Bị kết án tử hình vào năm 1991 vì tội giết chết một cảnh sát da trắng, công dân Mỹ gốc Phi Troy Davis đã bị hành quyết đêm 21 rạng sáng ngày 22/9 sau khi cơ quan tư pháp Mỹ bác đơn kháng cáo cuối cùng của kẻ tử tội. Điều lạ lùng trong vụ án này là Troy Davis vẫn phải chết, mặc dù người ta không tìm thấy bằng chứng ADN, dấu vân tay, phương tiện gây án hay bất cứ chứng cứ pháp lý nào cho thấy anh ta là thủ phạm giết người.
Troy Davis |
Không chứng cứ pháp lý, vẫn xử tử hình
Sự việc anh cảnh sát da trắng Mark MacPhail bị giết hại xảy ra vào năm 1989. Làm việc tại thành phố Savannah, hôm đó MacPhail đã chạy đến giải cứu một người đàn ông vô gia cư bị một người đàn ông da đen tấn công bằng một khẩu súng trong khu giữ xe Burger King. Người đàn ông da đen này, mà các nhân chứng xác định giống như Davis, sau đó đã bắn chết Mark MacPhail.
Đến năm 1991, Troy Davis bị quy tội là thủ phạm sát hại Macphai với mức án tử hình. Tòa án Mỹ buộc tội Troy Davis chủ yếu theo lời khai của 9 nhân chứng, nhưng sau đó 7 nhân chứng đã công khai rút bỏ lời khai. Trong hai nhân chứng còn lại, một người bị nghi ngờ chính là hung thủ.
Điều lạ lùng nữa trong quá trình xử án của tòa án Mỹ là, mặc dù người ta không tìm thấy bằng chứng ADN, dấu vân tay tại hiện trường vụ sát hại hay các chứng cứ pháp lý nào cho thấy Troy Davis dính líu đến vụ giết người, thậm chí khẩu súng cỡ 38 mm được cho là phương tiện gây án cũng chưa bao giờ được tìm thấy, song Troy Davis vẫn phải nhận án tử.
Ngày thi hành án tử hình đối với tử tù này đã bị hoãn tới 4 lần.
Hồi năm ngoái, tòa án Mỹ đã cho Troy Davis một cơ hội được trình bày vụ việc của mình trong một phiên tòa mới, nhưng để được xét xử lại, các luật sư của Troy Davis phải đưa ra được các bằng chứng vô tội. Tuy nhiên, các bằng chứng được đưa ra, theo tòa, là không thể đủ để khẳng định Davis vô tội và án tử hình đối với anh ta lại được xác nhận.
Chính những điểm không rõ ràng trong vụ án này mà Troy Davis được xem là trường hợp điển hình của người da đen bị án tử hình oan tại Mỹ và trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống án tử hình trên thế giới.
Biểu tình phản đối vụ xử tử Troy David. |
Kêu oan tận phút cuối cùng
Trong đêm Troy Davis bị xử tử, khoảng 700 người đã tập trung bên ngoài nhà tù Jackson – nơi vụ hành quyết diễn ra, để thắp nến cầu nguyện và phản đối bản án mà họ cho là bất công nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ. Sau khi chờ đợi 3 tiếng đồng hồ, tràn ngập hy vọng trong khi tòa án xem xét đơn kháng cáo lần cuối của Troy Davis, đám đông lặng đi khi nghe tuyên bố từ tòa án không thay đổi án tử hình đối với Davis.
Trên khắp thế giới, nhiều người cũng tập trung để phản đối việc xử tử Troy Davis. Một nhóm người biểu tình có mặt trước cổng Tòa án Tối cao ở Washington, Mỹ. Trong một nhà thờ gần nhà tù Jackson, những người ủng hộ Davis, trong đó có cả một số người nổi tiếng, đã kéo đến đây. Tại Pháp, nhiều người tập trung ở thủ đô Paris với mục đích tương tự.
Từ nhiều năm nay, cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Giáo hoàng Benoit XVI và cựu Tổng thống Jimmy Carter cũng đã kêu gọi hủy án tử hình đối với Troy Davis. Quốc hội một số nước, nguyên thủ quốc gia các nước châu Âu và các tổ chức nhân quyền yêu cầu trả tự do cho Troy Davis. Chiến dịch vận động thả Troy Davis thu được hơn 640.000 chữ ký.
Vào ngày hành quyết, Troy Davis vẫn còn yêu cầu làm xét nghiệm qua máy phát hiện nói dối để chứng minh sự vô tội của mình. Những nghi ngờ về tội lỗi của Troy Davis đã được dồn nén trong hơn 20 năm qua. Cho đến phút cuối cùng tại phòng hành quyết, Troy Davis vẫn kêu mình vô tội.
Tử tù này đã gửi lời tới gia đình cảnh sát Mark MacPhail: “Tất cả những gì tôi yêu cầu, đó là các người hãy xem xét sâu hơn vụ án này để cuối cùng tìm ra sự thật”. Troy Davis cũng xin bạn bè và gia đình mình hãy “tiếp tục đấu tranh” cho anh và cầu Chúa ban phước lành cho những người phụ trách việc hành quyết mình.
15 phút sau đó, Troy Davis, 42 tuổi, đã chết vì bị tiêm độc tố. Lúc đó là 23h08 giờ Georgia. Việc hành quyết đã bị chậm hơn 4 tiếng đồng hồ sau khi đơn kháng cáo cuối cùng bị Tòa án Tối cao Mỹ từ chối.
Troy Davis là tử tù thứ 52 bị hành quyết tại bang Georgia từ khi Tòa án Tối cao liên bang khôi phục án tử hình vào năm 1973. Vụ việc đã dấy lên tranh cãi về sự phân biệt chủng tộc và giai cấp của hệ thống tư pháp Mỹ. Theo một bản thống kê, các bị cáo trong các vụ án giết người mà nạn nhân là người da trắng có khả năng nhận án tử hình cao gấp 3,5 lần so với vụ án có nạn nhân là người da màu. |
Phúc Lợi (Theo WP, Figaro)