Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TNBTCNN năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TNBTCNN, thi hành các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và tạo sự đồng bộ, thống nhất với các luật mới được Quốc hội ban hành, thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi với quy trình, thủ tục thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Theo Thứ trưởng, ngoài việc kế thừa các quy định của Luật năm 2009, Luật năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới phù hợp với định hướng, mục tiêu xây dựng Luật và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. “Các nội dung cơ bản của Luật năm 2017, nhất là những điểm mới, quan trọng được trình bày tại Hội nghị chắc chắn sẽ giúp cho đại biểu các bộ, ngành và cơ quan chính quyền địa phương hiểu đúng hơn nội dung của Luật và thấy được những cơ hội và thách thức trong tổ chức thi hành Luật để từ đó xây dựng kế hoạch triển khai thi hành phù hợp” – Thứ trưởng Ngọc mong muốn.
Giới thiệu những điểm mới, các nội dung được sửa đổi, bổ sung toàn diện của Luật năm 2017, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn khẳng định ý nghĩa quan trọng của Luật này trong hoàn thiện thể chế điều chỉnh TNBTCNN. Đáng chú ý, Luật năm 2017 đã mở rộng đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường và quy định rõ ràng hơn từng nhóm đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường.
Cụ thể là những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường (gồm người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại điện theo pháp luật mà Bộ luật Dân sự quy định) và những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền của những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường.
Đặc biệt, với tinh thần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần… Trong đó, có những thiệt hại lần đầu được quy định như khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; thiệt hại là chi phí khác được bồi thường…
Tham dự Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận, chia sẻ những thông tin, cách thức triển khai của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức thi hành Luật TNBTCNN được hiệu quả. Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (VKSNDTC) Hoàng Thị Quỳnh Chi thì giới thiệu các trường hợp thuộc trách nhiệm bồi thường của VKSND theo Luật năm 2017. Theo bà Chi, VKSND có trách nhiệm tham gia vào việc giải quyết bồi thường nhà nước của các cơ quan khác trong hoạt động tố tụng, là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường tại Tòa án…
Bà Bùi Thị Hương (Bộ Công an) đề xuất một số giải pháp triển khai có hiệu quả Luật năm 2017 trong ngành Công an. Chẳng hạn, sẽ tiếp tục và tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ giải quyết bồi thường và thực hiện nghiêm túc Luật TNBTCNN gắn với thực tiễn công tác của các lực lượng trong Công an nhân dân. Bên cạnh đó là tăng cường công tác phối kết hợp với các bộ, ngành có liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, trước hết là giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng.