Theo đó, nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể.
Phát triển nông thôn không thể thiếu văn hóa
Tại Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã khẳng định những quan điểm sau: Nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc; là không gian mở, con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên... Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn... Cùng với đó, nông thôn cần được xem là một miền di sản, là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc.
Những quan điểm trên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn văn hoá, truyền thống trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhất là khi Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, sở hữu bề dày lịch sử xây dựng và phát triển đất nước gắn với nền văn minh lúa nước. Trải qua các giai đoạn, nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cần phải cân bằng giữa bảo tồn và phát triển khu vực nông thôn một cách bền vững.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 là giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, xây dựng nông thôn mới gắn với Bộ tiêu chí quốc gia theo hai nhóm nội dung về phát triển văn hóa nêu trên. Trong đó, Chương trình xác định rõ mục tiêu “xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc”. Đồng thời, Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2010 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định các quan điểm phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới không thể thiếu văn hoá. Đơn cử, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, đời sống cơ bản có chất lượng tiến gần đô thị; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, an ninh trật tự được giữ vững; phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Lưu giữ văn hóa, trân quý truyền thống
Với một hệ thống chính sách, pháp lý tương đối hoàn chỉnh về phát triển nông thôn và nông thôn mới, sau hơn một thập kỷ tích cực triển khai, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tín hiệu tích cực có thể kể đến: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng qua các năm, năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016;... Trong đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá luôn được quan tâm, chú trọng, thể hiện trong những thành tựu đạt được về hai tiêu chí “Phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa trong nông thôn” và “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn”.
Cụ thể, các địa phương đã quan tâm đến xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa bằng nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt và sáng tạo; kết hợp vừa xây mới, vừa nâng cấp, cải tạo và tận dụng sử dụng những thiết chế cơ sở hạ tầng có sẵn như đình, chùa, hội trường ủy ban, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc... Năm 2020, cả nước đã có trên 79% số xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao xã; có trên 72.952 thôn (khoảng 79,2%) có nhà văn hóa, khu thể thao thôn; đã có 6.460 xã (chiếm 78,5%) đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Mặt khác, đời sống văn hoá của người dân nông thôn liên tục được cải thiện. Năm 2020, cả nước đã có 7.495 xã (91%) đạt tiêu chí về văn hóa theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (vượt 15,1% so với mục tiêu 5 năm giai đoạn 2016 - 2020). Người dân được xác định vừa là chủ thể trong sáng tạo vừa là đối tượng hưởng thụ các giá trị văn hóa. Do đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Điển hình là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi và phát triển, nhất là các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương