Trộm cả đồ ve chai
Người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tay dắt đứa cháu nội lếch thếch bước vào tòa án TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Sau lưng bà, nắng sớm rải vàng ươm trên sân vắng. Không khí ấm áp buổi ban mai báo hiệu một ngày đầy nắng. Nhưng cái ấm áp ngoài kia dường như còn lâu mới chạm đến được lòng bà. Bà nắm chặt tay đứa cháu chưa đầy 3 tuổi.
Mười năm trước, bà từng đặt chân đến đây một lần. Ký ức mờ mờ trong trí nhớ già cỗi vẫn còn lưu lại chút ấn tượng. Năm đó, con trai bà đánh nhau, rồi bị bắt, rồi bị tuyên án. Anh ta phải ở 15 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Hồi ấy, lần đầu nhìn con trai bị cùm kẹp dẫn đến tòa, áo quần có chút nhàu nhĩ, mặt mày bơ phờ, cảm xúc của bà vừa xót, vừa đau.
Giờ nhìn lại con trai được đưa đến, cũng giống như cảnh tượng 10 năm trước, lòng lại thấy chông chênh. Nỗi lòng bà nặng nề như ai đeo lên ngàn cân đá. Con của mình, thương lắm. Nhưng mà “bỏ thì thương, vương thì tội”. “Hắn nghiện lâu nay rồi. Không dưng thành kẻ phá gia chi tử. Cửa nhà cũng vì hắn mà tiêu điều”, bà than thở.
Lần này con trai bà bị TAND TP Huế đưa ra xét xử vì tội “Trộm cắp tài sản”, cũng vì thiếu tiền mua mà túy sử dụng mà phạm tội. Vào tối một ngày hơn bốn tháng trước, con trai bà trong lúc đến nhà người quen mượn xe đạp để đi có công chuyện, trên đường trở về, lúc ngang qua một cửa hàng thu mua phế liệu thì phát hiện cửa không khóa, bên trong vắng người, nên nảy sinh ý định trộm cắp.
Bị cáo lén lút đột nhập vào tiệm ve chai, phát hiện thấy phía gần cửa có hai cái mô tơ điện (đã bị hư hỏng). Bị cáo vội vã bưng hai cái mô tơ điện ra cất giấu vào một bụi cây gần đó rồi đạp xe về nhà yên tâm ngủ. Đến sáng hôm sau, bị cáo lại đạp xe đến chỗ cất giấu, lấy hai cái mô tơ điện, chở đến cửa hàng thu mua phế liệu ở phường kế bên bán. Trong khi đang liên hệ để bán 2 cái mô tơ cũ kỹ đã hư hỏng, thì bị công an phường phát hiện bắt giữ.
Mặc dù tài sản trộm cắp được cơ quan chức năng định giá là 300 nghìn đồng, thông thường chưa đủ để khởi tố (theo quy định, giá trị tài sản phạm tội từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý về hình sự tội trộm cắp), nhưng do trước đó, bị cáo có 2 tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản, do đó bị cáo đã bị bắt tạm giam, xử lý hình sự. Tính đến ngày mở phiên tòa, bị cáo đã bị tạm giam hơn 4 tháng.
Tòa hỏi: “Bị cáo làm nghề gì?”.
Bị cáo lí nhí nói không có nghề nghiệp gì.
“Bị cáo năm nay mấy tuổi?”.
“Dạ 30”.
“30 tuổi rồi mà không nghề nghiệp, suốt ngày lông bông. Vậy bị cáo nuôi vợ con bằng cách gì?”, chủ tọa hỏi.
Bị cáo lúng túng cúi đầu, lí nhí nói vợ bị cáo bỏ đi từ lâu rồi. Bị cáo đã có vợ và một đứa con, năm nay đã 3 tuổi. Thế nhưng do bị cáo nghiện ngập, nên sau khi sinh xong, vợ bị cáo liền để con lại cho bố mẹ chồng chăm sóc, còn mình thì bỏ đi.
Vị hội thẩm nhân dân không nén được xót xa: “Bị cáo đã 30 tuổi, có con nhỏ như thế, mẹ của cháu đã bỏ đi rồi, bị cáo không tỉnh ngộ mà nuôi dạy con thì sau này cuộc đời của con bị cáo sẽ ra sao? Mình làm cha, lại làm một tấm gương xấu để con nhìn vào. Bị cáo có sợ con mình sẽ đi theo vết xe đổ của bị cáo không? Đã làm cha làm mẹ, không nghĩ đến bản thân mình thì thôi, nhưng cũng phải nghĩ đến con cái chứ? Bố mẹ thì già, con mình thì nhỏ, mình thì sa vào nghiện ngập, hỏi con bị cáo phải sống làm sao?”.
