[links()]"Công tác thanh tra được ví như "con mèo", chỉ cần nghe tiếng mèo kêu meo meo thì lũ chuột đã sợ rồi chứ không cần mèo phải sục sạo khắp nơi, mà làm gì có đủ mèo, đủ sức để đi sục sạo khắp các hang cùng ngõ hẻm....".
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - đưa ra tình huống giả định như vậy khi đề cập tới chuyện "lót tay" bằng phong bì cho các bác sỹ trong các bệnh viện hiện nay.
- Các bệnh viện hiện nay đều có quy định cấm bác sỹ nhận phong bì của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trước và trong quá trình chữa bệnh, còn việc nhận phong bì sau khi đã điều trị xong thì không cấm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đưa tiền không vừa ý thì sẽ bị bác sỹ chê là ít?ông nghĩ sao về thực trạng này?
- Theo quy định của pháp luật nói chung, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Phòng, chống tham nhũng nói riêng (chứ không riêng gì về quy tắc ứng xử mà Bộ Y tế đã ban hành) thì nghiêm cấm người thầy thuốc nhận tiền của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trước và trong khi khám, điều trị cho bệnh nhân. Còn sau khi điều trị xong mà bệnh nhân đến cám ơn bác sỹ, điều dưỡng viên... cân đường, hộp sữa, con gà, con vịt thì đấy là chuyện bình thường, bởi nó xuất phát từ tình cảm trọng nghĩa của người Việt Nam.
Nhưng nếu có chuyện thỏa thuận giữa bác sỹ và bệnh nhân về việc sau khi xong việc, “ông” phải đưa cho tôi bao nhiêu tiền thì lúc đó y đức của người thầy thuốc, nhân viên y tế đó đã thật sự xuống cấp rồi.
|
Ông Nguyễn Huy Quang: "Sau khi điều trị xong mà bệnh nhân đến cám ơn bác sỹ, điều dưỡng viên... cân đường, hộp sữa, con gà, con vịt thì đấy là chuyện bình thường" |
- Thưa ông, cơ quan chức năng có thường xuyên giám sát, kiểm tra vấn đề này?
- Công tác thanh tra được ví như "con mèo", chỉ cần nghe tiếng mèo kêu meo meo thì lũ chuột đã sợ rồi chứ không cần mèo phải sục sạo khắp nơi, mà làm gì có đủ mèo, đủ sức để đi sục sạo khắp các hang cùng ngõ hẻm.
Cơ quan thanh tra cũng thế, riêng Thanh tra của Sở Y tế Hà Nội chỉ có hơn chục người mà kiêm biết bao nhiêu đầu việc như thanh tra khám bệnh, chữa bệnh, thanh tra y tế dự phòng, thanh tra an toàn thực phẩm, thanh tra dược... nếu kiểm tra liên tục, thường xuyên thì lấy đâu ra người?. Lấy đâu ra thời gian?. Phải tạo ra một cơ chế để từ giám đốc bệnh viện đến lãnh đạo các khoa, phòng phải có trách nhiệm kiểm tra chéo lẫn nhau. Ngay cả người bệnh cũng phải có trách nhiệm trong giám sát phát hiện những sai phạm này.
Tôi muốn nói rằng, không chỉ có Bộ kiểm tra, Sở kiểm tra mà bản thân các đơn vị cũng phải tự kiểm tra, rồi lãnh đạo các phòng, ban tự kiểm tra lẫn nhau. Có nghĩa là cả nội kiểm và ngoại kiểm thì mới mong mọi chuyện tốt được.
- Nói như vậy thì những người có chức quyền trong bệnh viện phải có tinh thần tự giác cao. Nhưng ai giám sát được việc các bác sỹ và những người có chức quyền này nhận tiền trong phòng riêng của mình?. Phải có chế tài và cơ chế giám sát chặt chẽ chứ, nếu chỉ quy định không thôi thì chẳng có tác dụng gì cả?.
- Cái này đều đã có cơ chế cả rồi. Bây giờ các bệnh viện đã triển khai Quy tắc ứng xử của Bộ y tế thì bản thân giám đốc bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng phải gương mẫu thực hiện. Thực ra phải có cơ chế giám sát: đồng nghiệp giám sát đồng nghiệp, lãnh đạo khoa giám sát lẫn nhau, trưởng khoa giám sát nhân viên, người bệnh giám sát người bệnh. Nếu bệnh nhân tố cáo rằng người nọ, người kia vừa đưa tiền cho bác sỹ thì đố bác sỹ nào dám nhận?.
