Bác sĩ Đặng Văn Chính, Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, sơ cấp cứu trước khi đưa vào bệnh viện (cấp cứu trước bệnh viện) là một khâu đặc biệt quan trọng. Mới đây, tại BV Thanh Nhàn có một bệnh nhân đã chết một cách oan uổng chỉ vì không được sơ cứu đúng cách. Bởi vậy, việc xây dựng một Trung tâm điều phối cấp cứu là một vấn đề cần làm ngay.
Thực tế buồn...
Tại cuộc hội thảo quốc tế về cấp cứu trước BV được BV Thanh Nhàn tổ chức ngày 11/11, ông Chính đã dẫn ra những con số đáng báo động: Năm 2009 và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2010, BV Thanh Nhàn đã có 82 trường hợp chết trước khi đến khoa cấp cứu, trong đó có 29 trường hợp chết do bệnh, 20 trường hợp chết do chấn thương và 33 trường hợp chết do các nguyên nhân khác. Như vậy, tính trung bình thì tuần nào cũng có bệnh nhân chết trước khi đến BV.
Năng lực cấp cứu trước bệnh viện có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. |
“Không ít trường hợp tử vong trước khi đến BV là do sơ, cấp cứu chưa kịp thời và không đúng phương pháp” - ông Chính khẳng định.
Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành y tế phải nâng cao hơn nữa năng lực đáp ứng sơ cấp cứu các bệnh nhân nói chung và tai nạn thương tích do tai nạn giao thông (TNGT) nói riêng nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong và các di chứng không đáng có.
Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, mỗi năm nước ta có 11.000-12.000 trường hợp tử vong do tai nạn. Và số lượng nạn nhân bị thương do TNGT cần phải sơ cấp cứu lên tới gần 50.000 người.
Theo tính toán, việc nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu TNGT thông qua việc đào tạo kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cứu dọc các tuyến đường nhằm cấp cứu kịp thời và đúng cách các trường hợp nạn nhân TNGT có nguy cơ tử vong cao, mỗi năm có thể giảm được 10% số người bị chết do TNGT, tương ứng với khoảng hơn 1.000 nạn nhân.
Và, trong một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Y tế Công cộng, chỉ 4% các ca tai nạn thương tích được đưa đến BV bằng xe cấp cứu, 52% các bệnh nhân không được cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Cấp cứu chấn thương được xử trí riêng rẽ giữa trung tâm cấp cứu và các BV, không có hệ thống thông tin liên lạc giữa trung tâm cấp cứu và các BV, xe cứu thương và các BV hoặc giữa các BV.
Đối với các cấp cứu nhi khoa, hệ thống cấp cứu trước BV cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. BV Nhi Trung ương tiếp nhận tới hơn 2.000 bệnh nhi cấp cứu hàng tháng. Điều đáng quan tâm là khoảng 0,3% số trẻ cấp cứu bị tử vong do cách xử trí ban đầu chưa đúng của người dân và cả y tế tuyến cơ sở trong quá trình cấp cứu và vận chuyển bệnh nhi lên tuyến trung ương.
Xây dựng Trung tâm điều phối cấp cứu - nhu cầu bức thiết
Cũng theo bác sĩ Chính, Hà Nội là nơi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, hội nghị trong nước và quốc tế quan trọng cần phải đảm bảo công tác cấp cứu y tế. Hiện nay lực lượng y tế phục vụ các hoạt động này được huy động từ các BV đóng trên địa bàn Hà Nội, việc bố trí như vậy gặp một số khó khăn như trang thiết bị không đồng bộ, tính chuyên nghiệp chưa cao, các BV vốn đã quá tải lại phải chịu thêm các áp lực về nhân sự trong thời gian phục vụ hội nghị.
