏ học giữa chừng. Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà lấy điểm chuẩn NV2 của tất cả các ngành đào tạo bằng với mức điểm sàn. Tuy nhiên trường vẫn phải tiếp tục xét tuyển 350 chỉ tiêu ĐH và 150 chỉ tiêu hệ CĐ vào tất cả các ngành đào tạo với mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của từng khối thi. Chị Đặng Thị Thuỷ - cán bộ tuyển sinh trường cho biết: “Ngay sau khi bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2 trường đã phải lên kế hoạch xét tuyển NV3. NV3 là cơ hội cuối cùng của thí sinh, cũng là cơ hội xét tuyển cuối cùng của trường nên không chỉ thí sinh mà các trường chưa tuyển đủ cũng đều thấp thỏm cả”. Là một trong những trường có thông báo xét tuyển NV3 sớm nhất, Trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh dành tới trên 1.000 chỉ tiêu tuyển. Ông Nguyễn Hữu Kiều - Trưởng phòng Đào tạo trường này cho biết điểm chuẩn trúng tuyển NV2 đối với các ngành của trường đều bằng điểm sàn của từng khối thi nên trúng tuyển NV3 cũng sẽ không mấy khó khăn. Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng xét tuyển NV3 bậc ĐH hệ chính quy với tổng chỉ tiêu là 240 và điểm chuẩn dự kiến từ 13 – 15.Xét tuyển cho... đỡ hối hận Trong khi các trường đang “khắc khoải” chờ thí sinh thì nhiều thí sinh lại tỏ ra hờ hững với việc xét tuyển NV3. Sau khi nhận kết quả trượt cả NV1 và NV2 vào Trường ĐH Dược và ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam, Nguyễn Xuân Khanh (Yên Khánh, Ninh Bình) thất vọng cho biết sẽ không tiếp tục chơi “trò may rủi” trông chờ vào điểm xét tuyển NV3 nữa. Khanh cho biết: “Nguyện vọng của em là được vào học tại ĐH Dược nhưng chỉ được 16 điểm (khối B) nên bị trượt, khi nhận được kết quả đã nghĩ sẽ không xét tuyển để chờ năm sau thi lại, nhưng do áp lực từ gia đình, em nộp hồ sơ vào ĐH Lâm Nghiệp khoa Công nghệ sinh học với hy vọng đỗ để “chống cháy” nhưng vẫn bị trượt”. Còn Nguyễn Hà Phương (Tĩnh Gia, Thanh Hoá), có số điểm đạt được không quá cao (17 điểm khối C). Sau khi nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào khoa Sử của ĐH. Quy Nhơn, Phương đã xách balô lên TP. Thanh Hoá để ôn thi lại. Phương cho biết: “Tuy biết điểm sàn xét tuyển NV2 vào khoa này đã là 16, tức là ít ra phải có điểm cao hơn 2 – 3 điểm mới có cơ may trúng tuyển nhưng em vẫn nộp liều. Hiện em vẫn chưa biết kết quả nhưng nếu trượt em cũng không muốn nộp hồ sơ NV3 mà sẽ thi lại năm sau”. Rất nhiều thí sinh sau khi liên tiếp trượt cũng rơi vào tình trạng “hờ hững” với xét tuyển NV3 như Khanh và Phương. Thầy Nguyễn Văn Khởi - giáo viên Trường THPT Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết: “Tâm lý của thí sinh, trúng tuyển NV3 giống như là đỗ “vớt”. Thí sinh ở nông thôn thì càng không tỏ ra mặn mà với điều này, vì vào các trường dân lập học phí cao, học 1 năm để chống cháy không phải là giải pháp khôn ngoan đối với kinh tế của những gia đình nông dân”.
Theo Dân việt