Xe châu Âu khó thâm nhập thị trường Việt Nam

Các hãng xe châu Âu không dễ thâm nhập châu Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, bởi nơi đây là lãnh địa của

Sự kiện đáng chú ý trong tháng qua trên thị trường ôtô Việt Nam chính là sự kiện mác xe Renault từ Pháp chính thức ra mắt. Ngay trước ngày khai trương, Autonet đã có buổi phỏng vấn ông Xavier Casin – Giám đốc Điều hành Auto Motors Vietnam – nhà nhập khẩu chính thức xe Renault tại Hà Nội.

Autonet: Trước tiên, xin được chào mừng Renault – một tên tuổi mới. Xin hỏi ông Xavier Casin, ông đã biết những gì về thị trường này cũng như thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam?

Ông Xavier Casin – Giám đốc Điều hành Auto Motors Việt Nam: Đầu tiên, có thể nói rằng đây là một thị trường đang phát triển rất nhanh. Nhưng tôi cũng nhận thấy việc nghiên cứu thị trường ôtô Việt Nam cũng không hề dễ dàng chút nào. Các vấn đề về chính sách cũng như những luật định liên quan đến lĩnh vực này cũng thay đổi liên tục đến chóng mặt. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh cũng phải hết sức nhanh nhạy để có thể theo kịp.

Hơn nữa, tại Việt Nam cũng đang có một số đối thủ sản xuất lắp ráp trong nước, và đương nhiên là cạnh tranh với chúng tôi. Tuy nhiên, là một đơn vị nhập khẩu nên chúng tôi cũng có những điểm khác biệt, ở một phân khúc riêng. Cạnh tranh là điều đương nhiên, là quy luật, cũng như ở nhiều thị trường khác. Chúng tôi cần phải biết chúng tôi ở vị trí nào, chúng tôi có những thuận lợi và khó khăn gì. Nhìn vào thị trường ôtô Việt Nam, vào biểu đồ phát triển, chúng tôi thấy đây là một thị trường tiềm năng trong tương lai, với nhu cầu rất lớn bởi đây là nước dân số đông và nền kinh tế đang phát triển nhanh. Rất nhiều người đi từ xe đạp lên xe máy, rồi từ xe máy lên ôtô, và nếu quan sát sẽ thấy đây là điều khác biệt của Việt Nam so với nhiều nước khác.

Autonet: Tại sao ông lại chọn Việt Nam tại thời điểm này?

Ông Xavier: Thật ra thì tập đoàn của chúng tôi, Jean Rouyer ở Pháp, cũng như những người sáng lập ra tập đoàn này, đã nghiên cứu thị trường ôtô Việt Nam và có ý định thâm nhập cách đây 3 năm. Và bắt đầu từ hồi đó, ông chủ của Tập đoàn đã thành lập một đội ngũ nhân lực riêng để chuẩn bị cho việc này. Tuy nhiên, quan điểm của tôi hồi đó là nếu gia nhập tại thời điểm đó thì quá sớm.

Cách đây 1 năm, chúng tôi nhận thấy rằng, đã đến lúc có thể đưa xe Renault vào Việt Nam. Chính tôi đã nói với ông chủ của tập đoàn rằng: “Giờ là thời điểm hợp lý để chúng ta đưa xe vào Việt Nam. Vấn đề là chúng ta chọn nhà nhập khẩu nào”.

Autonet: Và hiện tại ông chỉ có một showroom tại Hà Nội? Vì sao ông không chọn Tp. Hồ Chí Minh như nhiều nhà nhập khẩu khác?

Ông Xavier: Ở Hà Nội, Auto Motors Vietnam có 3 chức năng khác nhau. Thứ nhất, đó là nhà nhập khẩu chính thức, và chúng tôi là đại diện chính thức duy nhất của Renault tại Việt Nam, nhập khẩu những mẫu xe từ Renault. Chức năng thứ 2, chúng tôi là nhà phân phối, nghĩa là chúng tôi có quyền chỉ định đại lý tiêu thụ ở bất cứ địa phương nào tại Việt Nam. Và thứ 3 là chức năng như một đại lý chính thức, chính là showroom này. Và giờ đây, tại địa điểm này ở Hà Nội, chúng tôi có đầy đủ 3 chức năng chính đó.

Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ hướng tới Tp. Hồ Chi Minh, và tiếp đó là khu vực miền trung. Và sự phát triển kinh doanh của công ty ở Việt Nam sẽ có được từ một số mẫu xe mà chúng tôi phân phối trực tiếp, mà còn qua các kênh, mạng lưới tiêu thụ là các đại lý khác.

Autonet: Vậy thị trường Việt Nam có những thuận lợi cũng như khó khăn gì đối với một thương hiệu xe hơi hoàn toàn mới như Renault?

Ông Xavier: Đây không phải là một câu hỏi đơn giản đối với một thương hiệu mới, ở một đất nước mới, thị trường mới. Auto Motors Vietnam là một công ty mới, chưa hề có kinh nghiệm ở đây. Và có lẽ đó cũng chính là bất lợi của chúng tôi, bởi chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với nhiều công ty khác đã có tên tuổi trong nhiều năm.

Còn về thuận lợi, trước tiên là vấn đề thị trường như tôi đã đề cập ở trên. Tiêu dùng ôtô ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Việt Nam cũng chưa có nhiều thương hiệu, và mẫu mã cũng chưa đa dạng như những quốc gia phát triển lâu đời khác. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang ở nhóm thương hiệu thứ nhất hay có thể là trong nhóm thứ 2 đến với Việt Nam… Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng lợi thế mà Renault có được là mẫu mã đa dạng. Chúng tôi tin rằng Renault có những chiếc xe chất lượng cao cho thị trường châu Á nói chung, cho Việt Nam nói riêng.

