Xả súng kinh hoàng: Thảm kịch bắt nguồn từ quyền sử dụng vũ lực của cảnh sát

Biểu tình hòa bình trước xả súng
Biểu tình hòa bình trước xả súng
(PLO) -12 cảnh sát bị thương, 5 trong số đó thiệt mạng, hai người dân bị thương. Vụ nổ súng vào khoảng 8h45 hôm 7/7 (khoảng 21h đêm 7/7 theo giờ địa phương) ở Dallas (bang Texas, Mỹ) là vụ tấn công nhằm vào cảnh sát kinh hoàng nhất ở Dallas kể từ khủng bố 11/9/2001. Khi đó, 72 sĩ quan thiệt mạng trong lúc ứng phó với cuộc tấn công khủng bố tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Cảnh sát Dallas khẳng định các nghi phạm đã trà trộn vào dòng người biểu tình ở trung tâm Dallas, với đối tượng tấn công rõ ràng là lực lượng hành pháp.

Đấu súng 45 phút giữa cảnh sát và một nghi phạm

Thời điểm các tay súng ra tay là khoảng 21h địa phương, gần với thời gian kết thúc theo dự kiến của cuộc tuần hành. Vụ biểu tình ở Dallas là một trong số nhiều hoạt động tương tự diễn ra trên khắp nước Mỹ để phản đối việc cảnh sát bắn chết hai người Mỹ gốc Phi tại các bang Minnesota và Louisiana liên tiếp hai ngày trước đó.

Khoảng 19h, hàng nghìn người ở thành phố Dallas đổ xuống đường phố biểu tình hòa bình để phản đối việc cảnh sát Mỹ nổ súng bắn chết hai người da màu chỉ trong hai ngày trước đó. Cuộc biểu tình bắt đầu một cách yên bình tại công viên Belo ở trung tâm thành phố.

Đám đông biểu tình, chủ yếu là các gia đình, sau đó tuần hành dọc theo các tuyến phố. Chính quyền Dallas đã huy động đông đảo cảnh sát đến phân luồng giao thông và đảm bảo an toàn cho những người biểu tình.

Vào thời điểm cuộc tuần hành sắp kết thúc, cảnh sát ước tính khoảng 800 người đã tham gia sự kiện này. Chính quyền địa phương đã huy động khoảng 100 cảnh sát để giữ trật tự.

Cảnh sát tại hiện trường
Cảnh sát tại hiện trường

Đến 20h58, các tay súng bắn vào cảnh sát từ hai vị trí khác nhau. Cảnh sát trưởng Dallas cho biết, các nghi phạm đã phục kích sẵn và lợi dụng đoàn người biểu tình để ra tay. Một số cảnh sát bị bắn từ sau lưng.

Nhân chứng cho biết nhiều tiếng súng vang lên, người tham gia biểu tình bỏ chạy trong hoảng loạn. Một phụ nữ cho biết cô nghe thấy có ít nhất 30 phát súng.

Giới chức Dallas khẳng định mục tiêu của các tay súng là làm bị thương và sát hại càng nhiều cảnh sát càng tốt. Sự phân chia vị trí và cách các nghi phạm ra tay cho thấy vụ việc đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Sau khi vụ tấn công xảy ra, chính quyền Dallas đã tăng cường lực lượng phản ứng nhanh đến hiện trường, một mặt vừa sơ tán đám đông, vừa nỗ lực truy tìm nghi phạm bắn tỉa.

Khoảng 23h45, một nghi phạm bị cảnh sát bao vây ở một gara gần Đại học El Centro. Cảnh sát tin rằng người này là một trong những kẻ tấn công và đã đàm phán với nghi phạm.

Cảnh sát cho biết, nghi phạm đã đe dọa sẽ tấn công nhiều cảnh sát hơn nữa. Nghi phạm còn đe dọa mang theo các túi bom đã cài sẵn ở bãi đậu xe này, cũng như tại nhiều khu vực khác rải rác trung tâm Dallas. Nghi phạm nói "mọi chuyện sắp kết thúc". 

Cảnh sát bắt đầu thương lượng với anh ta vào khoảng 23h45 giờ địa phương. Nghi phạm đe dọa làm tổn thương nhiều cảnh sát và tuyên bố đã gài bom trong gara và khắp trung tâm thành phố Dallas. Cuộc đàm phán diễn ra trong khi hai bên đấu súng suốt 45 phút.  

