Hết hiệu lực vẫn đưa vào khai thác?
Chị Nguyễn Thị Thủy- trú xã Điền Hương, huyện Phong Điền cho biết, chị thường đi xe buýt Điền Hương, Phong Điền đến Bến xe Đông Ba. Thời gian gần đây, khi đón xe, chị chứng kiến các lái xe cãi vã nhau vì giành khách. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân là do tuyến đường này có 2 ĐVVT được cấp giờ xuất bến sát nhau trên cùng tuyến đường.
Ông Hoàng Xuân Cử - Bến Trưởng Bến xe Đông Ba, TP Huế cho biết, hiện tuyến Bến xe Đông Ba đi các xã ngũ điền thuộc huyện Phong Điền theo hướng cầu Ca Cút, có 2 ĐVVT hoạt động là Hoàng Đức và Tuyết Năm. Trước đó, vào tháng 5/2016, chỉ riêng tuyến Bến xe Đông Ba đi các xã vùng ngũ điền huyện Phong Điền, ĐVVT Hoàng Đức được Sở GTVT tỉnh TT-Huế cấp 14 điểm giờ xuất bến hàng ngày.
Tuy nhiên, hơn 2 năm 4 tháng kể từ ngày cấp phép, Hoàng Đức chỉ mới khai thác 8 điểm giờ xuất bến và 6 điểm giờ còn lại không hề khai thác. “Việc Sở GTVT ưu ái cấp quá nhiều giờ xuất bến cho Hoàng Đức trong khi không khai thác hết và bỏ trống nhiều giờ đã không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ở xa trung tâm TP Huế. Đồng thời, việc cấp nhiều giờ xuất bến nhưng không đưa vào khai thác đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong các đơn vị vận tải với nhau”- một cán bộ của Bến xe Đông Ba nói.
Một cán bộ của Ban Quản lý Bến xe Đông Ba cho biết, theo Điều 16 của Thông tư 63 của Bộ GTVT quy định về hồ sơ và xử lý hồ sơ đăng ký khai thác, điều chỉnh tăng tần suất chạy xe, thì văn bản chấp thuận khai thác tuyến, chấp thuận điều chỉnh tăng tần suất chạy xe có giá trị kể từ ngày ký và có hiệu lực theo hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Sau 60 ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đưa xe vào khai thác thì văn bản chấp thuận không còn hiệu lực. Điều này có nghĩa là, ĐVVT Hoàng Đức, trong số 14 điểm giờ xuất bến được cho khai thác nhưng suốt hơn 2 năm 4 tháng qua chỉ khai thác 8 điểm, còn lại 6 điểm (6 giờ, 7 giờ, 15 giờ 15, 18 giờ 45, 12 giờ 30 và 17 giờ 30) không khai thác có nghĩa không còn hiệu lực.
Thế nhưng, không hiểu vì sao mới đây, đầu tháng 10/2018, ĐVVT Hoàng Đức lại đưa phiên 15 giờ 15 vào khai thác. Cũng theo cán bộ của Bến xe Đông Ba, trong khi đó, thời điểm xuất bến 15 giờ 15, Sở GTVT đã đồng ý cho nhà xe Tuyết Năm (đóng tại xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, TT-Huế) khai thác lâu nay. “Chính vì 2 ĐVVT khai thác trùng giờ nhau lại trên cùng một tuyến nên mới xảy ra tình trạng kiện tụng” - cán bộ này nói thêm.
Lái xe đánh nhau để giành giật khách
Ông Hoàng Xuân Cử cho rằng, việc xe Hoàng Đức đưa vào khai thác lúc 15 giờ 15, xuất bến từ Bến xe Đông Ba đi vùng ngũ điền huyện Phong Điền là cùng tuyến, cùng sát thời gian với đơn vị vận tải Tuyết Năm. Sở GTVT nên điều chỉnh, bố trí giờ tránh sự chồng chéo giữa 2 ĐVVT, hạn chế tối đa tình trạng giành giật khách gây mất an toàn khi tham gia giao thông.
Ông Hoàng Xuân Cử xác nhận, ngày 5/10, ĐVVT Hoàng Đức có gửi tờ trình nói về khai thác thêm giờ xuất bến 15 giờ 15 và “chúng tôi chỉ căn cứ vào văn bản của Sở GTVT đã cấp giờ xuất bến cho DN Hoàng Đức vào tháng 5/2016 nên đồng ý để xe đăng tài, làm các thủ tục trước khi xuất bến”- ông Cử nói.
Ông Lê Trung Hiệp (58 tuổi) lái xe buýt của HTX ô tô Phú Lộc kể, thời gian gần đây, trên cùng một lộ trình, tuyến đường nhưng cùng lúc 2 ĐVVT xe buýt khai thác nên hai bên thường xuyên xảy ra giành giật khách. Lái xe, phụ xe của 2 xe gây gổ, thách thức nhau, thậm chí còn dùng đùi đánh, rượt đuổi nhau trên đường và sự việc chỉ dừng lại khi có sự xuất hiện của lực lượng Công an.
Với thâm niên mấy chục năm lái xe trên tuyến này, ông Hiệp nói, nếu tình trạng các ĐVVT trong tỉnh được cấp giờ xuất bến sát nhau thì nguy cơ chửi nhau, ẩu đả, đánh nhau sẽ tiếp tục xảy ra. Mà mỗi khi gặp sự cố này thì lái xe khi điều khiển sẽ không làm chủ được tốc độ và nguy cơ tai nạn rình rập rất cao.
Trước tình trạng các nhà xe tuyến cố định, xe buýt trên địa bàn tỉnh được cấp giờ xuất bến sát giờ nhau hoặc trùng các lộ trình trong khi lượng khách nội tỉnh chỉ rải rác, thiết nghĩ rằng, Sở Giao thông Vận tải TT-Huế và các ngành chức năng nên xem xét, điều chỉnh thời gian phù hợp tránh tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến và nhất là đảm bảo văn minh, văn hóa và an toàn cho hành khách khi đi xe buýt.