Autonet: Thực tế cho thấy là một mác xe mới không dễ dàng gì khi phát triển thương hiệu ở Việt Nam. Ông có nghĩ rằng ông sẽ thành công?

Ông Xavier: Đương nhiên là tôi rất hy vọng điều đó. Tôi điều hành ở một công ty mới, tại một thị trường cũng hoàn toàn mới và rất khó có thể nói trước điều gì. Nhưng tôi cũng đang mơ ước về một kết quả thành công trong tương lai.

Nhưng cũng cần phải nói rằng các hãng xe châu Âu không dễ thâm nhập châu Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, bởi nơi đây là lãnh địa của những đối thủ chủ nhà rất mạnh như Toyota, Honda, Hyundai hay Kia. Chúng tôi không muốn nói là tất cả, nhưng hầu hết các thị trường châu Á, kể cả ở Trung Đông, đều là có những thị trường khó cạnh tranh đối với các thương hiệu châu Âu.

Tại Việt Nam đã xuất hiện những đối thủ mạnh trên phân khúc xe hạng sang, và tôi nghĩ rằng vẫn còn một khoảng trống cho các tên tuổi thuộc phân khúc giữa các mác xe hạng sang đẳng cấp với các mác xe phổ dụng Nhật Bản và Hàn Quốc, kể cả lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Và đó chính là cơ hội cho các mác xe như Renault.

Autonet: Vâng, cơ hội dành cho tất cả những hãng xe tốt và tin cậy, chứ không riêng gì Renault. Ông coi mác xe nào là đối thủ chính của mình tại Việt Nam? Vì sao?

Ông Xavier: Tôi nghĩ rằng đối thủ chính của Renault tại Việt Nam chính là Honda. Bởi vì CR-V rất gần gũi về các thông số kỹ thuật với mẫu Koleos của chúng tôi, còn Civic thì cũng có những nét tương đồng với mẫu Fluence mà chúng tôi sẽ giới thiệu vào năm sau. Toyota cũng là một đối thủ, nhưng Toyota thì lại quá hùng hậu với hệ thống đại lý phân phối và dịch vụ rộng khắp trên cả nước và tin cậy trong nhiều năm nay.

Autonet: Vậy ông có thể nói gì về hệ thống dịch vụ của Renault tại Việt Nam?

Ông Xavier: Nếu chúng tôi không thể bảo dưỡng và sửa chữa xe thì chúng tôi cũng không thể nhập khẩu xe. Vì vậy, là một nhà nhập khẩu xe chính thức, chúng tôi phải cung cấp dịch vụ chăm sóc xe cũng như nhập khẩu và cung cấp các loại phụ tùng thay thế. Và tại đây, chúng tôi có một xưởng sửa chữa và dịch vụ 4 cầu nâng với tổng điện tích gần 500 mét vuông.

Chúng tôi cũng rất tự tin cung cấp thời hạn bảo hành của các loại xe Renault phân phối tại Việt Nam là 3 năm hoặc 100.000km. Chúng tôi muốn mang đến cho khách hàng Việt Nam sự trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Họ có thể đến và lái thử xe bất cứ lúc nào họ muốn, để có thể cảm nhận và lựa chọn. Chúng tôi sẽ mang những tiêu chuẩn toàn cầu của Renault để mang đến cho khách hàng Việt Nam.

Autonet: Ông có thể cho biết kế hoạch nhập khẩu và phân phối sản phẩm của Renault?

Ông Xavier: Chiếc xe đầu tiên mà chúng tôi sẽ giới thiệu tại Việt Nam là chiếc crossover Koleos – chiếc xe sử dụng chung sàn với Nissan Xtrail, chung động cơ 2.5, hộp số vô cấp CVT của Nissan. Với thiết kế đẹp, trang bị công nghệ đầy đủ, nội thất tiện nghi, chúng tôi coi đây là một “vũ khí chiến lược” để chinh phục các thị trường mà Renault mới thâm nhập.

Bằng chứng là Koleos rất thành công ở Trung Quốc – thị trường thành công nhất của Koleos trên toàn cầu. Mỗi tháng có khoảng gần 2.000 xe Koleos đến tay khách hàng ở Trung Quốc. Ở Singapore, Koleos cũng tiêu thụ tốt, nhưng thị trường này còn rất nhỏ. Koleos cũng được bán ở cả Nhật Bản – nơi có tất cả các đối thủ nổi tiếng nhất trên phân khúc crossover cỡ nhỏ. Tuy nhiên, khách hàng ở Nhật vẫn rất thích Koleos, bởi người ta tìm thấy một cảm giác khác biệt khi sử dụng chiếc xe này, so với các đối thủ crossover truyền thống khác. Bên cạnh đó, Koleos cũng được phân phối ở Malaysia và ở Úc.

Tiếp theo Koleos sẽ là một mẫu sedan cỡ nhỏ mang tên Fluence mà chúng tôi sẽ giới thiệu vào sang năm, nghĩa là khoảng 4 tháng nữa. Sau đó, chúng tôi sẽ cân nhắc đến nhiều mẫu xe khác, những mẫu xe cao cấp trong loạt sản phẩm của Renault.

Autonet: Hy vọng là “vũ khí chiến lược” của Renault tiếp tục phát huy sức mạnh. Mục tiêu về doanh số tiêu thụ của ông trên thị trường này là bao nhiêu xe một tháng?

Ông Xavier: Điều này thì có lẽ tôi không thể nói trước được, vì tất cả vẫn đang còn ở phía trước.

Autonet: Vâng, xin cảm ơn ông! Chúc Renault thành công trên thị trường Việt Nam!

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.