Trong thời kỳ CNH-HĐH, cùng với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, ngành Y tế Hải Phòng có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển rộng khắp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, cơ sở vật chất được tăng cường, các loại hình dịch vụ y tế trong phòng bệnh, chữa bệnh và cung ứng thuốc phát triển rất đa dạng, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế về mọi mặt, bước đầu đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân thành phố và một số địa phương lân cận, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH thành phố Hải Phòng nói riêng và vùng duyên hải Bắc Bộ nói chung.
5 năm qua, công tác y tế, nên công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân thành phố đạt được những thành tựu quan trọng. Ngành không để bệnh dịch nguy hiểm bùng phát, lan rộng, nhất là kịp thời khống chế dịch SARS, cúm A (H5N1), cúm AH1N1, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết… Việc phòng chống các bệnh không nhiễm khuẩn: tim mạch và tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư, tâm thần, nghiện hút, các bệnh cơ xương, khớp, tai nạn, chăm sóc người cao tuổi và khắc phục các hậu quả sức khoẻ do chiến tranh để lại được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Những kết quả này là nhờ ngành Y tế thành phố tích cực, chủ động phòng bệnh từ xa.
Công tác quản lý bệnh viện tiếp tục được chấn chỉnh một bước nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Quy tắc ứng xử của Bộ Y tế. Ngành sắp xếp lại hệ thống phòng khám đa khoa khu vực, giảm từ 30 xuống còn 10 phòng khám, đa dạng hoá các loại hình tổ chức chăm sóc sức khoẻ, huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Nhờ vậy, diện mạo các cơ sở khám, chữa bệnh khang trang hơn, trang thiết bị được bổ sung, hiện đại hoá từng bước. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên sâu, góp phần quan trọng vào việc chẩn đoán sớm, điều trị khỏi được một số bệnh mà trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Trong 5 năm gần đây, ngành tích cực ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị bệnh như: ghép thận tự thân, phẫu thuật tim hở, nối bàn tay đứt rời, phẫu thuật nội soi, phaco, thay khớp, thay khớp gối, triển khai kỹ thuật can thiệp tim và mạch máu; thực hiện thành công phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện bình quân mỗi người dân được khám bệnh 3 lần/năm. Phụ nữ được khám thai bình quân 5 lần/năm. Ngành đang tích cực chuẩn bị thành lập Trung tâm Ung bướu, góp phần điều trị cho nhân dân thành phố và các địa phương lân cận.
Công tác quản lý dược và thiết bị y tế tiếp tục được tăng cường. Ngành bảo đảm phần lớn nhu cầu thuốc phục vụ công tác chữa bệnh, không có thuốc giả, thuốc kém phẩm chất.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân thành phố được cải thiện một bước. Tuổi thọ bình quân của người dân thành phố tăng lên 74,6, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống 19%. Một số chỉ số sức khoẻ của Hải Phòng đạt mức của các nước có thu nhập hơn ta nhiều lần. Các bệnh dịch và bệnh truyền nhiễm ngày càng được kiểm soát chặt chẽ.
Sự nghiệp CNH-HĐH thành phố đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành Y tế. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường sống, cơ sở hạ tầng y tế chưa đồng bộ, thiếu thốn, hệ thống xử lý nước thải của các bệnh viện chưa đáp ứng tiêu chuẩn, việc chuẩn hóa hoạt động y tế tuyến xã còn nhiều khó khăn do cơ sở vật chất thiếu, đội ngũ thiếu và không đáp ứng yêu cầu; chế độ chính sách đối với cán bộ y tế chưa phù hợp; cơ chế quản lý ngành còn lúng túng, thiếu các cơ sở y tế chất lượng điều trị cho người có điều kiện kinh tế; nhân dân còn kêu ca, phàn nàn về tinh thần và thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế. Công tác xã hội hóa các hoạt động y tế chưa được tiến hành thường xuyên, chưa tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ. Đời sống của nhân viên y tế còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung, cường độ làm việc cao, tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh.
Người xưa đã dạy ”Sức khỏe là vốn quý của con người”. Để nâng cao chất lượng công tác y tế, mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và phát triển giống nòi, đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm y tế vùng duyên hải Bắc Bộ, ngành Y tế thành phố tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Nâng cao năng lực của hệ thống Y tế dự phòng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, từng bước khống chế, tiến tới thanh toán các bệnh lây nhiễm, không để dịch bùng phát, lan rộng. Chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm các bệnh của xã hội hiện đại như: tim mạch, ung thư, tiểu đường, tai nạn, ngộ độc, tự tử... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cao năng lực Trung tâm Y tế dự phòng thành phố.
Tăng cường các hoạt động cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh lao động dựa trên nguyên tắc phối hợp liên ngành, đẩy mạnh xã hội hoá, kết hợp giữa Trung ương với địa phương, trong đó ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt.
Duy trì các kết quả của chương trình y tế quốc gia có mục tiêu đã thanh toán bệnh phong, bại liệt, uốn ván, bướu cổ trẻ em ... triển khai bổ sung tiêm chủng thêm một số vắc xin phòng bệnh tả, lỵ, viêm gan B, viêm não ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở và phát triển cán bộ y tế cộng đồng tại thôn, đội đạt tiêu chuẩn về trình độ, trang bị chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế. Đổi mới về cơ bản phương pháp làm việc và điều hành của tuyến y tế cơ sở theo phương châm tập trung cho y học dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ngay tại cộng đồng. Duy trì ổn định số bác sĩ công tác tại trạm y tế cơ sở.
Tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh dựa vào việc tổ chức sắp xếp lại mạng lưới khám chữa bệnh. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua qua việc tiêu chuẩn hoá cơ sở điều trị, trang thiết bị chuyên môn, điều kiện phương tiện làm việc và đội ngũ cán bộ. Ưu tiên hợp lý cho việc tăng cường các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và cấp cứu hồi sức phù hợp với phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế và khả năng của thành phố ở các khu công nghiệp mới, đô thị mới, ngoại thành. Phát triển hợp lý một số trung tâm y tế kỹ thuật cao, hiện đại để chăm sóc sức khoẻ nhân dân thành phố, phấn đấu trở thành Trung tâm y tế của vùng duyên hải Bắc bộ.
Kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống tổ chức y tế địa phương phù hợp với tình hình thực tế.
Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế, khuyến khích phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ; hệ thống khám chữa bệnh cần từng bước chuyển hướng hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ bằng nhiều hình thức, huy động sự tham gia của nhiều ngành, cấp, các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các kiến thức phổ thông về sức khoẻ và bảo vệ sức khoẻ, lối sống hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường./.
Phan Trọng Khánh
Giám đốc Sở Y tế
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu