Không còn trẻ để coi là người đem tiền tỷ ra chơi “ngông”, cũng không quá già dặn trên thương trường nhưng những gì mà người đàn ông này tìm kiếm chỉ đơn giản là hai chữ “niềm tin” của khách hàng. Dù thua lỗ vài năm liên tục, dù chỉ một xe một khách nhưng với doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Hiền, xe “không” vẫn xuất bến mà không hề "bắt" khách dọc dường.
Từ ý tưởng “điên rồ”
Năm 1972, khi mới 15 tuổi, ông Hiền đã xung phong đi bộ đội. Vì chưa đủ tuổi nên ông đã phải viết đơn tự nguyện xin đi chiến đấu bằng máu để có thể được nhập ngũ. Tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị đến khi chiến tranh kết thúc, ông Hiền về quê tiếp tục đi học phổ thông rồi thi vào Đại học Giao thông vận tải.
Rời giảng đường đại học, bắt đầu lập nghiệp tại tỉnh đoàn Thanh Hóa, tuy nhiên "máu" kinh doanh của gia đình trong ông Hiền luôn thôi thúc. Vào thời điểm các công ty phải sắp xếp lại theo NĐ 388 (Quy chế thành lập và giải thể Doanh nghiệp Nhà nước), công ty Chế biến lâm sản Đại Thắng của tỉnh Đoàn Thanh Hóa rơi vào cảnh vỡ nợ. Năm 1992, ông Hiền đã đứng ra mua công ty và tìm mọi cách vực công ty tưởng không thể “đứng dậy” này.
Đến năm 1997, trong tay vị giám đốc đã có gần 900 công nhân. Trong những năm 1997-2001, công ty Chế biến lâm sản Đại Thắng là một trong những công ty đứng đầu tỉnh Thanh Hóa về nộp ngân sách. Không chỉ kinh doanh thành công, mở rộng ra các lĩnh vực khác như chế biến, xuất khẩu, xây dựng, ông Hiền còn hiến tặng 6.700 m2 đất để xây dựng trường THPT Điện Biên, đem lại ngôi trường khang trang rộng rãi cho hàng ngàn học sinh nơi đây.
Tuy thành công trên con đường kinh doanh với các bài toán chiến lược “dài hơi”, ông Hiền vẫn muốn học thêm những kiến thức quản trị doanh nghiệp và quyết định thi vào đại học Kinh tế quốc dân. Đây cũng là nơi nảy sinh ý tưởng khá táo bạo của vị chủ doanh nghiệp này, đó là kinh doanh vận tải hành khách.
Thực tế, việc kinh doanh vận tải không phải là chuyện hiếm khi mà giao thương giữa các tỉnh thành trên cả nước ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Mọi phương tiện đều có thể phục vụ khách hàng khi có yêu cầu. Tuy nhiên để xe chạy dù chỉ một khách hoặc xe “không” với khoản tiền thua lỗ có năm lên gần một tỷ đồng chỉ vì niềm tin của khách hàng thì không phải là chuyện đơn giản với những người làm nghề kinh doanh. Bởi lẽ kinh doanh nghĩa là phải tính đến yếu tố sinh lời.
“Ý tưởng thành lập đội xe của tôi bắt đầu từ đề tài của bài thực tập tốt nghiệp môn quản trị chất lượng. Thực tế tôi đã lỡ mất ba chuyến bay chỉ vì tiếc tiền. Bỏ tiền ra đi xe chất lượng cao để đi ra sân bay nhưng rồi tưởng rẻ mà hóa thua thiệt. Ba chuyến bay phải lỡ mất chỉ vì xe chất lượng cao nhưng vòng vèo bắt khách quá nhiều lần. Mà máy bay thì đâu có chờ ai. Từ đó tôi mới nghiên cứu đề tài này và được các thầy trong trường ĐH Kinh tế quốc dân ủng hộ. Tuy nhiên vào thời điểm đó, không phải ai cũng tin, thậm chí có người còn cho đó là ý tưởng điên rồ vì doanh nghiệp thà để xe chạy không cũng không bắt khách dọc đường. Nhưng tôi đã quyết là làm”, ông Hiền chia sẻ.
Đến câu chuyện xây dựng niềm tin
Ông Hiền cho biết, tiêu chí đầu tiên của doanh nghiệp này không phải là lợi nhuận mà chính là sự an toàn của hành khách, đúng giờ và văn hóa. “Thực chất là chúng tôi tìm kiếm niềm tin của khách hàng. Chúng tôi cũng đã dự tính, với tám xe một ngày chạy bảy chuyến thì phải chấp nhận bù lỗ từ ba đến năm năm thì mới thành công, mới có khách”.
Kinh doanh đã không lãi, lại còn bù lỗ nhưng người đứng đầu doanh nghiệp không nản chí, bỏ cuộc vì tư tưởng đã xác định “phải lỗ” ngay từ ngày đầu. “Mục tiêu của chúng tôi là mang niềm tin đến cho khách hàng thì dù chỉ có một người khách cũng là niềm tin chứ không phải là nhiều người mới có. Phải bắt đầu xây dựng niềm tin từ những cái rất nhỏ đó”.
Thực tế, ban đầu cũng có khách hàng “thương” doanh nghiệp quá, chấp nhận lùi chuyến để đỡ cảnh “một xe một khách” nhưng doanh nghiệp vẫn quyết chạy. “Khi người ta đã sắp xếp lịch đi thì mình tôn trọng thực hiện đúng lịch trình của họ dù xe một người hay 10 người”.
Ba năm thua lỗ hơn 1 tỷ theo chiều giảm xuống, doanh nghiệp vận tải hành khách Đại Thắng vẫn không tăng giá cước kể cả các ngày lễ Tết bởi “đó là cách chúng tôi tri ân lại hành khách, những người ngày thường đã ủng hộ chúng tôi”.
Không chỉ thực hiện quyết tâm “sắt” trong kinh doanh để đem lại niềm tin cho khách hàng mà ngay cả đội ngũ lái xe của doanh nghiệp cũng luôn được quan tâm, trước hết là từ tính an toàn của xe, chế độ tiền lương, bảo hiểm…
Tính an toàn của xe tất cả những người làm vận tải đều biết hết nhưng thực hiện được điều đó phải có một quyết tâm. Doanh nghiệp phải biết cái gốc của sự an toàn chính là con người và người quản lý doanh nghiệp phải bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động để họ coi doanh nghiệp là một phần cuộc sống của mình.
Tuy là người dày dặn trên con đường kinh doanh với nhiều ngành nghề nhưng ông Hiền chỉ coi con đường kinh doanh xe khách của mình đơn giản là sự khác biệt chứ chưa thể nói là thành công. “Phương châm của chúng tôi là phát triển trên cơ sở bền vững, lợi ích của doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích xã hội, với niềm tin, sự an toàn của hành khách”.
Câu chuyện niềm tin với hành khách của vị doanh nhân từng khoác áo lính này không chỉ đơn giản là bài toán kinh doanh mà chính là sự tri ân đối với mỗi con người, với cuộc đời của ông.
Hải Minh