Thông tin, số liệu dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là những thông tin ghi chép ban đầu hoặc tổng hợp, số liệu thống kê cũng như về các hoạt động công tác DS-KHHGĐ. Những thông tin, số liệu này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định chính sách, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Việc sử dụng thông tin, số liệu không chỉ bó hẹp trong cơ quan DS-KHHGĐ mà còn phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Cộng tác viên tham gia tập huấn dân số. |
Gần 10 năm qua, công tác thống kê dữ liệu dân số trên địa bàn thành phố Đà Năng đã thực sự phát huy hiệu quả. Qua số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và 2009 đã chứng minh dữ liệu thông tin dân số đã góp phần tích cực trong việc tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đề ra các quyết định, chính sách phát triển kinh tế-xã hội; giảm áp lực gia tăng dân số, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.
Hệ thông tin quản lý dữ liệu dân số là mạng lưới thống nhất, được duy trì thường xuyên. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc thu thập, xử lý, phân tích, lưu trữ và cung cấp những thông tin, số liệu bảo đảm tính chính xác cao. Mạng lưới thu thập thông tin được gắn liền với mạng lưới cộng tác viên làm công tác truyền thông, thu thập thông tin và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ từ tổ dân phố đến các cấp xã, phường, quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Yêu cầu quan trọng của công tác dữ liệu dân cư là thông tin số liệu phải đầy đủ, kịp thời, chính xác, phản ánh khách quan thực trạng tình hình, làm căn cứ thực tiễn để nghiên cứu, giám sát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, quản lý và điều hành công tác DS-KHHGĐ một cách khoa học. Các biểu mẫu thu thập thông tin đã được xây dựng bảo đảm khả năng xử lý thủ công cũng như xử lý trên máy tính. Phần mềm của thông tin về DS-KHHGĐ được xây dựng trên cơ sở chế độ ghi chép ban đầu của cộng tác viên về từng cá nhân trong từng hộ gia đình, theo dõi và ghi chép thông tin biến động dân số của từng hộ, từng cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Mọi thông tin được cộng tác viên ghi chép đầy đủ và báo cáo lên xã, phường. Phần mềm sẽ thực hiện nhập số liệu, lập báo cáo từ cấp xã, phường lên đến trung ương.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 2.275 tổ dân phố và thôn, trong khi đó số cộng tác viên DS chỉ có 1.259 người, vậy một cộng tác viên phải thường xuyên theo dõi cập nhập thông tin khoảng 170 hộ gia đình. Do đó, công việc của cộng tác viên rất nặng nề, phức tạp trong việc quản lý dân cư, vì tình hình dân số hiện nay thường xuyên biến động, địa bàn dân cư rộng, lại bị ảnh hưởng bởi việc chỉnh trang đô thị. Trường hợp các bà mẹ đi làm ăn xa, sinh con nơi khác nhưng về đăng ký khai sinh tại địa phương cũng chưa được theo dõi chu đáo. Một số địa phương việc cập nhập thông tin biến động sinh, biến động chết, biến động đi - đến, tình trạng hôn nhân cũng chưa được chính xác, do cộng tác viên DS-KHHGĐ thay đổi liên tục, chưa được kinh qua đào tạo.
Trước tình trạng trên, Chi cục DS - KHHGĐ thành phố đã xây dựng hoàn chỉnh được kho dữ liệu dân cư tại thành phố. Quản trị mạng nội bộ tại Chi cục DS-KHHGĐ có 14 máy tính. Kho dữ liệu dân cư tại các quận, huyện được trang bị đầy đủ và có cán bộ trình độ chuyên ngành theo dõi, phụ trách. Ngoài ra, cán bộ các cấp được tập huấn và hướng dẫn chương trình nhập dữ liệu trên máy tính về thông tin chuyên ngành. Đội ngũ cộng tác viên mới được trang bị những kiến thức về ghi chép sổ hộ gia đình, tư vấn cho người dân về tình hình phát triển dân số và các biện pháp tránh thai hiện đại.
Công tác cập nhật thông tin, dữ liệu dân số cơ bản đã được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở các dữ liệu dân số này, sẽ hỗ trợ đắc lực cho các địa phương, đơn vị hoạch định chính sách cũng như việc điều hành quản lý xã hội tốt hơn.
Mai Hoa