Bị cáo im lặng. Nhưng mẹ bị cáo lại nước mắt lưng tròng.
Nụ cười héo hon của người mẹ
Đến tham dự phiên tòa hôm nay, mẹ bị cáo dắt theo đứa cháu nội, đôi mắt đứa trẻ cứ ngơ ngác nhìn ngó xung quanh. Nghĩ lâu rồi con trai và cháu nội chưa có dịp gặp nhau, nên bà dắt cháu vào phòng xử, bị cảnh vệ ngăn cản. “Cháu còn nhỏ tuổi, nhìn cảnh này sẽ không tốt. Trí nhớ non nớt của cháu sẽ có ấn tượng xấu khi nhìn thấy cha bị bắt, bị xử, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này”, một cảnh vệ khuyên nhủ. Bà đành “lùa” đứa cháu ra ngoài hành lang đứng chơi một mình. Bà chỉ muốn cha con được nhìn thấy nhau, đâu nghĩ được nhiều như vậy.
Vị hội thẩm hỏi bị cáo, trước đây bị cáo trộm gì? Bị cáo lí nhí khai là do trộm đồ đạc trong nhà. Cả hai lần trộm đó, bị cáo bị xử phạt hành chính, lần đầu phạt 1,5 triệu đồng, lần sau phạt 2 triệu đồng. “Bị cáo đã không chăm sóc được con mình. Con bị cáo cũng phải do ông bà nội nuôi dưỡng, sao bị cáo còn nỡ lòng trộm đồ trong nhà đem đi bán. Rồi lại bắt cha mẹ đem tiền đi đóng phạt?”, vị thẩm phán cám cảnh.
Mẹ bị cáo ngồi bên dưới, nói mà như mếu. Biết con mình nghiện ngập, gia đình cũng đã tìm đủ cách, nhưng chẳng thể cai được những cơn nghiện dày vò con trai đến sống dở chết dở. Nhà cửa trước tuy không phải thuộc diện giàu có gì, nhưng cũng đàng hoàng đầy đủ. Từ ngày bị cáo sa vào nghiện ngập, bao nhiêu tài sản trong nhà cứ thế đội nón ra đi theo từng vòng khói trắng của con trai. Đến nỗi bộ bàn ghế để ngồi uống trà, con trai bà cũng khuân nốt.
Vị hội thẩm nhẹ giọng khuyên, hai cái mô tơ điện bị hư đó, bị cáo liên hệ bán chẳng được mấy đồng, lại phải trả giá đắt, vô tù ngồi, bỏ lại con. Nếu bị cáo chăm chỉ lao động, đi làm thuê một ngày cũng kiếm được số tiền gấp mấy lần như thế (bị cáo liên hệ bán hai cái mô tơ điện với giá chỉ 50 ngàn). Sức dài vai rộng, không làm việc này thì kiếm việc khác. Bị cáo sống đã gần nửa đời người, phải biết suy nghĩ trước sau, không thể cứ lên cơn nghiện, là bất chấp tất cả được.
Trước khi phiên tòa xảy ra, mẹ bị cáo tâm sự, con trai bà nghiện ngập, cứ ở ngoài chẳng thể cai được. Bà chỉ mong tòa có thể “nặng tay” xử phạt con trai mình. Ở trong trại giam lâu lâu hơn một chút, may ra con trai bà mới có cơ hội đoạn tuyệt với ma túy. Chứ sợ ra ngoài, con bà lại quay trở lại với ma túy thì chỉ có bi kịch tiếp nối bi kịch.
Dù bày tỏ nỗi lòng với thư ký phiên tòa, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa như thế, vậy nhưng khi tòa hỏi ý kiến, người mẹ ấy cứ trầm ngâm. Nhìn con trai đứng rúm ró trước mặt hội đồng xét xử, những lời lẽ hùng hồn trước đó, mãi chẳng thể thốt nên lời. Có lẽ, dù thẳm sâu trong lòng bà, thật lòng muốn con ngồi tù lâu hơn chút, vừa để cai nghiện, vừa để nhà cửa được yên bình thêm đôi ba bữa, nhưng bà chẳng thể đành lòng nói trước mặt con trai, nên đành ngậm ngùi lắc đầu, rồi lặng lẽ ngồi xuống.
Tòa nhận định, bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bị cáo phạm tội, gây thiệt hại không lớn, thành khẩn khai báo, nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Tòa tuyên phạt bị cáo mức án tương đương với thời gian bị tạm giam (4 tháng 2 ngày), tuyên trả tự do tại tòa. Nhìn con trai vui mừng hớn hở, người mẹ cũng cười, nhưng nụ cười chẳng thể nào tươi cho nổi.