(HPĐT)- Chiều 24-9, Thường trực HĐND thành phố giám sát việc thực hiện Luật khoáng sản và Nghị quyết HĐND thành phố về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì buổi làm việc; cùng dự có Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại.
Trên địa bàn thành phố, chỉ có một số khoáng sản có khả năng khai thác công nghiệp, gồm: đá vôi 500 triệu tấn, sét gạch ngói 10,5 triệu tấn, sét xi-măng 80 triệu m3, si-líc 64,6 triệu tấn, vật liệu san lấp có thể khai thác 100 triệu m3/năm. Từ 1-10-2005 đến 29-4-2009, trên địa bàn thành phố có 37 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản; từ 2005 đến tháng 9-2005 có 18 đơn vị cấp phép thăm dò khoáng sản và 2 đơn vị cấp giấy phép chế biến khoáng sản. Từ đầu năm đến nay, có thêm 8 đơn vị được cấp giấy phép khai thác, thăm dò mới. Sở chủ trì lập quy hoạch khoang vùng cấm hoạt động khai thác khoáng sản, thăm dò, chế biến và sử dụng khoáng sản. Việc quản lý khoáng sản còn hạn chế: Nhiều quy định, chính sách trong hoạt động khoáng sản còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; công tác hậu kiểm sau cấp phép chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền các quy định pháp luật chưa thường xuyên, chưa sâu…
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại, nhu cầu sử dụng các loại khoáng sản rất lớn, trong khi nguồn có hạn. Nếu không có biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển chung và nhiều lĩnh vực khác.
Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận, đóng góp của Sở Tài nguyên-Môi trường đối với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoáng sản. Tuy vậy, chất lượng hoạt động chưa bảo đảm yêu cầu, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Thời gian tới, Sở phối hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phường rà soát quy hoạch, kiến nghị Trung ương và thành phố những vấn đề không hợp lý, sớm công khai quy hoạch; rà soát thu hồi giấy phép hết hạn, không triển khai; xây dựng tiêu chí bảo đảm yêu cầu, điều kiện được cấp phép khai thác, thăm dò, chế biến khoáng sản; đấu thầu công khai các dự án khai thác, thăm dò, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm ảnh hưởng cảnh quan môi trường; đặc biệt chú trọng hơn công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến cộng đồng./.