Theo CNN, một nhân chứng nói đã quay được tay súng từ ban công khách sạn ở trung tâm Dallas phía bên kia đường, cách đối tượng 45m. Anh mô tả tay súng mặc quần và áo chiến thuật, cầm khẩu súng trường AR-15, với "băng đạn khá lớn".

"Hắn ra khỏi đó, bước tới cái cột, cho băng đạn vào và bắt đầu bắn. Trông vụ việc như đã lên kế hoạch trước. Hắn biết phải đứng ở đâu, hắn có đạn dược sẵn sàng", nhân chứng kể. Anh cho biết, tay súng đứng cạnh cột màu trắng, xả đạn sang bên trái và phải, như đang cố gây chấn động, cố thu hút sự chú ý của cảnh sát.

Khi một sĩ quan tìm cách giao chiến một chọi một với tay súng, người này trúng nhiều phát đạn ở cự ly gần. "Trông như một cuộc hành quyết. Sau khi anh ấy đã nằm gục xuống, hắn bắn anh 3-4 lần vào lưng. Nhìn thật kinh khủng", nhân chứng nói. "Hắn bắn mà không e sợ. Hắn chẳng quan tâm. Sĩ quan cảnh sát không thể làm hắn bị thương". 

Tay súng này sau đó được cảnh sát xác nhận đã chết vì bom do lực lượng thực thi pháp luật kích hoạt. Cảnh sát đã giao gói đồ khả nghi mà nghi phạm mang theo cho đội rà phá bom. Dù những vụ tấn công xảy ra trong cuộc biểu tình phản đối cảnh sát, nhà chức trách vẫn chưa khẳng định liệu các tay súng có liên quan như thế nào với những người tuần hành hoặc ban tổ chức sự kiện này.

Cảnh sát cũng phát hiện hai nghi phạm khác lén trốn lên một chiếc Mercedes màu đen đậu ở gần đường Lamar. Các đối tượng lái xe với tốc độ rất nhanh. Cảnh sát đã đuổi theo suốt quãng đường khoảng 10km. Các lực lượng đã phối hợp để chặn xe của các nghi phạm và bắt giữ. Ngoài ra, cảnh sát cũng bắt một nữ nghi phạm. 

Tuy nhiên, đến 0h30 ngày 8/7 (giờ địa phương), đại diện đội điều tra nói vẫn chưa thể khẳng định tất cả nghi phạm bị bắt đều là những kẻ đã bắn súng vào cảnh sát.

Cảnh sát kêu gọi người dân ủng hộ

Tại cuộc họp báo đầu tiên về vụ 12 cảnh sát Mỹ bị bắn, giám đốc Sở Cảnh sát Dallas (DPD) David Brown cho biết một trong những nghi phạm đụng độ với cảnh sát đã chết vì bom chứ không phải tự sát.

Nghi phạm Micah X. Johnson
Nghi phạm Micah X. Johnson

"Cảnh sát và nghi phạm đã đấu súng với nhau. Sau khi nhận thấy không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi quyết định sử dụng robot đưa bom đến gần nơi đứng của nghi phạm và kích nổ. Những kế hoạch khác sẽ buộc các cảnh sát của chúng tôi đối mặt với nguy hiểm.

Do vậy, nghi phạm chết là do nổ bom", ông Brown giải thích. Một chuyên gia về robot tại Trung tâm Mỹ mới nói rằng cảnh sát Dallas dường như là cơ quan hành pháp đầu tiên sử dụng robot để làm nhiệm vụ tiêu diệt.

CNN cho biết, giám đốc DPD nói động cơ tấn công của nghi phạm là "y muốn giết người da trắng, đặc biệt là những cảnh sát da trắng". "Nghi phạm hành động một mình, do y phẫn nộ vì những vụ cảnh sát bắn chết người da đen gần đây", ông Brown nói. Phần lớn các cảnh sát bị thương trong vụ tấn công đều đã được ra viện.

"Tôi mong muốn sớm kết thúc sự chia rẽ giữa lực lượng cảnh sát và công dân của chúng ta. Chúng tôi không cảm thấy có được sự hỗ trợ trong những ngày gần đây. Chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi người, để bảo vệ các bạn khỏi những phần tử như nghi phạm đã gây ra thảm kịch hôm nay", ông Brown nói, đồng thời khẳng định việc điều tra vụ phục kích sẽ vẫn tiếp tục

Một trong các nghi phạm được xác định là Micah X. Johnson, 25 tuổi, cư dân Dallas. Theo Reuters, Johnson từng là thành viên Lực lượng Dự bị Quân đội Mỹ. Johnson không có tiền sử phạm tội cũng như mối liên hệ với các tổ chức khủng bố. Tên này có một số người họ hàng ở Mesquite, Texas.

