Từ vụ cố ý gây thương tích giữa cháu rể và chú vợ, nhưng kết luận giám định thương tật lại vênh nhau, khiến vụ án bị kéo dài…
Người nhà đánh nhau
Ông Đào Quốc Hưng (SN 1976 - phường Tân Biên, TP. Biên Hòa) cho biết: Ông là bị can trong vụ án “Cố ý gây thương tích” do CQĐT Công an TP. Biên Hòa khởi tố. Ngày 9/02/2012, CQĐT tống đạt Bản Kết luận điều tra bổ sung số 05 ngày 8/2/2012, truy tố ông về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2, Điều 104 BLHS với tỷ lệ gây thương tích là 11%.
“Bản kết luận xác định tôi là người gây thương tích trên đầu và trán của ông Đào Ngọc Ánh (SN 1969, trú phường Tân Biên). Tuy nhiên, suốt quá trình điều tra, tôi đều khẳng định vết thương trên trán ông Ánh không phải do tôi gây ra mà là do ông Ánh và ba tôi (ông Đào Quang Thiệu) trong quá trình xô xát, giằng co”, ông Hưng nói với PLVN.
Theo KLĐT ngày 25/11/2010 của CA TP Biên Hòa: Do cạnh tranh trong mua bán nên giữa ông Ánh (chú vợ Hưng) và Hưng thường xảy ra mâu thuẫn nhỏ. Ngày 6/12/2009, hai người cùng điều khiển xe máy về tới trước cửa nhà, giữa ông Ánh và ông Hưng cãi nhau vì ông Ánh cho rằng Hưng có “lời lẽ chửi thầm” đối với ông.
Sau đó, ông Thiệu và bà X (cha mẹ của ông Hưng) ra cãi nhau với ông Ánh dẫn đến đánh nhau, ông Thiệu bị ông Ánh đấm gây thương tích và ngã xuống đường. Thấy cha bị đánh, Hưng vớ cây sắt yêu cầu ông Ánh bỏ cha mình ra nhưng ông Ánh không chịu nên Hưng đánh ông Ánh. Khi được người dân can ngăn, ông Ánh còn đuổi theo đấm vào trán bà X nhưng không gây thương tích gì.
Tại Giấy chứng nhận thương tích ngày 8/12/2009 do BV Đa khoa Thống Nhất cấp và Kết luận GĐPY ngày 18/1/2010 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai xác định tỉ lệ thương tật của ông Ánh là 43%. Ngày 27/4/2010, CQĐT CA TP. Biên Hòa khởi tố và bắt tạm giam Hưng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Những kết quả giám định “chết người”!
Không đồng ý, ông Hưng yêu cầu giám định lại thương tích ông Ánh. Ngày 4/6/2010, CQĐT yêu cầu Phân viện Khoa học Hình sự tại TP.HCM (Bộ Công an) giám định lại và ngày 6/7/2010, Phân viện KHHS kết luận thương tích của ông Ánh là 16,6%.
Do có sự khác biệt về kết quả giám định, ngày 6/9/2010, CQĐT tiếp tục trưng cầu Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế) giám định lại. Ngày 11/11/2010, Viện Pháp y quốc gia kết luận thương tích của ông Ánh là 11%. Riêng vết thương của ông Thiệu cho rằng bị ông Ánh đánh gây thương tích ở mắt trái thì Phân viện KHHS kết luận không xác định được việc suy giảm thị lực là do chấn thương hay bệnh lý, nên không kết luận được mức độ tổn hại sức khỏe của ông Thiệu.
Đáng nói là giấy chứng nhận thương tích của BV Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) ghi vết sẹo trên trán ông Ánh dài 3cm, nhưngcác bản GĐPY được cơ quan tố tụng trưng cầu lại ghi vết sẹo trên trán ông Ánh dài 5cm. Tại sao cùng một vết thương nhưng các bản GĐPY có sự sai lệch về kích thước?
Hơn nữa, trong ba lần giám định trước, tỉ lệ thương tật trên đầu ông Ánh được xác định là 2%, nhưng kết quả giám định lần thứ tư (ngày 29/11/2011 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai) thì tỉ lệ thương tật ông Ánh như sau: Hai vết thương trên đầu kích thước 2cm và 3cm có tỉ lệ thương tật là 3%, vết thương trên trán 3cm tỉ lệ thương tật là 8%, tổng cộng tỉ lệ thương tật là 11%.
Bất ngờ nữa là tỉ lệ thương tật trên đầu ông Ánh tăng lên thêm 1% nhưng Hội đồng Giám định không giải thích vì sao tăng, bản GĐPY không thấy chi tiết nào thể hiện hai vết thương này hiện ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Ánh? Trong khi đó, việc tăng thêm 1% này lại khiến tỉ lệ thương tật tổng cộng của ông Ánh là 11% - đủ cơ sở để kết luận hành vi của ông Hưng cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư Bình Phước chia sẻ: Tôi cho rằng kết quả GĐPY trong vụ án này cần phải được xem xét lại một cách khách quan, nhất là kết quả giám định của Trung tâm pháp y (TTPY) tỉnh Đồng Nai. Bởi kết quả của Trung tâm này không bình thường, áp dụng mức tỷ lệ thương tật không phù hợp với Thông tư số 12 ngày 26/71995 của liên Bộ Y tế - Bộ LĐTB & XH (vết thương phần mềm nhưng lại áp dụng chương chấn thương vùng mặt gây biến dạng, ảnh hưởng đến chức năng nhai). Hơn nữa, vết thương trên trán của ông Ánh, theo giấy chứng nhận thương tích của BV đa khoa Thống Nhất ghi 3cm, nhưng kết quả giám định lại ghi là 5cm. Sự bất thường này khiến nhiều người ta nghi ngờ về tính khách quan kết quả giám định của TTPY Đồng Nai. Tôi cho rằng, cần phải làm rõ ai đã nâng kích thước vết thương trên trán ông Ánh từ 3cm lên 5cm; Việc nâng kích thước vết thương có dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ giám định thương tích hay không cần phải được các cơ quan tố tụng làm rõ và xử lý. Ngoài ra, đối với kết quả giám định thương tật của Hội đồng giám định TTPY Đồng Nai cũng cần được làm rõ. Để xác định vết thương trên trán ông Ánh có phải do ông Hưng gây ra hay không, theo tôi ngoài việc thực nghiệm điều tra, các cơ quan tố tụng TP. Biên Hòa cần trưng cầu cơ quan chuyên môn giải thích về cơ chế hình thành vết thương, từ đây có thể cho biết vết thương trên trán ông Ánh là do bị đánh, tư thế người đánh, hay do giằng co tạo ra. Việc ông Hưng khiếu nại về thành phần Hội đồng giám định lần thứ 4 có thành viên từng tham gia hội đồng giám định lần 1 tôi cho là có căn cứ. Bởi HĐGĐ lần 1 của TTPY Đồng Nai đã cho kết quả không bình thường, bây giờ cũng những vị đó lại tiếp tục có mặt trong thành phần HĐGĐ lần 4 liệu có đảm bảo khách quan? Theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi giám định lại thì phải do giám định viên khác thực hiện; các giám định viên đã từng giám định trước đây sẽ không được tham gia. |
Nhóm PV