Cần đánh giá cán bộ một cách thực chất
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm, đề ra nhiều định hướng quan trọng đối với công tác cán bộ. Trong bối cảnh Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII ra đời cách đây 20 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, Thứ trưởng cho rằng điều đó đem lại rất nhiều trăn trở rằng “tại sao 20 năm trước Trung ương đánh giá tình hình cán bộ như thế mà bây giờ vẫn như thế, giải pháp vẫn trúng”. Điều trăn trở này càng đặc biệt với các cơ quan tư pháp bởi theo Thứ trưởng đây là những người chuyển hóa tư tưởng, chủ trương, chính sách của Đảng vào pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Ngọc cho rằng, việc triển khai Nghị quyết đã được Bộ thực hiện khá tốt thời gian qua, trong quá trình này đã xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện và hiện đang tổng kết 20 năm thực hiện. Dự thảo báo cáo tổng kết lần này tiếp tục được tổng hợp từ cơ sở nên Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải tham gia tích cực, trách nhiệm để xây dựng chiến lược cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp xứng tầm, đáp ứng được những đòi hỏi của công tác tư pháp hiện nay. Từng giữ cương vị Thủ trưởng đơn vị nên Thứ trưởng Ngọc thấu hiểu những khó khăn của người đứng đầu đơn vị đối với công tác cán bộ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng đã đến lúc phải trao đổi thẳng thắn với nhau, đánh giá cán bộ một cách thực chất để quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế.
Trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà cho rằng, công tác cán bộ của Bộ Tư pháp thời gian qua, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Kể từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng, nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác tổ chức cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định, quy chế, hướng dẫn mang lại nhiều chuyển biến tích cực và có hiệu quả trong thực tiễn. Nhiều văn bản, đề án mới về công tác cán bộ của Bộ Tư pháp được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, so sánh và áp dụng các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự cũng như đáp ứng các yêu cầu về quản lý ngành vì trước đây các tiêu chuẩn, mã số ngạch được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Mạnh dạn đào tạo những sinh viên có tố chất
Bên cạnh đó, theo bà Hà, công tác tổ chức cán bộ nói chung và từng khâu của công tác cán bộ nói riêng còn nhiều hạn chế. Cụ thể là, việc nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn khâu yếu, nội dung tiêu chí đánh giá còn chung chung, chưa định lượng; nhận xét, đánh giá phân loại cán bộ còn nể nang. Một số đơn vị chậm đổi mới cơ chế, chưa chú trọng công tác đánh giá trước khi giới thiệu nhân sự đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm. Một số nơi vẫn còn có tư tưởng cục bộ, khép kín nên kém nhiệt tình ủng hộ, chưa chủ động tạo điều kiện cho công chức được luân chuyển đến cơ quan, đơn vị mình…
Cùng với việc thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, lãnh đạo các đơn vị cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ hiện nay, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó có khoa học pháp lý. Ngoài ra, sớm xây dựng quy hoạch chuyên gia đầu ngành về khoa học và công nghệ trong Bộ, ngành và dành đầu tư thỏa đáng cho đội ngũ nhân sự được quy hoạch.
Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển lại quan tâm đến đề cao tính kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức vì nếu không thực hiện nghiêm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Ông Hiển kiến nghị tới đây phải rà soát các nội quy, quy chế, quy trình nhằm cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, đánh giá được mức độ hoàn thành công việc hàng năm, kiểm tra giám sát việc thực hiện văn hóa công sở cũng như thực hiện các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba thì cho rằng, việc thu hút cán bộ từ các cơ quan khác về Bộ Tư pháp hiện nay không phải dễ dàng. Do đó, nên chăng Bộ Tư pháp cần có những giải pháp mạnh dạn như đào tạo cho những sinh viên có tố chất ngay từ đầu để tiếp bước thế hệ cán bộ đi trước một cách thành công.