Johnson hồi tháng 5 đăng một hình ảnh có dòng chữ "sức mạnh của người da màu" trên trang Facebook của mình. Sau khi Johnson được xác định là nghi phạm bắn tỉa, người chị gái đã đăng trên Facebook rằng:

"Tôi luôn tự nói với mình rằng việc này không đúng sự thật. Mắt tôi đau vì khóc quá nhiều. Vì sao lại là cậu ấy?". Johnson bị cảnh sát bao vây tại một gara ở trung tâm Dallas. Cảnh sát đấu súng với Johnson 45 phút, sau đó tiêu diệt bằng robot mang bom.

Trước đó, CBS đưa tin các quan chức hành pháp Mỹ cho biết Johnson nói rằng anh ta là một cựu binh Mỹ khi thương lượng với cảnh sát.

Cảnh sát đã bắt ba kẻ tình nghi liên quan đến vụ việc và đang cố gắng xác định có bao nhiêu tay súng tham gia vào cuộc tấn công. Cảnh sát trưởng Dallas cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm và điều tra cho đến khi chắc chắn không bỏ lọt nghi phạm nào.

Vụ xả súng ngày 7/7 được xem là ngày đẫm máu nhất của cảnh sát Mỹ kể từ vụ 11/9/2001, khi 72 cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, trong đó có 71 người ở Trung tâm Thương mại Thế giới và một người trên chuyến bay số 93 của hãng hàng không United Airlines.

Hai người da màu liên tiếp bị cảnh sát Mỹ bắn chết

Vụ xả súng vào cảnh sát Mỹ xảy ra sau khi nước này chấn động vì hai người da màu liên tiếp bị cảnh sát bắn chết. Khi các cuộc biểu tình quanh cái chết của nạn nhân vào  ngày 5/7 chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục người thứ hai bị bắn  vào ngày 6/7. 

Ngày 6/7, Philando Castile bị cảnh sát thành phố St Paul chặn lại vì xe bị hỏng đèn. Theo Lavish Reynolds, bạn gái của anh này, trước khi bị bắn, Castile có nói với viên cảnh sát rằng anh được cấp phép để mang súng và có một khẩu súng. "Anh ta bắn bốn viên đạn vào anh ấy. Anh ấy chỉ đang lấy bằng lái và giấy phép", BBC dẫn lời Reynolds kể. 

Cô đã quay video trực tiếp trên Facebook ngay sau khi vụ nổ súng xảy ra, cho thấy bạn trai đang ngồi ghế bên cạnh trên xe ôtô, còn một sĩ quan cảnh sát chĩa súng vào anh. Con gái của Reynolds cũng có mặt trong xe lúc đó.

Reynolds sau đó bị cảnh sát còng tay đưa đi, còn Castile tử vong tại trung tâm y tế. Trên mạng xã hội, bạn bè và người thân bày tỏ sự đau đớn trước sự ra đi đột ngột của Castile và hành động bạo lực của cảnh sát.

Phía cảnh sát cho hay một cuộc điều tra đang diễn ra và sĩ quan trên đã tạm thời bị cho nghỉ việc. Castile, 32 tuổi, là một giám sát viên tại căng tin của trường học. Người thân cho rằng anh "ngay lập tức bị khép tội" vì anh là người da màu.

Vụ việc diễn ra không lâu sau khi Alton Sterling, một người da màu khác, bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana hôm 5/7. Hàng trăm người đã biểu tình suốt hai đêm qua để bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của người đàn ông 37 tuổi, có 5 con. Họ cho rằng người da màu bị cảnh sát phân biệt đối xử và kêu gọi công bằng.

Video được đăng tải cho thấy Sterling bị đè xuống và bắn nhiều lần. Vài giây sau, một trong các cảnh sát rút một vật gì đó ra khỏi túi quần của anh này khi nạn nhân bị thương nằm gục trên mặt đất. 

Hai cảnh sát liên quan đã bị cho nghỉ việc tạm thời và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về vụ việc.

Những vụ việc chết người liên tiếp liên quan đến những người Mỹ gốc Phi đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi về quyền sử dụng vũ lực của cảnh sát.

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.