Cùng với Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, tiền đồng Việt Nam là một trong những biểu tượng của quốc gia. Vậy mà hiện tại rất nhiều đám ma, đám cưới, thậm chí chỉ là lúc những ông bố bà mẹ đưa con nhỏ đi dạo phố, tiền lẻ cũng được tung ra hàng nắm, để rồi gương mặt lãnh tụ, cảnh sắc Tổ quốc trên những tờ tiền bị vô khối các bàn chân vô cảm dẫm đạp. Rất ít người biết rằng, hành vi đó là phạm luật!
|
Những đồng tiền lẻ thường được rải trong đám ma |
Tiền bay ra đổi lấy mạng người
Cách đây gần 3 tháng, trên quốc lộ 39 từ thành phố Thái Bình đi huyện Tiền Hải, nhiều người đi đường không khỏi xót xa khi một cháu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải nhặt tờ 5000đ tiền rải từ đám ma vừa đi qua. Sự kiện này “châm ngòi” cho một cuộc tranh luận trên một diễn đàn của những người lái xe.
Tận mắt chứng kiến vụ tai nạn, thành viên Quangminhpro đã chia sẻ, anh bị sốc mất mấy ngày vì sự việc diễn ra quá nhanh và ngay trước mắt nhưng không thể làm gì được để cứu cháu bé. Thành viên Peto thì chia sẻ, anh cũng suýt “dính” một vụ ở đoạn Phủ Lý - Đồng Văn (Hà Nam), trên đường cao tốc đang tăng ga, tự nhiên thấy ba nhóc tầm 8 - 9 tuổi trèo qua dải phân cách lao sang phần đường bên này tranh nhau nhặt tiền của một đám ma vừa đi qua. “Liệu những người rải tiền đó họ có biết rằng hành động của mình đã lấy đi mạng người, làm cho kiếp nạn tội lỗi nặng hơn, thay vì siêu thoát. Đúng là thói mê tín vô lối và phản cảm cùng cực!” - thành viên Quangminhpro bực tức nói.
Đáng lo là, không chỉ có đám tang mà nhiều đám cưới cũng “rải tiền” như một “phong tục” được truyền miệng từ người này sang người khác để mua lấy sự yên tâm: Trước khi đưa con ra xe hoa về nhà chồng, mẹ cô dâu không quên dúi cho con gái một nắm tiền lẻ, dặn dò tỉ mỉ phải thả xuống những nơi nào. Nghe lời mẹ, cứ mỗi lần xe hoa đi qua ngã ba, ngã tư hay cây cầu nào đó là cô dâu lại rút vài tờ tiền lẻ rồi hạ kính xe để thả xuống đường.
Nhiều ông bố bà mẹ trẻ khi đi chơi mang theo trẻ nhỏ thay vì chấm son vào trán trẻ để đánh dấu như trước đây, thì nay cũng chuẩn bị thêm một nắm tiền lẻ để rải dọc đường nhằm tránh cho con đỡ bị “phải vía”, “ma quấy”. Thậm chí, đang đi thấy tai nạn xảy ra trên đường, nhiều người cũng vứt ra vài tờ tiền lẻ để… cầu an (!).
Khi thói chơi trội được cổ xúy
Trong phong tục tang lễ, cưới hỏi lâu đời của người Việt, tuyệt đối không có chuyện rải tiền thật khi xe tang đi trên đường và khi cô dâu về nhà chồng. Đó là câu khẳng định chắc như đinh đóng cột của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Hoàng Tuấn Cư cho biết, khi xưa chỉ dùng tiền thật là tiền xu để tùy táng, đặt lên mắt hoặc cho vào miệng người đã mất; còn đi trên đường thì dùng vàng mã với ý nghĩa tâm linh là trả tiền cho ma quỷ cản đường và thể hiện lòng tốt của con cháu đối với người đã ra đi.
Theo Giáo sư Trần Lâm Biền (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam), người xưa dùng thỏi vàng mã và tiền xu mã rải ra đường với hai mục đích: tiền xu mã nhằm phân phát cho ma quỷ để chúng không quấy phá, bắt nạt vong hồn người chết; những thỏi vàng mã là nhằm đánh dấu đoạn đường từ nhà ra nơi chôn cất để linh hồn người chết biết đường về nhà.
Như vậy thì “phong tục” thả tiền thật xuất phát ở đâu ra? Phải chăng ở thói chơi trội, phú quý sinh lễ nghĩa ở một nhóm người, rồi lây lan như một thứ bệnh dịch ra toàn xã hội dưới một lời lý giải rất mơ hồ rằng “Gia đình có người mất thì tâm lý thường là muốn thực hiện đầy đủ các nghi lễ. Chúng tôi không rõ vì sao phải rải tiền mặt dọc đường nhưng thấy các đám tang khác làm vậy thì cũng làm theo. Tôi nghĩ đó là phong tục từ lâu, có lẽ là để trả tiền “lộ phí” cho ma quỷ đỡ quấy phá” – như bà Nguyễn Thị Tâm (Thường Tín, Hà Nội) cho biết.
Giáo sư Trần Lâm Biền lý giải, thời gian gần đây nhiều người đã có nhận thức sai lầm về việc rải tiền, vàng trong đám tang. Có những đám tang được đưa từ bệnh viện hay nhà tang lễ nhưng người nhà vẫn rắc vàng thỏi. Nếu theo quan niệm “đánh dấu đường” cho linh hồn về thì đây hoàn toàn sai lầm vì linh hồn sẽ không cần về nhà tang lễ hay bệnh viện.
Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Hoàng Tuấn Cư cho biết, ngày xưa không hề có chuyện rải tiền thật trong đám tang. Mãi về sau này, một số người nhiều tiền mới làm ra việc này rồi có người học theo và lầm tưởng đó là phong tục tập quán. “Việc rải tiền thật khi xe tang đi trên đường vừa là mê tín vô lối vừa là một hành động phản cảm. Nó thể hiện người ta không biết quý trọng đồng tiền và gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông khi kéo theo cả một đoàn người tranh nhau nhặt, cũng gây mất mỹ quan, phản văn hóa”.
Pháp luật – nói phải đi đôi với làm!
Ở góc độ pháp luật tiền tệ, Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ tiền Việt Nam nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền bằng bất kỳ hình thức nào. Điểm e Điều 10 Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/1/2011 của Bộ VH-TT&DL cũng quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Có đầy đủ quy định như hình như từ trước đến nay chưa từng có trường hợp nào bị xử phạt.
Hiếu hỷ là việc của dân, nên thực tế cho thấy nếu những người cầm cân nẩy mực pháp luật làm không tốt khâu tuyên truyền thì người dân sẽ có những hành vi tự phát như câu chuyện ở Vũng Tàu là một ví dụ. Sáng 2/6/2012, nhiều người dân dọc con đường Hùng Vương, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu) rất bất ngờ khi người thân của người chết đã rải tiền thật mệnh giá 2000 đồng và 5000 đồng trong lúc đưa tang.
Chiều 3/6, ông Nguyễn Hồng Hà - Bí thư thị trấn Ngãi Giao - cho biết, chính quyền sẽ nhắc nhở gia đình vì việc này là sai trái. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sai phạm này lỗi một phần cũng ở cơ quan chức năng, vì lâu nay ngành văn hóa phát động nếp sống mới nhưng chủ yếu là đối với đám cưới, còn đám ma thì ít đả động, có lẽ do tâm lý ngại việc hiếu mà ra…
Xuân Hoa