Quy chế này, các bệnh viện đều có cả. Chẳng qua là họ thực hiện như thế nào mà thôi. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói đại ý rằng, nếu ai cũng sợ đấu tranh chống tham nhũng thì đâu còn đất nước này. Bởi vậy phải tạo ra phong trào chung là giám sát lẫn nhau. Nếu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều đồng loạt không đưa tiền thì các bác sỹ cũng không thể vòi vĩnh hay hạch họe họ được.
- Nhiều ý kiến cho rằng, quy định cấm bác sỹ nhận tiền của bệnh nhân chỉ là hình thức, bởi nó không đem lại hiệu quả và không đúng thực tế?. Ông nghĩ sao?.
- Việc phát động phong trào “nói không với phong bì” là khởi xướng của Công đoàn y tế Việt Nam với sự cam kết triển khai thực hiện của lãnh đạo một số bệnh viện lớn và cam kết này đã được các phương tiện truyền thông đưa tin. Khi đã có cam kết như vậy thì tất cả các bệnh viện đó đều có giám sát của công đoàn và sự cam kết của chính quyền.
Còn mức độ thực hiện đến đâu thì Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ xem xét, đánh giá xem đó chỉ là hình thức hay đã đi vào thực chất. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu làm tốt thì đó là việc làm đáng biểu dương, còn nếu làm không nghiêm thì sẽ ra hình thức, việc làm này còn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi đơn vị. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị và làm thật nghiêm thì mới đi vào thực tế, nếu chỉ cam kết và bắt tay cho đẹp mắt nhưng không thực hiện thì có cam kết cũng vẫn mang tính hình thức thôi.
- Ông có đồng ý với quan điểm: chuyện lót tay bằng phong bì trong bệnh viện ngoài sự vòi vĩnh và đạo đức xuống cấp của một bộ phận y, bác sỹ còn có lỗi từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân?
- Việc đưa tiền cho bác sỹ là xuất phát từ lỗi của cả hai phía, của bác sĩ, nhân viên y tế và của người nhà bệnh nhân, điều này là đúng rồi. Đấy còn chưa nói về việc bên đưa, bên nhận rồi bên môi giới..., tất cả hành vi đó đều vi phạm pháp luật, bởi đấy chính là hành vi đưa và nhận hối lộ.
- Để hạn chế tình trạng này, ông có đề xuất quy định gì ?
- Y đức là đạo đức của người hành nghề y, mà đạo đức nghề nghiệp lại nằm trong đạo đức xã hội. Khi đạo đức xã hội tốt thì đạo đức nghề nghiệp cũng tốt và khi đạo đức xã hội đi xuống thì đạo đức nghề nghiệp cũng xuống theo, chẳng qua ở các mức độ khác nhau mà thôi. Lương tâm của người thầy thuốc bao giờ cũng phải thực hiện lời thề Hypocrat, rồi lời răn về y đức của Hải Thượng Lãn Ông là phải coi nỗi đau của người bệnh như chính nỗi đau của bản thân mình.
Khi nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân càng cao mà bệnh viện ngày càng quá tải thì sẽ sinh ra cơ chế xin - cho, mà ai cũng muốn chen lên trước thì sẽ nảy sinh vấn đề tiêu cực. Người bệnh phải hiểu rõ được quyền của mình đến đâu.
Quan niệm đơn giản thế này thôi, khi mình đã bỏ tiền ra mua một mớ rau, con cá thì mình có quyền được lựa chọn mớ rau ngon, con cá còn tươi. Đi khám, chữa bệnh cũng vậy, đã bỏ tiền khám bệnh, chữa bệnh, bỏ tiền mua thuốc rồi thì mình có quyền đòi hỏi sử dụng dịch vụ này. Đây là hai chủ thể bình đẳng trước pháp luật, nếu nhiều bệnh nhân hiểu được như thế thì sẽ tạo ra những hành vi ứng xử có văn hóa, đúng mực.
- Trân trọng cám ơn ông.
Đức Duy (thực hiện)