* Ông Nguyễn Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu: Xây dựng cán bộ “đủ tâm, đủ tầm”
Với chính sách của thành phố về công tác quản lý, luân chuyển, cũng như sử dụng cán bộ trẻ đã đạt những thành tựu tích cực trong công tác tại các địa phương. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ trong khối chính quyền cơ sở ngày càng nhiều và đã chứng tỏ năng lực của bản thân. Theo đó, công tác Mặt trận tại cấp phường, quận được thành phố quan tâm và hoạt động hiệu quả rõ rệt.
Đại hội lần này, tôi rất mong thành phố tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có “đủ tâm, đủ tầm”, đáp ứng đúng yêu cầu của công việc, tiếp thu kinh nghiệm của thế hệ đi trước để công tác hiệu quả hơn. Đồng thời, trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ, thành phố cần lưu tâm đến việc giáo dục đạo đức, chính trị cho đội ngũ cán bộ mới, đặc biệt là cán bộ trẻ, giúp họ thấy rõ ý thức, trách nhiệm trong công việc. Qua đó, thành phố cần lưu tâm đến việc xây dựng hội đồng phản biện trong chính quyền, đặc biệt trong khối Mặt trận và các đoàn thể tại cơ sở. Nhiệm vụ của hội đồng phản biện này là nhằm xây dựng và nâng cao trách nhiệm trong xây dựng chính quyền, có những đóng góp thiết thực nhằm xây dựng chính quyền tại cơ sở ngày càng vững mạnh.
Tôi và anh em công tác lâu năm trong khối Dân vận-Mặt trận từ trước đến nay mong muốn rằng có sự bình đẳng giữa khối chính quyền và khối Dân vận-Mặt trận. Trước nay, vấn đề quan hệ và dưới cái nhìn của một số cá nhân đã tạo ranh giới giữa hai khối này. Vì thực tế cho thấy rằng, khối Dân vận-Mặt trận còn phụ thuộc vào bên chính quyền nên trong quá trình công tác không chủ động, thiếu linh hoạt, chậm trễ do phải xin kinh phí. Đại hội lần này, chúng tôi mong thành phố xem xét để tạo sự bình đẳng và thống nhất giữa hai khối trên, qua đó tạo động lực góp phần tăng cường hiệu quả công tác trong chính quyền tại cơ sở. Nguyễn Hương (ghi)
* Cụ LÊ ĐÌNH SIÊU, ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu: Cần xây dựng những công trình lớn, mang tính đột phá
Những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực và đạt thành quả to lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, làm cho thành phố thay da đổi thịt từng ngày và nhân dân rất phấn khởi. Tôi mong Đại hội lần này sẽ có chủ trương về xây dựng những công trình lớn, mang tính đột phá, để đưa Đà Nẵng phát triển xứng tầm là thành phố động lực của miền Trung và sánh vai với các thành phố lớn ở hai đầu đất nước.
Theo tôi nghĩ, phải tiếp tục có những công trình tầm cỡ như cáp treo Bà Nà (2 kỷ lục quốc gia) hay công trình cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý… thì thành phố mới tạo được những bứt phá trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút được nhiều khách du lịch, tạo ra dấu ấn riêng của Đà Nẵng trong lòng du khách và chính người dân Đà Nẵng. LÊ VĂN THƠM (ghi)
* Ông Nguyễn Thành Hòa, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu): Xử lý dứt điểm các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường
Tại Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, chủ trương của thành phố là tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường vào năm 2020, điều này cho thấy sự quyết tâm của thành phố trong việc phát triển kinh tế gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, nhìn chung các “điểm nóng” về ô nhiễm trên địa bàn cơ bản đã được các ngành chức năng của thành phố xử lý khá tốt.
Tuy nhiên, hiện một số điểm trong khu công nghiệp, bãi biển, các khu dân cư mới, đặc biệt là các vùng nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa mạnh đã và đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, tại một số KCN, nguồn nước thải, khí thải của các nhà máy chưa được xử lý vẫn thải ra bên ngoài. Nhiều vùng nông thôn, rác chưa được xử lý tốt. Nước thải của các nhà hàng, quán nhậu thải ra trên một số bãi biển.
Vì vậy, để thực hiện thành công đề án xây dựng Thành phố môi trường vào năm 2020, thành phố cần lựa chọn các dự án sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần có chế tài mạnh đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp có nhiều sáng kiến trong công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng phải giải quyết dứt điểm các “điểm nóng” về môi trường còn tồn tại; xử lý kịp thời các điểm ô nhiễm mới phát sinh. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ môi trường. Trọng Hùng (ghi)