Châu Á đối mặt “đám cháy loang” khủng bố

Người dân Bangladesh bàng hoàng
Người dân Bangladesh bàng hoàng
(PLO) - Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ngay tại trung tâm thủ đô Dhaka của Bangladesh, làm nhiều người thiệt mạng. Vụ tấn công tại Bangladesh đã làm dấy lên nguy cơ khủng bố lan rộng sang khu vực châu Á.

Trước đó, tối 1/7, một nhóm các tay súng khủng bố đã tấn công vào nhà hàng Tây Ban Nha Holey Artisan Bakery ở khu đoàn ngoại giao Gulshan, nơi nhiều thực khách nước ngoài thường lui tới, tại trung tâm thủ đô Dhaka của Bangladesh. Các tay súng khủng bố đã giao tranh ác liệt với lực lượng an ninh, làm 2 cảnh sát thiệt mạng, 40 người khác bị thương và hàng chục người bị bắt làm con tin. 

Không phải IS

Khoảng 10 tiếng sau khi xảy ra vụ tấn công bắt giữ con tin, lực lượng an ninh Bangladesh đã tiến hành chiến dịch giải cứu con tin sau khi các nỗ lực thương thuyết không đạt kết quả. Sau 2 tiếng trấn áp, lực lượng đặc nhiệm Bangladesh đã kiểm soát được khu vực chính của nhà hàng Holey Artisan Bakery, tiêu diệt 6 phần tử khủng bố, bắt sống 1 đối tượng và giải cứu 13 con tin. Trong số các con tin được giải cứu có một công dân Nhật Bản, 2 người Sri Lanka và 10 người Bangladesh. 

Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan cho biết thủ phạm vụ tấn công trên là một nhóm phiến quân trong nước, không phải tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Asaduzzaman Khan khẳng định những kẻ tấn công là các thành viên của Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh (một tổ chức đã bị cấm hoạt động tại Bangladesh hơn một thập kỷ qua), và các đối tượng này không có liên hệ với IS. Theo Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh, tất cả những kẻ tấn công đều là nam thanh niên trẻ, có học thức và xuất thân gia đình khá giả. 

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã tuyên bố quốc tang kéo dài trong hai ngày (3 - 4/7) để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố. Trong số 20 nạn nhân người nước ngoài thiệt mạng có 9 công dân Italy, 7 công dân Nhật Bản, 2 công dân Bangladesh, 1 công dân Mỹ và 1 công dân Ấn Độ. 

Vụ tấn công làm hơn 20 người thiệt mạng
Vụ tấn công làm hơn 20 người thiệt mạng

Chấn động dư luận

Hội đồng Bảo an LHQ ngày 3/7 đã ra tuyên bố “lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ghê tởm và hèn hạ” ở thành phố Dhaka của Bangladesh. Hội đồng Bảo an LHQ tái khẳng định rằng, chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế. 

Tuyên bố cũng cho biết các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn và dập tắt hoạt động cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức khủng bố và những phần tử khủng bố đơn lẻ, phù hợp với các nghị quyết của cơ quan này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh “phải xác định và trừng trị trước pháp luật” những kẻ đứng sau tội ác này. 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố trên. Trong một bức thư gửi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Tổng thống Sri Lankan Maithripala Sirisena lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên, đồng thời khẳng định tinh thần đoàn kết với Bangladesh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Bức thư cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc hợp tác toàn cầu và khu vực nhằm xóa bỏ mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố. 

Đồng quan điểm này, Quốc vụ khanh Jordan phụ trách các vấn đề về truyền thông Mohammad Momani  cũng kêu gọi tăng cường và liên kết những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mexico cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ bắt cóc và sát hại con tin tại Bangladesh.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á Hugo Swire đã lên án vụ tấn công trên và coi đó là “một hành động khủng bố điên rồ chống lại thường dân”. Theo ông Swire: “Cuộc tấn công xảy ra khi mọi người đang chuẩn bị cho lễ Eid, và ngay trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình. Chúng tôi phản đối bất cứ ai gắn tôn giáo này với bạo lực”. Ông Swire cũng khẳng định, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Bangladesh trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và cực đoan. 

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng tuyên bố, Mỹ luôn ủng hộ và chia sẻ mọi nguồn lực với Bangladesh trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. 

Trợ giúp một nạn nhân bị thương
Trợ giúp một nạn nhân bị thương

“Lửa cháy lan” ở châu Á?

Trong khi vụ việc tại Bangladesh còn chưa lắng dịu thì tại Indonesia, bốn ngày sau, sáng 5/7, một kẻ đánh bom liều chết đi xe mô tô đã tấn công vào một đồn cảnh sát tại thành phố Solo, trên đảo Java, khiến một nhân viên an ninh bị thương.

Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết, vụ việc xảy ra lúc 7h35 sáng (giờ địa phương), khi kẻ tấn công lao xe vào sân đồn cảnh sát và tự cho nổ tung thân mình. Theo thông tin ban đầu, vụ việc đã khiến một cảnh sát bị thương. Cùng ngày, lực lượng cảnh sát và quân đội Indonesia đã triển khai tới 1.200 cảnh sát và binh sĩ có vũ trang để bảo vệ các sân bay trước nguy cơ tấn công khủng bố trong dịp nghỉ lễ Idul Fitri. 

