Cao tuổi mới có được đứa cháu đầu lòng, ông Nguyễn Văn Kiểm ở quận Hà Đông, HN phấn khởi đi đăng ký khai sinh cho cháu. Nhưng cuối cùng ông lại phải ra về công cốc chỉ vì con trai ông đi làm ăn xa…
Thực tiễn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đã phát sinh nhiều vướng mắc. Ảnh MH |
Nhiều trẻ đang bị chậm đăng ký khai sinh
“Tôi đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu, thì cán bộ hộ tịch phát cho tờ khai, trong đó có cả phần yêu cầu chữ ký của cha và mẹ cháu. Con dâu đang nằm cữ ở nhà, con trai thì về thăm vợ mấy hôm lại phải quay vào đơn vị quân đội đóng ở Lâm Đồng làm việc, nên tờ khai chỉ có chữ ký của mẹ cháu. Thế là tôi được giải thích rằng phải có đủ hai chữ ký bố mẹ trên tờ khai mới có thể đăng ký khai sinh được theo quy định của pháp luật. Con trai tôi vừa mới đi ít hôm, chẳng nhẽ lại gọi nó quay về gấp, còn nếu đợi đến đợt nghỉ phép tới của nó thì lâu quá, cháu tôi chẳng có khai sinh, mà có khi đến lúc ấy còn bị phạt vì đăng ký quá hạn ấy chứ” – ông Kiểm lo lắng phân bua.
Sự lo lắng của ông Kiểm cũng là sự lo lắng của rất nhiều công dân kể từ khi mẫu tờ khai đăng ký khai sinh ban hành kèm theo Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 25/3/2012 của Bộ Tư pháp có hiệu lực, trên đó thể hiện phần chữ ký của cả người cha và người mẹ.
Tuy nhiên, khi thực thi, cũng có phường linh động giải quyết, như phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, HN. Người cán bộ tư pháp tên Hải cho biết, quy định như vậy nhưng nếu người mẹ có cam kết về việc người bố đi công tác xa và hai vợ chồng đã nhất trí về các nội dung trong tờ khai, thì vẫn được tiến hành đăng ký bình thường. Thế nhưng, theo tìm hiểu của người viết thì sự linh động này không phổ biến, nên có nhiều trẻ em đã và đang bị chậm trễ việc đăng ký khai sinh, tương tự như trường hợp của cháu ông Kiểm nói trên.
Sẽ sớm có hướng dẫn
Bất kỳ một quy định nào cần được nhìn nhận từ hai chiều, ở đây cũng vậy. Việc Bộ Tư pháp ban hành quy định tờ khai đăng ký khai sinh có phần chữ ký của cả người cha và người mẹ là xuất phát từ thực tế trước đây do không có sự thỏa thuận của cha mẹ về những nội dung khai sinh (đặc biệt là những trường hợp người đi khai sinh không phải là cha, mẹ) đã dẫn đến việc đặt họ tên hay xác định dân tộc cho con không đúng với mong muốn của cha mẹ, từ đó phải làm thủ tục cải chính hộ tịch thay đổi họ tên hay xác định lại dân tộc, rất phiền phức cho chính người dân.
Do đó, mẫu tờ khai đăng ký khai sinh ban hành kèm theo Thông tư số 05/2012/TT-BTP có phần chữ ký của người cha và người mẹ là nhằm thể hiện việc cả cha và mẹ đã thống nhất thoả thuận về những nội dung khai sinh cho con, tránh việc nhầm lẫn hoặc không thống nhất.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đã phát sinh nhiều vướng mắc và không phải trường hợp nào cũng nhất thiết có chữ ký của cha và mẹ. Thế nên, mới đây trong ngày 14/1/2013 khi trả lời công dân trên Cổng thông tin Chính phủ, Bộ tư pháp đã cho biết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để có hướng dẫn chung về những trường hợp không cần phải có chữ ký của cha, mẹ trong tờ khai đăng ký khai sinh. Việc làm này nhằm hạn chế tối đa phiền hà cho công dân về thủ tục hành chính, cũng như đảm bảo quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em được đúng hạn, thuận tiện.
Dương Nhi