Cụ thể, nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định do thiếu ô-xy.
Trước đó, từ ngày 1/10, kênh Đa Cô đã xuất hiện hiện tượng cá chết nổi trắng kênh. Đến chiều ngày 2/10, lượng cá chết nhiều hơn, bốc mùi hôi thôi nồng nặc. Ngay sau đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng huy động nhiều công nhân vớt nhằm tránh bị ô nhiễm lây lan.
Theo ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, đây là một tuyến kênh đặc thù với nhiều nguồn nước chảy về như: nước thải từ bãi rác Khánh Sơn, lò giết mổ gia súc tập trung của TP và cả nước thải sinh hoạt của người dân...Vị trí cá chết được xác định nằm cuối tuyến kênh nên địa phương rất khó xác định được nguyên nhân của sự cố cá chết vừa qua.
Thời điểm trên, ông Nhân cho biết, số lượng cá chết được xác định khoảng 4-5 xe bò và chủ yếu cá rô phi lớn. Qua các ngày sau (3,4/10) UBND phường Hòa Minh ghi nhận tình trạng cá chết đã giảm và chỉ xuất hiện lác đác.
Sau khi tiến hành kiểm tra, xử lý, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP. Đà Nẵng thông tin, trên tuyến kênh Đa Cô lâu nay đã có tình trạng bùn lắng. Nguyên nhân do nước thải từ người dân đổ xuống kênh và cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, từ đó dẫn đến hàm lượng ô xi trong nước dưới ngưỡng bình thường và xảy ra tình trạng cá chết.
Trước những bức xúc của người dân về tình trạng các DN trên địa bàn và người dân liên tục xả nước thải trực tiếp xuống lòng kênh Đa Cô gây ô nhiễm trong thời gian qua, ông Mã cho rằng, hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư gom nước thải trong dân cư và từ các DN về tập trung tại nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc xử lý. Vì thế, tình trạng ô nhiễm sẽ được cải thiện.