Khi chưa thực sự được pháp luật, xã hội thừa nhận, những người thuộc “thế giới thứ ba” vẫn âm thầm nén chịu biết bao cô đơn, tủi hờn… Với một thành phố đầy ưu tư, trầm mặc và e ấp như Huế, nỗi niềm của họ càng khó giải tỏa. Nhưng có một người đã vượt lên tất cả, công khai thân phận của mình, để được sống, được yêu thương và đem thương yêu đến cho những người cùng cảnh.
Đăng Lâm Hồng Kha |
Nỗi bất hạnh thời trai trẻ
Sinh ra với một cơ thể hoàn hoàn thuộc phái mạnh nhưng Đăng Lâm Hồng Kha (sinh năm 1985, ở Chi Lăng, Phú Hiệp, TP. Huế, Thừa Thiên Huế) lại sở hữu một vóc dáng “liễu yếu đào tơ” và một khuôn mặt rất thanh tú và những sở trường của một cô gái (nấu ăn ngon, cắm hoa đẹp, học giỏi các môn xã hội…), đặc biệt Kha rất thích chơi nhảy dây và búp bê cùng các bạn nữ.
Kha sớm nhận ra mình không hề có xúc cảm với phái nữ; rồi qua mạng, Kha quen biết và chia sẻ với một người có cùng hoàn cảnh ở tận trong Đồng Tháp. Hàng trăm bức thư được gửi đi và nhận lại hàng ngàn niềm thương, nỗi nhớ. Nhưng rồi, mọi chuyện không qua khỏi mắt gia đình. Biết người mà con trai mình thường xuyên chia sẻ qua điện thoại cũng là một thằng con trai, cha mẹ Kha đã chửi mắng thậm tệ vì cho rằng con mình không bình thường.
Nhưng không thể ghét bỏ con được mãi, họ bàn nhau đưa Kha đi chữa bệnh… Chiều lòng cha mẹ, Kha cũng đi khám và uống thuốc nhưng trong lòng thì chứa đựng một nỗi cô đơn ghê gớm. Kha đã tìm đến những “điểm nóng” dành cho dân “gay”.
Buông mình vào những chốn ăn chơi, sa đọa… Kha cũng thấy buồn và có lỗi với mọi người. Nhưng, mỗi lần nhìn vẻ mặt đau đớn, thất vọng của cha mẹ và nghe những lời dèm pha, giễu cợt của bà con, chòm xóm về những người như mình, Kha lại lao vào những cơn cuồng vọng để tìm quên, suốt như vậy gần 10 năm trời….
Sực tỉnh và đứng dậy
Ở một thành phố trầm mặc, e ấp và kín đáo như Huế, những định kiến, kỳ thị với người thuộc “giới tính thứ ba” càng kinh khủng hơn bao giờ hết. Vì thế, những người thuộc giới này cũng kín đáo, e dè và không dám lộ diện.
Tuy nhiên, rất đáng lo ngại khi nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục trong nhóm này tại Thừa Thiên Huế và cả nước nói chung đang có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi đó nhận thức của “những người trong cuộc” về kiến thức dự phòng bệnh cực kỳ hạn chế. Là một người có trình độ và hiểu biết, Kha không thể không thất vọng khi không ít bạn MSM (những người có quan hệ đồng giới nam) nói rằng, không biết HIV/AIDS là gì, cũng như không nghĩ rằng nam giới quan hệ tình dục với nhau lại có thể lây bệnh…
Sau nhiều đêm trăn trở, Kha quyết định tham gia làm đầu mối cho những người MSM tại Huế (một Dự án phòng chống HIV trong nhóm MSM do WB tài trợ). Kha tiếp cận, kết nối và tư vấn xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong nhóm này. Mới tham gia và thành lập nhóm từ tháng 4/2012 nhưng Kha đã tư vấn và kết nối được 6 thành viên nòng cốt, gần 30 đồng đẳng viên.
Nhóm của Kha hiện đã tiếp cận, tư vấn, phát bao cao su, chất bôi trơn và giới thiệu đi khám, xét nghiệm 240 người: “Em làm việc này để khẳng định mình, đặc biệt là giúp ích cho chính mình và cộng đồng của mình. Em cũng mong muốn xã hội và mọi người thừa nhận chúng em, coi chúng em như những người bình thường khác…”.
Kha đã từ bỏ lối sống cũ, tìm kiếm những công việc chân chính để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. “Khi có công ăn, việc làm ổn định, đặc biệt là kinh tế mạnh rồi thì người ta sẽ tôn trọng mình hơn!”, Kha nghĩ thế và đang tự tin tiến tới tương lai với một niềm lạc quan và sự tin tưởng rất sâu sắc...
Hải Long