Ngày 7/11/2017, TAND Tối cao đã có Công văn số 538 nêu ý kiến của Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo chuyển đơn đến Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai để xem xét, chỉ đạo khẩn trương tiến hành các thủ tục sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không để vụ án kéo dài, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Một vụ kiện thừa kế không phức tạp…
Theo nội dung vụ án, cha mẹ bà Đỗ Thị Phượng (cụ Đỗ Văn Thanh và Trần Thị Vân) có 10 người con, gồm các ông, bà: Đỗ Thị Thoa, Đỗ Thị Thu, Đỗ Thị Tuyết, Đỗ Thị Nguyệt, Đỗ Thị Hồng, Đỗ Minh Cường, Đỗ Kim Lương, Đỗ Thị Dung, Đỗ Thị Phượng, Đỗ Thành Long.
Năm 1995, cụ Vân bán ngôi nhà ở Gia Lâm (Hà Nội), chuyển vào Đồng Nai sinh sống và mua của bà Trần Thị Sâm một căn nhà cấp 4 trên diện tích 500m2 đất ở số 75A tổ 8 khu phố 3 phường An Bình (Biên Hòa, Đồng Nai). Năm 1996, bà Thu “cắt” 100m2 đất trong thửa đất của cụ Vân bán cho ông Trần Quang Đại. Năm 1997, khi bà Phượng lập gia đình riêng đã được cụ Vân “cắt” cho 39,3m2 đất để ở.
Đến năm 1999 cụ Vân mất không để lại di chúc. Bà Thu làm thủ tục đứng tên nhà đất của cụ Vân. Năm 2006, bà Phượng có đơn khởi kiện chia thừa kế khối di sản cụ Vân là nhà cấp 4 trên khuôn viên đất 357,3m2 (do bà Thu đứng tên, quản lý sử dụng). Sau đó bà Phượng có bổ sung yêu cầu khởi kiện, đề nghị đưa 39,3m2 đất mà cụ Vân đã cho bà Phượng vào khối di sản để chia thừa kế (tổng cộng là 396,6m2 đất, theo định giá 2.250.000đồng/m2). Còn bà Thu có yêu cầu phản tố, cho rằng toàn bộ thửa đất là do vợ chồng bà mua của bà Sâm, không phải là tài sản thừa kế của cụ Vân. Bà Thu cũng cho rằng phần đất 39,3m2 mà bà Phượng đang quản lý là “của vợ chồng bà” và đòi lại phần đất này để gộp vào thửa chung.
Tại Bản án sơ thẩm số 11/2008/DS-ST ngày 08/9/2008, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phượng và một phần yêu cầu phản tố của bà Thu. Theo đó, xác định khối di sản thừa kế của cụ Vân để lại là 396,6m2; hàng thừa kế thứ nhất có 10 người con nhưng các bà Thoa, Hồng, Tuyết từ chối nhận di sản nên chỉ phải chia cho 7 người. Bản án phân chia trên cơ sở: đồng thừa kế nào nhận hiện vật thì phải có trách nhiệm thanh toán giá trị tiền tương đương với giá đất đã định giá cho đồng thừa kế không nhận hiện vật.
Bản án sơ thẩm trên sau đó bị bị đơn và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo. Ngày 17/12/2008 Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm đã quyết định: Hủy toàn bộ bản án sơ thẩmvì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; Giao hồ sơ vụ án về lại cho TAND tỉnh Đồng Nai giải quyết lại theo thủ tục chung. Theo HĐXX phúc thẩm thì trong vụ án này có ông Đỗ Mạnh Cường và bà Đỗ Kim Lương (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đang ở nước ngoài có đơn xin xét xử vắng mặt và ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng nhưng các giấy tờ này không có công chứng, chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Tại sao “ngâm án” đến 8 năm chưa xét xử sơ thẩm lại?
Ngày 25/3/2009TAND tỉnh Đồng Nai đã thụ lý giải quyết lại vụ án.Tuy nhiên, đến nay đã hơn 8 năm nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử lại.
“Việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Tôi đã nhiều lần liên hệ với TAND tỉnh Đồng Nai về tiến độ giải quyết lại vụ án nhưng đều được trả lời “đang xem xét giải quyết” với những lý do thiếu thuyết phục. Không hiểu Tòa cố tình hay vô tình để kéo dài thời gian giải quyết vụ án của tôi?”- bà Phượng bức xúc trình bày.
Bà Phượng cho biết,tại buổi làm việc sáng ngày 07/7/2017, thư ký tòa án Nguyễn Minh Tín đã thông báo cho bà Phượng và luật sư ý kiến của thẩm phán rằng: “Để vụ án có thể được đưa ra xét xử Tòa án cần tiến hành xác minh địa chỉ cư ngụ hiện nay của ông Đỗ Mạnh Cường thêm một lần nữa và phải chờ kết quả tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bà Đỗ Kim Lương (hiện đang cư trú tại Đức) xem bà Lương có tham dự được phiên tòa hay không?”.
Về nội dung này, bà Phượng và luật sư đã có ý kiến bằng văn bản gửi Tòa án ngày 10/7/2017 nêu quan điểm: Không cần thiết phải tiếp tục xác minh thêm địa chỉ của ông Đỗ Mạnh Cường bởi trong bản khai gửi TAND tỉnh Đồng Nai ngày 22/02/2007 ông Cường (là người liên quan trong vụ án, thời điểm này đang đi lao động tại Đức) cho biết đã nhận được Thông báo số 147/TB-TA ngày 14/02/2007 của TAND tỉnh Đồng Nai. Trong bản tự khai này ông Cường đã thể hiện ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án… Tương tự, cũng không cần thiết phải chờ kết quả tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bà Đỗ Kim Lương (cư trú tại Đức). Vì suốt quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án từ ngày 25/10/2006 bà Lương đã có nhiều bản khai, bản tường trình, bổ sung yêu cầu… thể hiện rõ quan điểm, ý chí của mình về việc giải quyết vụ án gửi Tòa án.
Quá bức xúc và cho rằng TAND tỉnh Đồng Nai cố tình “ngâm” án 8 năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, bà Phượng đã gửi đơn kêu cứu lên Chánh án TAND Tối cao. Ngày 7/11/2017, TANDTC có Công văn số 538 nêu ý kiến của Chánh án TANDTC chỉ đạo chuyển đơn đến Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai để xem xét, chỉ đạo khẩn trương tiến hành các thủ tục sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không để vụ án kéo dài, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Đề nghị TAND tỉnh Đồng Nai sớm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chánh án TANDTC, sớm đưa ra xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.