Chủ tịch Công ty PT Angkasa Pura II (công ty điều hành sân bay thuộc sở hữu nhà nước Indonesia) Budi Karya Sumadi cho hay lực lượng an ninh được triển khai tới 13 sân bay ở khu vực miền Tây Indonesia cho đến ngày 17/7. Theo ông Budi, lực lượng quân đội đang làm nhiệm vụ có thể sử dụng vũ khí để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự như vụ việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng đặc nhiệm liên ngành cũng đang tiến hành rà soát các bãi đỗ xe ở sân bay và chặn ngẫu nhiên các xe đi vào sân bay để có thể phát hiện sớm nguy cơ khủng bố.

Về phần mình, nhà chức trách Malaysia ngày 4/7 khẳng định, tổ chức IS đứng sau vụ nổ lựu đạn hồi tuần trước ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, làm ít nhất 8 người bị thương. Đây là vụ tấn công đầu tiên kiểu này tại Malaysia có liên quan đến IS.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết, kể từ khi xảy ra vụ tấn công trên đã có 15 đối tượng bị bắt giữ, trong đó có 2 kẻ bị tình nghi nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ một chiến binh IS tên là Muhammad Wanndy Mohamed Jedi. Đối tượng Muhammad Wanndy đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công tại nhà hàng Modiva ở thành phố Puchong, bang Selangor hôm 28/6 khi các thực khách đang xem trận đấu giữa đội tuyển Italy và đội tuyển Tây Ban Nha trong khuôn khổ VCK EURO 2016, cũng như nhằm vào các mục tiêu khác là các quan chức cấp cao trong chính phủ, lực lượng cảnh sát và tòa án.

Nguy cơ có thật

Thủ tướng Sheikh Hasina đã ra tuyên bố khẳng định, Bangladesh kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Bà Hasina lên án hành động tàn ác của những kẻ gây ra vụ tấn công kinh hoàng ngay tại thủ đô Dhaka, đồng thời cho rằng Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình và không nên làm ảnh hưởng tới tôn giáo này bằng những hành động gây thù hận, sát hại người dân vô tội. 

Các quan chức chính phủ Bangladesh đã bác bỏ những cáo buộc về việc có sự tồn tại của nhánh chức tổ chức IS tại nước này và cho rằng những tay súng trong nhóm tấn công khủng bố trên là các thành viên của tổ chức Hồi giáo cực đoan Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh trong nước. Thế nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy sau khi thực hiện các vụ tấn công chấn động tại châu Âu, các đối tượng khủng bố đang tìm cách mở rộng sang khu vực “màu mỡ” tại Nam Á. Và việc IS lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố nói trên có thể là chiến thuật mới của nhóm này nhằm lôi kéo các phần tử vũ trang Hồi giáo tại Bangladesh gia nhập tổ chức của chúng. 

Animesh Roul, một chuyên gia phân tích tại Ấn Độ cho rằng, các nhóm Hồi giáo tại Bangladesh dường như đang có tiếp xúc thường xuyên với IS, mặc dù chưa có bằng chứng về việc IS đang hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm vũ trang tại Nam Á. Lời kêu gọi của IS cũng đang nhận được sự ủng hộ tích cực của một số phần tử tại quốc gia có đông người Hồi giáo này. Tuy khả năng mở rộng ảnh hưởng của IS tại Bangladesh chưa đủ mạnh nhưng giới quan sát cũng cảnh báo, với vị trí địa chính trị thuận lợi, Bangladesh sẽ là một trong những mảnh đất màu mỡ để IS khai thác và tận dụng nhằm vươn tầm ảnh hưởng sang các nước lân cận, đồng thời hợp tác với các nhóm cực đoan địa phương khác để củng cố sức mạnh của mình. Đây sẽ là một trong những mối nguy về an ninh lớn nhất cho khu vực châu Á.

Trong một động thái mới nhất, phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ Syed Akbaruddin đã kêu gọi các quốc gia nhanh chóng thông qua Hiệp ước Chống khủng bố quốc tế toàn diện (CCIT), đồng thời bày tỏ thất vọng trước việc cơ quan này đã không nỗ lực để hiệp ước này được thông qua sớm nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định cho tất cả quốc gia trên thế giới.

Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức

Được tin tối 1/7/2016, tại thủ đô Dhaka của Bangladesh xảy ra vụ tấn công khủng bố làm hơn 20 người thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn tới Ngài Abul Hassan Mahmood Ali, Bộ trưởng Ngoại giao nước CHND Bangladesh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình thì nêu rõ: “Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công tại Nhà hàng Holey Artisan, Thủ đô Dhaka, Bangladesh tối 1/7/2016 nhằm vào dân thường là một hành động dã man không thể chấp nhận được.

Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Bangladesh, những nước có công dân bị thiệt mạng và gia đình những người bị nạn. Chúng tôi tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng”. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.