Nó Độc đáo Tết mùa
Chúng tôi về với vùng cao Phước Xuân khi không khí Xuân lan tràn khắp các bản làng, hoa rừng đã nở, bà con đang chuẩn bị vào mùa lễ hội đón Tết, vui Xuân. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên bà con không tập trung tổ chức đón lễ tết lớn như mọi năm. Mỗi thôn, bản các gia đình tự tổ chức ăn một lễ tết mùa ấm cúng, tạ ơn thần linh và mong cho mùa sắp đến, mọi người được mạnh khỏe, lúa về đầy nhà.
Từ sáng sớm chị Hồ Thị Sương, ở thôn 1, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn tất bật chọn gạo nếp, gạo baton để chuẩn bị gói bánh quoát (bánh lá đót)... để chuẩn bị bước vào mùa ăn Tết mùa. Chị Sương kể, hàng năm vào khoảng tháng 11, 12 Âm lịch, sau vụ mùa thu hoạch lúa rẫy, bà con ăn tết mùa trong 10 ngày. Lễ hội Tết mùa mang một ý nghĩa rất linh thiêng, dâng tạ thần linh vì một mùa rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh, con cháu thành đạt.
“Trước tết đàn ông lên rừng đặt bẫy bắt được ít con chuột núi, sóc, xuống suối bắt cá, ếch về làm mâm cúng. Tết mùa năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh nên gia đình không tổ chức đông đúc mà chỉ gặp gỡ một vài gia đình trong thôn”- chị Sương chia sẻ.
Mâm cỗ Tết với những món mà đồng bào Bhnoong rất ưa thích. |
Theo truyền thống, người Bhnoong ăn tết lớn nhất vào ngày đầu và ngày thứ 9 trong 10 ngày tết mùa. Nếu trong khoảng thời gian này, trong làng có người qua đời hay sinh đẻ, làng sẽ tổ chức tết mùa vào ngày khác. Những năm trước, suốt thời gian diễn ra lễ hội, ngoài ăn riêng theo từng hộ gia đình, đồng bào Bhnoong thường đón khách và ăn uống chung tại nhà rông của làng. Bà con trong bản sẽ mặc những bộ trang phục thổ cẩm đẹp nhất mang những món ăn truyền thống, các mặt hàng nông sản đến nhà làng để dâng cúng và trưng bày.
Mâm cỗ Tết với những món mà đồng bào Bhnoong rất ưa thích là môn dốc nấu với thịt chuột, thịt sóc, ốc đá, cá chua, muối ớt lá ràng rây, rượu bắp, rượu cần… Điều đặc biệt trong các món ăn, đồ uống là bà con chỉ dùng những loại lá cây sẵn có trên nương rẫy mà thiên nhiên đã ban tặng để làm nên các món ăn đặc trưng, mang hương vị riêng có của đồng bào Bhnoong. Sau khi dâng cúng thần linh, thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người được khỏe mạnh, dân làng quây quần bên bếp lửa ấm cúng vừa ăn tết, vừa say sưa hát những bài hát cộng đồng rồi trò chuyện vui vẻ, thâu đêm suốt sáng.
Rừng được bảo vệ từ phong tục
Già làng Vũ Xuân (75 tuổi) ở thị Trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, Tết mùa là truyền thống có từ lâu đời của người Giẻ Triêng để cầu mong Giàng, thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Trong những ngày Tết mùa, cả làng bảo nhau không ai được lên rừng chặt cây, săn bắt, đào măng, lấy củi từ rừng... Tết rừng cũng là dịp để nhân dân trong bản bàn với nhau về kế hoạch bảo vệ rừng cho cả năm.
“Trong thời gian cúng tết thì người dân cúng rừng, cúng núi, cúng Giàng phù hộ cho năm mới an khang, thịnh vượng nhưng cấm tuyệt đối không được chặt phá rừng. Rẫy của ai là của người đó, không được lấn với nhau. Rừng linh thiêng lắm. Nhờ có rừng mà dân mới có đường đi, mới có thú để bẫy.”- già làng Vũ Xuân chia sẻ.
Tết mùa là truyền thống có từ lâu đời của người Giẻ Triêng để cầu mong Giàng, thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. |
Ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phước Sơn cho biết, Tết mùa thể hiện tín ngưỡng thiêng liêng của đồng bào Bhnoong, là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh đã giúp họ có một vụ mùa tươi tốt, bội thu; ban cho người già, trẻ nhỏ có sức khỏe, ít ốm đau và cầu mong cho mùa vụ mới bội thu, cuộc sống dân làng sung túc hơn. Ngoài ra, Tết mùa còn là dịp để giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, tình yêu bản làng, quê hương thông qua những điều cấm kỵ như không được chặt cây, lấy cửi, làm việc xấu trong rừng. Đồng thời, lễ cúng rừng còn mang ý nghĩa đoàn kết trong cộng đồng các thôn bản.
Nhờ bảo vệ tốt những cánh rừng, nhiều năm nay đồng bào Giẻ Triêng ở huyện vùng cao Phước Sơn từng bước phát triển các mô hình kinh tế gắn với rừng như trồng cây dược liệu, trồng rừng kết hợp chăn nuôi.. Những vườn quế hàng chục năm tuổi trải dài theo những cánh rừng vùng cao huyện Phước Sơn được người dân xem như của để dành phòng khi ốm đau, dựng nhà, trao cho con cái lúc lập gia đình. Chính vì thế, họ trân quý, bảo vệ rừng cùng nhau chăm sóc nguồn giống quế bản địa.
Xuân mới đã gõ cửa từng nếp nhà, từng góc núi. Giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng bào Bhnoong ở Phước Sơn đang đón những ngày xuân ấm áp. Dù không được tập trung đông đúc để cất vang tiếng cồng chiêng, say sưa múa hát, quây quần bên ánh lửa bập bùng như mọi năm, nhưng Tết này người dân Bhnoong có chung một niềm vui vì qua 2 năm dịch bệnh cả bản làng vẫn bình yên và càng thêm tin tưởng vào những đổi thay của bản làng trong tương lai.