Cùng với các thảm họa như lũ lụt, động đất, cháy, nổ, khủng bố sinh học, hóa học, có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và tại bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, để đáp ứng với các tình huống thảm họa đó, hệ thống cấp cứu ngoại viên hay cấp cứu trước BV đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cần thiết phải xây dựng Trung tâm điều phối cấp cứu, Trung tâm này sẽ liên tục cập nhật khả năng đáp ứng cấp cứu với từng loại bệnh, từng loại tai nạn thương tích của từng BV, và liên tục đảm bảo liên lạc thông suốt với các tổ cấp cứu trước BV để điều phối đưa bệnh nhân tới BV gần nhất có đủ khả năng cấp cứu ngay cho bệnh nhân.
Ngoài ra, “Trung tâm này cũng sẽ điều động tăng cường các tổ cấp cứu trước BV đến hỗ trợ khi tại hiện trường có quá đông bệnh nhân hoặc nạn nhân mà tổ cấp cứu trước BV đang có tại đó không đủ để đảm bảo cấp cứu kịp thời hiệu quả” - ông Chính nhấn mạnh.
Giải pháp hữu hiệu?
Để nâng cao năng lực cấp cứu trước bệnh viện, GS.Vũ Văn Đính (Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu - chống độc Việt Nam) đưa ra giải pháp: “Mỗi thành phố nên có một trung tâm đào tạo kỹ thuận viên cấp cứu chuyên phục vụ công tác cấp cứu trước bệnh viện, từ cấp cứu cá nhân đến cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm họa. Tất cả những người làm công tác phục vụ sức khỏe, an ninh trật tự của thành phố như cảnh sát, cứu hỏa, bộ đội cảnh vệ, bảo vệ sân bay, sân cỏ đều phải học về kỹ thuật cấp cứu cơ bản.
Điều quan trọng là phải có Lực lượng kỹ thuật viên cấp cứu chuyên nghiệp thực sự, được đào tạo và được quốc tế ủng hộ, công nhận…Muốn nâng cao tay nghề, các kỹ thuật viên cấp cứu sẽ phải học thêm nhiều kiến thức về cấp cứu, sơ cứu (bao gồm cả cao cấp và trung cấp). Trên xe cấp cứu sẽ không còn bác sĩ, điều dưỡng nữa, mà chỉ còn 1 lái xe và 2 kỹ thuật viên cấp cứu. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ trực ở bệnh viện và ở Trung tâm 115 thường xuyên liên lạc với trực bệnh viện”.
Bác sĩ Đặng Văn Chính lạc quan: “Nếu như chúng ta có trung tâm điều phối cấp cứu và tổ chức tốt hệ thống cấp cứu trước bệnh viện thì sẽ giải quyết tốt công tác cấp cứu kịp thời đúng phương pháp. Quan trọng hơn là giảm tải tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn và giảm tỉ lệ tử vong, nhất là tử vong trước bệnh viện, hạn chế di chứng cho người bệnh. Hiện Bệnh viện Thanh Nhàn đã cử cán bộ đi học trước đây 1 năm và nhận được sự quan tâm lớn từ các lãnh đạo và chuyên gia nước ngoài để phát triển lâu dài công tác cấp cứu trước bệnh viện.
Về chủ trương nêu trên của lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu (Bộ trưởng Bộ Y tế) cho biết: “Bộ ủng hộ chủ trương này và hoan nghênh sự hợp tác của các chuyên gia đầu ngành của nước Mỹ. Sự giúp đỡ về cơ sở vật chất và kinh nghiệm sẽ là điều rất cần thiết để cải thiện công tác chăm sóc, cấp cứu cho nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Trước tình trạng dân số tại các thành phố lớn ngày một tăng nhanh cùng áp lực về phương tiện cũng như nhu cầu cấp cứu thì công tác cấp cứu bằng phương tiện ô tô 115 chưa thực sự hiệu quả. Việc xây dựng và phát triển công tác cấp cứu trước bệnh viện sắp tới theo mô hình này là một việc làm cần thiết để phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày một tốt hơn.
Trà Long - Ngọc Trìu