Ba lần tuyên vô tội, ba lần bị kháng nghị
Hơn 10 năm trước đây, ngày 1/3/2004, Công an huyện Đồng Phú khởi tố bị can đối với anh Hoàng Trọng Nghĩa (ngụ phường Tân Bình, TX Đồng Xoài, Bình Phước) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và chuyển cho cơ quan tố tụng tỉnh theo thẩm quyền.
Hai năm sau, Viện KSND tỉnh truy tố Nghĩa về tội danh trên, đồng thời chuyển hồ sơ về cho VKSND huyện thực hành quyền công tố (do thời điểm này cấp huyện được tăng thẩm quyền).
Theo cáo trạng, khoảng 18h30 ngày 23/9/2002, anh Nghĩa chạy xe máy BKS 93F2-0699 lưu thông trên QL14 hướng từ huyện Bù Đăng về TX. Đồng Xoài.
Khi đến khu vực ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, anh Nghĩa chạy tốc độ nhanh, không quan sát, đã đụng phải anh Tạ Quang Nghiệp (SN 1960) đang đi bộ sát lề đường cùng chiều làm nạn nhân ngã xuống đường.
Xe kéo anh Nghiệp đi thêm 10m, đụng vào mô tô BKS 61A1-4707 do anh Bùi Tiến Lại đang dắt đi bộ phía trước. Anh Lại không hề hấn gì nên dắt xe rời khỏi hiện trường, còn anh Nghiệp tử vong.
Sáu năm sau ngày xảy ra tai nạn, cuối tháng 8/2008, TAND Đồng Phú đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, bản án này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên sau đó bị huỷ.
Bằng chứng là biên bản phiên toà sơ thẩm được mở vào lúc 8h ngày 27/3/2008, sau đó bị tạm hoãn đến 14h và kết thúc vào 14h30 ngày 28/3/200, nhưng biên bản nghị án lại được thể hiện vào lúc 13h ngày 27/3. Như vậy, HĐXX đã nghị án… trước khi kết thúc thủ tục xét hỏi và tranh luận.
Tiếp tục đến những phiên toà sau, TAND huyện và TAND tỉnh đều tuyên bị cáo Nghĩa không phạm tội. Theo tòa, khi tai nạn xảy ra, các nhân chứng đều khai chỉ nghe tiếng “rầm” mới chạy đến và thấy 2 xe gắn máy nằm tại hiện trường nên suy đoán anh Nghĩa điều khiển xe máy đụng phải anh Nghiệp. Trong khi đó, hai người bạn đi bộ cùng nạn nhân lúc xảy ra tai nạn khai không hề nhìn thấy bị cáo đâm vào anh Nghiệp.
Phân tích hiện trường, HĐXX nhận định vết cà của xe bị cáo cách lề phải 1,21m. Trong khi nhân chứng khai nạn nhân đi bộ cách lề phải 0,5m thì khó có thể chạm tới người nạn nhân. Đặc biệt, vết cà xe bị cáo dài 10,04m; có nghĩa là xe bị cáo đã ngã xuống đường, nên không có thể chạy tiếp 10m để đụng vào xe anh Lại.
Không chỉ vậy, tại hiện trường vụ tai nạn đã bị xáo trộn, bởi vật chứng là hai chiếc xe đều đã bị dắt đem đi nơi khác. Song khi công an huyện đến khám nghiệm và lập biên bản hiện trường đã không yêu cầu đem hai chiếc xe đó ra để khám nghiệm. Như vậy công an đã vi phạm các quy định về hiện trường nên không thể xác định được bị cáo gây tai nạn như thế nào?
Chưa hết, lời khai của các nhân chứng cũng khác nhau, lời khai trước sau không thống nhất và mâu thuẫn nhau về khoảng cách, về tư thế ngã của bị cáo và nạn nhân. Người khai rằng thấy 2 chiếc xe máy nằm cách nhau 2-3m, có người lại khai nằm chồng lên nhau.
Trong những phiên xét xử sau, bản kết luận điều tra và cáo trạng không đồng nhất. Kết luận điều tra cho rằng xe của bị cáo chạy đụng vào nạn nhân rồi theo quán tính chạy lên phía trước đâm tiếp vào xe anh Lại. Trong khi đó, cáo trạng lại cho rằng xe bị cáo đâm vào nạn nhân đi bộ, kéo nạn nhân đi 10m rồi đâm tiếp vào xe anh Lại.
Vụ án tiếp tục được trả đi trả lại điều tra bổ sung nhiều lần, đến ngày cuối năm 2014, TAND tỉnh lại tuyên anh Nghĩa không phạm tội, huỷ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. VKSND huyện vẫn tiếp tục kháng nghị theo hướng bị cáo có tội. Vụ án tiếp tục nhùng nhằng đến nay chưa hồi kết.
12 năm mòn mỏi
Sau tai nạn giao thông, anh Nghĩa bị chấn thương sọ não, đầu óc không còn tỉnh táo, gia đình đã phải đưa vào điều trị tại BV Tâm thần Trung ương II (TP Biên Hoà, Đồng Nai). Suốt 12 năm ròng rã vướng vòng tố tụng, từ một chàng trai khoẻ mạnh, trụ cột gia đình, nay anh Nghĩa ngơ ngơ ngẩn ngẩn không khác gì một đứa trẻ.
Anh Hoàng Trọng Nghĩa đã hóa ngẩn ngơ sau vụ TNGT |
Người mẹ chỉ về hướng con trai đang ngồi nghịch đống giấy tờ rồi buồn rầu nói: “Lúc mới xảy ra việc, gia đình bên kia có tới nhà tôi thoả thuận đòi 50 triệu rồi sẽ cho êm chuyện. Nhưng bao nhiêu tiền, tài sản đều vơ vét hết để điều trị cho Nghĩa nằm viện. Hơn nữa, năm 2002, số tiền 50 triệu quá lớn đối với gia đình tôi nên đành để họ khởi kiện ra toà. Nghĩa điều trị tại bệnh viện tâm thần hơn 1 năm, đến ngày trở về nhà nó chỉ còn gần 40kg”.
Ngày anh Nghĩa gặp nạn, vợ anh mới sinh con được 3 tháng tuổi. Đau đớn thay, người vợ ấy đã tự ý làm đơn ra toà ly hôn rồi ẵm con về nhà mẹ đẻ sống.
Từng ấy năm anh Nghĩa vướng vào vòng lao lý, gia đình bà Thuý tất tưởi chạy ngược chạy xuôi đến biết bao phiên toà chỉ mong nhận được kết luận thoả đáng từ phía cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, càng đi, họ càng thất vọng khi toà án vẫn chưa có một phán xét cuối cùng xem anh Nghĩa có bị oan hay không. Người mẹ tâm sự: “Mỗi lần có phiên xử, vợ chồng tôi không tài nào chợp mắt được. Trong lòng cứ đinh ninh phiên toà ấy sẽ là cuối cùng, thế mà đến nay đã 12 năm chờ đợi mòn mỏi. Không biết vụ án của con tôi sẽ kéo dài bao lâu nữa đây. Dù con tôi có tội hay không, gia đình tôi cũng mong pháp luật có một câu trả lời thoả đáng”.
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, Luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo Nghĩa) cho biết: “Vụ án Hoàng Trọng Nghĩa được Đoàn Luật sư Bình Phước đưa vào danh sách “Các vụ án áp dụng pháp luật chưa đúng, có dấu hiện oan sai kéo dài”.
Nhiều phiên toà tuyên anh Nghĩa vô tội, bị trả lại hồ sơ. Tuy nhiên, đến nay ngay cả kết luận điều tra và cáo trạng cũng “đá” nhau, và đều có điểm chung là không có chứng cứ kết tội bị cáo. Trong trường hợp này, tốt nhất nên đình chỉ điều tra và tuyên anh Nghĩa vô tội, tránh để lãng phí thêm công sức, tiền bạc, thời gian; và quan trọng nhất là tránh oan sai”./.